(GLO)- Ngày 28-2, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các xã Ia Dom, Ia Nan và Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Ông Đinh Duy Vượt- Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn.
Tại xã Ia Dom, truớc tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xã Ia Dom đã quán triệt chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và huyện nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bà Đoàn Thị Bình-Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Ia Dom có 5 làng, 2 thôn; trên 2.000 hộ; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 45%. Với đặc điểm là xã biên giới tiếp giáp Campuchia, có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nên xã xác định có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh trên địa bàn vì vậy chú trọng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, xã đã triển khai phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các điểm công cộng đợt 2; chỉ đạo các trường học, các thôn, làng thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ tại các trường, các điểm công cộng. UBND xã đã xây dựng phương án nếu có người từ các quốc gia vùng có dịch về địa bàn xã sẽ cho cách ly tại Trạm Y tế xã; công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân thông thường sẽ chuyển đến Trạm xá quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tại làng Bi, xã Ia Dom.
Đoàn làm việc tại UBND xã Ia Dom, huyện Đức Cơ. Ảnh: Như Nguyện |
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được chú trọng nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các lực lượng đóng chân trên địa bàn, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền người dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; hạn chế qua lại thăm thân tại Campuchia; không tổ chức các lễ hội tập trung đông người… Qua triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, từ ngày 2-2 đến ngày 27-2, xã Ia Dom chưa phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh cần phải cách ly.
Đối với xã Ia Nan, ngoài thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã, xã cũng đã xây dựng kế hoạch phòng, chống theo nguyên tắc “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Bà Bùi Thị Thanh- Chủ tịch UBND xã Ia Nan thông tin: Xã Ia Nan có 6 thôn, 3 làng; có 1.902 hộ, hơn 7000 khẩu; trên 28% là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã thì xã đã thành lập lực lượng tiếp nhận, đăng ký, phân loại ban đầu khi có công dân Việt Nam từ các nước có dịch Covid-19 về Việt Nam và dựng nhà lều tại điểm số 4 Đồn Biên phòng 723…Theo đó, đồn biên phòng bố trí quân số, chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, quân sự đảm bảo nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp; đảm bảo chế độ trực 24/24 giờ, báo cáo dịch theo đúng quy định.
Theo Chủ tịch UBND xã Ia Nan, đến nay, xã đã triển khai phun hóa chất khử trùng với tổng diện tích gần 49.000m2; tổ chức giám sát chặt chẽ những người ở vùng khác vào xã, duy trì kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ. Công tác truyền thông được chú trọng tăng cường bằng nhiều hình thức; tích cực tuyên truyền đến tận các thôn, làng giúp bà con nâng cao kiến thức phòng, chống dịch.
Ông Đinh Duy Vượt trao đổi với trưởng thôn làng Tung, xã Ia Nan về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch. Ảnh: Như Nguyện |
Ngoài làm việc tại UBND xã nắm thông tin chung, Đoàn giám sát cũng đã đến kiểm tra khu vực cách ly bố trí tại Trạm y tế xã Ia Dom và thực tế công tác tuyên truyền phòng, chống dịch tại làng Mook Trang, xã Ia Dom. Đoàn cũng kiểm tra tại Trạm Y tế xã Ia Nan và khảo sát kiến thức của người dân tại làng Tung, xã Ia Nan về phòng, chống dịch Covid-19.
Qua nắm thông tin chung và khảo sát thực tế, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đinh Duy Vượt nhấn mạnh: Tình hình dịch Covid-19 hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy công tác phòng, chống dịch không được chủ quan, lơ là mà phải hết sức tập trung. Các xã cần quán triệt tinh thần chống dịch như “chống giặc”, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, chỉ thị từ Trung ương cho đến địa phương; tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến người dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hành để người dân nắm rõ, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội đóng chân tại địa bàn quản lý chặt việc giao lưu qua lại tuyến biên giới; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và cần có kịch bản ứng phó với tình huống cao hơn để chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Đoàn kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Như Nguyện |
Làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế và kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, ông Đinh Duy Vượt đánh giá cao sự phối hợp của Ban Quản lý Khu Kinh tế, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Trạm kiểm dịch thực vật và Khoa kiểm dịch Y tế Biên giới (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) trong triển khai công tác phòng, chống dịch. Thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục phối hợp tăng cường giám sát việc xuất nhập cảnh nhất là các công dân nhập cảnh từ các vùng có dịch vào Việt Nam; kiểm soát tốt việc đi lại thăm thân tại Campuchia của người dân; kiểm tra chặt chẽ người qua lại biên giới, qua các đường mòn, lối mở. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch; có phương án xử lý, tiếp nhận công dân từ vùng dịch về…
Như Nguyện