Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29 tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 21-11, Đoàn công tác của Trung ương do ông Phan Tùng Mậu-Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Làm việc với đoàn có đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các trường: Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Cao đẳng Nghề Gia Lai và THPT Phan Bội Châu.
Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Hồng Thi
Tại buổi giám sát, ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã báo cáo khái quát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Đổi mới GD-ĐT tỉnh và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; đồng thời ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án, chỉ thị… để tổ chức thực hiện.
Qua triển khai Nghị quyết 29, đến nay, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh đã đạt được những thành tựu nhất định. Quy mô GD-ĐT, mạng lưới trường lớp phát triển mạnh; toàn tỉnh hiện có 772 trường mầm non, phổ thông; 1 phân hiệu đại học, 3 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp chuyên nghiệp, 15 trung tâm GD nghề nghiệp-GD thường xuyên, 222 trung tâm học tập cộng đồng. Cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, từng bước được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố và hiện đại hóa (tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 61,99%). Tổng số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia là 332 trường (chiếm 41,71%, tăng vượt so với chỉ tiêu đề ra). Số lượng học sinh tăng hàng năm; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày năm học sau cao hơn năm trước. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng, phù hợp với quy mô trường lớp, học sinh ở từng cấp học. Chất lượng GD-ĐT ổn định, đồng bộ; học sinh giỏi quốc gia và tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia tăng hàng năm. Phổ cập GD, xóa mù chữ được duy trì và giữ vững. Công tác xã hội hóa GD được đẩy mạnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, giảng dạy và học tập. Thêm vào đó, tỉnh cũng đã xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển dạy nghề giai đạn 2016-2020 cùng nhiều chương trình, đề án khác nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD-ĐT... 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi
Trên cơ sở đề xuất của Đoàn công tác của Trung ương, tỉnh Gia Lai đã giải trình, làm rõ 20 nội dung (12 nội dung thuộc lĩnh vực GD-ĐT và 8 nội dung về GD nghề nghiệp) liên quan đến những vấn đề như: việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình GD phổ thông tổng thể; việc thừa-thiếu giáo viên giữa các địa phương, cấp học, môn học; tuyển dụng giáo viên tiểu học và mầm non; tình trạng của giáo viên, học sinh ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa; sáp nhập trường tiểu học và THCS thành Phổ thông cơ cở; cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực GD-ĐT; phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS; cơ chế, chính sách trong phân cấp, phân quyền quản lý GD-ĐT ở địa phương; quy hoạch đất đai đảm bảo cho phát triển GD-ĐT; chính sách hỗ trợ đào tạo đối với người dân tộc thiểu số; việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực GD-ĐT; đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập của các cơ sở GD nghề nghiệp; chất lượng học sinh sau GD nghề nghiệp, việc sử dụng lao động qua đào tạo; chủ trương thực hiện GD mở, liên thông trong lĩnh vực GD nghề nghiệp của tỉnh; việc dạy nghề, hướng nghiệp ở cấp huyện; dự toán, dự báo đánh giá yêu cầu nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực cần thiết của địa phương; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo, tuyển dụng lao động… Cùng với đó, tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương 7 nội dung nhằm hỗ trợ triển khai tốt công tác GD-ĐT ở địa phương.
Trưởng đoàn giám sát Phan Tùng Mậu kết luận buổi giám sát. Ảnh: Hồng Thi
Kết luận buổi giám sát, ông Phan Tùng Mậu đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đồng thời, Trưởng đoàn công tác của Trung ương cũng đề nghị, Gia Lai cần có kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay; kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên về chương trình và nội dung sách giáo khoa mới để chủ động trong công tác giảng dạy; chú trọng đến vấn đề GD đạo đức và phẩm chất cho học sinh; đổi mới phương pháp quản lý GD; huy động nguồn lực xã hội hóa cho GD. Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đoàn ghi nhận và sẽ tổng hợp, báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ để Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống.
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm