Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Giám sát kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 4-5, đoàn công tác do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Ayun H'Bút làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” tại huyện Chư Sê.

Quang cảnh buổi giám sát tại UBND huyện Chư Sê. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo báo cáo của UBND huyện Chư Sê, đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành trồng trọt của huyện đạt 2.603 tỷ đồng, chiếm 68,42% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tăng 25,2 tỷ đồng so với năm 2015. Toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 1.374 ha hồ tiêu bị chết sang trồng cà phê, bơ, sầu riêng, mít, chanh dây, dược liệu…; tái canh 1.683 ha cà phê già cỗi, kém hiệu quả, đạt 112%. Huyện đã tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị.

Từ năm 2015 đến nay, huyện cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; khuyến khích người dân và doanh nghiệp áp dụng chăn nuôi công nghệ cao theo chuỗi khép kín. Huyện đã triển khai trồng được 412 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 27,4%, tăng 3,4% so với năm 2015. Đến năm 2020, diện tích nuôi trồng, khai thác thủy sản của huyện đạt 3.829 ha (tăng 1,3% so với năm 2015); tổng sản lượng thủy sản đạt 1.300 tấn (tăng 217,1%).

Giai đoạn 2016-2020, Chư Sê có 8 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 11/14 xã, tăng 5 xã so với giai đoạn 2011-2015. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, lâm sản và an toàn vệ sinh thực phẩm nông-lâm-thủy sản được chú trọng.

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Chư Sê còn chậm. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản vẫn còn thấp; diện tích một số loại cây trồng phát triển chưa cân đối, còn tự phát, chưa theo quy hoạch. Huyện chưa phát triển nhiều mô hình hợp tác liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu để gia tăng giá trị, phát triển bền vững.

Giám sát tại Công ty TNHH một thành viên Phúc Huy Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp


Huyện Chư Sê đã kiến nghị với đoàn giám sát một số vấn đề như: cần tháo gỡ những vướng mắc về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tổ chức các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm nông-lâm-thủy sản và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ huyện phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và chế biến; đầu tư kiên cố hóa kênh mương nội đồng…

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H'Bút đánh giá cao kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản; thanh tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cần bám các chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhất là quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp huyện; hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, xây dựng vùng chuyên canh cây trồng hiệu quả; chú trọng liên kết “3 nhà”: nhà khoa học, nhà nước và nhà nông. Đặc biệt, huyện cần xây dựng mối liên kết sản xuất-tiêu thụ giữa người dân với hợp tác xã, nhất là xây dựng hợp tác xã kiểu mẫu.

 

NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm