Phóng sự - Ký sự

Gian nan hành trình "gieo chữ" vùng sâu-Kỳ cuối: Những bước chân không mỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vượt qua những gian nan, trắc trở trong công tác dạy và học, trên hành trình “gieo chữ”, những giáo viên tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa vẫn cần mẫn, miệt mài băng rừng, lội ruộng, kiên trì bám buôn làng để mang con chữ đến với học trò thân yêu của mình.

Thầy Y Thắng RơYam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản hướng dẫn bài cho học sinh trong giờ học.
Thầy Y Thắng RơYam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản hướng dẫn bài cho học sinh trong giờ học.
Băng rừng “cõng" chữ vào buôn
Với thâm niên gần 18 năm "cắm buôn" dạy học, thầy Y Thắng Rơ Yam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Ea R’bin, huyện Lắk) là người được nhiều thế hệ học sinh ở xã Ea R’bin biết đến bởi tấm lòng yêu mến, gần gũi với học trò.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk vào năm 2004, chàng sinh viên Y Thắng với quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã quyết định nộp hồ sơ tình nguyện vào dạy học tại Trường THCS Trần Quốc Toản, đứng chân ở địa bàn khó khăn nhất của huyện Lắk.
Điểm trường cách nhà anh hơn 50 km, những năm đầu đường đi lại rất vất vả, từ thị trấn Liên Sơn đến điểm trường phải chật vật tròn một buổi. Cũng có lúc thầy cảm thấy nhụt chí, nghĩ đến việc bỏ nghề nửa chừng, thế nhưng những tình cảm chân thành, cùng với sự hiếu học của học trò nơi đây đã “níu giữ” chân thầy cho đến ngày hôm nay.
Còn đối với thầy Trần Văn Hoàng đến nay cũng đã ngót nghét 25 năm đứng trên bục giảng. Từng công tác ở nhiều trường thuộc xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lắk, nhưng nơi khiến thầy trăn trở nhất có lẽ là điểm Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng ở buôn Lách Ló, xã Nam Ka.
Có thể nhiều giáo viên được phân công vào dạy ở buôn Lách Ló một lần rồi không muốn vào lại lần hai, nhưng vì tình cảm gắn bó với đồng bào nơi đây, thầy Hoàng đã tình nguyện đến giảng dạy tại điểm trường này năm nay nữa là lần thứ ba.
Chính vì vậy, trải qua không biết bao nhiêu gian truân của nghề giáo, kỷ niệm khó quên nhất của thầy vẫn là năm đầu tiên dạy học tại buôn Lách Ló. Lớp học thời ấy được dựng nên từ các mảnh gỗ ghép nằm sâu trong rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, đời sống bà con đặc biệt khó khăn, không điện, không nước, không sóng điện thoại.

Thầy Trần Văn Hoàng, giáo viên Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng chuẩn bị giáo án trước khi vào buôn Lách Ló dạy học.
Thầy Trần Văn Hoàng, giáo viên Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng chuẩn bị giáo án trước khi vào buôn Lách Ló dạy học.
Thầy Hoàng chia sẻ, đều đặn chiều chủ nhật hằng tuần, thầy lại lỉnh kỉnh nhu yếu phẩm và vật dụng cá nhân bắt đầu hành trình vào buôn Lách Ló. Vì bám buôn đã lâu nên không ít người dân gọi thầy với cái tên thân thương là "người đưa đò trên núi". Bản thân thầy luôn có một tình cảm sâu nặng với người dân và học trò nơi đây. Cũng như bao người khác đang sống ở vùng đất này, thầy mong mỏi Nhà nước quan tâm xây dựng con đường vào buôn để bà con đi lại dễ dàng, giao thương với bên ngoài, để hành trình “cõng" chữ vào buôn của các thầy cô giáo đỡ gian nan, vất vả.
Lội ruộng đến nhà vận động học sinh
“Năm học 2021 – 2022 Trường đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón học sinh.  Mong rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và nỗ lực của cán bộ, giáo viên nhà trường trong việc vận động học trò, số lượng học sinh đến lớp sẽ đạt tỷ lệ 100%".
Thầy Phan Văn Thưởng, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản
Trường THCS Trần Quốc Toản có 174 học sinh với 5 lớp, trong đó học sinh người dân tộc thiểu số chiếm đến 98%, chủ yếu là người Êđê, Mông, Thái... Năm học mới 2021 - 2022 đã bắt đầu, nhưng một số học sinh của trường không đến lớp nên các thầy cô phải tới nhà tìm hiểu nguyên nhân và vận động các em trở lại trường học.
Tranh thủ thời gian trống tiết, thầy Phan Văn Thưởng, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản và cô Phạm Thị Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A đã đến làng Mông để nắm bắt, tìm hiểu lý do học sinh nghỉ học.
Thầy Thưởng, cô Hồng dẫn chúng tôi men theo bờ ruộng, tìm đến nhà em Lầu Văn Thiên (học sinh lớp 6A) mới thấy được con đường đến trường của em không hề dễ dàng.
Nhà Thiên nằm tách biệt hoàn toàn với những nhà khác trong làng Mông. Gia đình đông anh em nên Thiên muốn nghỉ học để theo bố mẹ làm rẫy, làm ruộng.
Thầy Thưởng, cô Hồng đã trò chuyện, lắng nghe tâm tư của bố mẹ Thiên và bản thân em, đồng thời động viên em sớm quay lại trường. Sau một hồi thuyết phục thì bố mẹ Thiên và em đã gật đầu đồng ý.

Cô Phạm Thị Hồng (Trường THCS Trần Quốc Toản) vừa đi vận động học sinh tới trường vừa ôn bài cho các em.
Cô Phạm Thị Hồng (Trường THCS Trần Quốc Toản) vừa đi vận động học sinh tới trường vừa ôn bài cho các em.
Trên đường về nhà, nghe cô giáo Hồng tâm sự về công việc dạy học mới cảm nhận được tình cảm sâu nặng của cô đối với học trò của mình ở cái nơi xa xôi, heo hút này. Không chỉ truyền đạt kiến thức, cô Hồng còn là người có tấm lòng nhân ái, bao dung. Từ lúc mới vào nghề, sau mỗi buổi đứng trên bục giảng, trên đường từ trường về nhà, nhìn học sinh lưng nặng trĩu với những bao khoai, bao bắp đi mót về khiến cô thấy chạnh lòng, thương cảm. Chứng kiến những hình ảnh đó, cô Hồng không ít lần đứng ra kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ sách vở, xe đạp, xin học bổng tài trợ để giúp các em học sinh nghèo được tiếp tục tới trường...
Cô xúc động nhớ lại: Vào ngày 20-11-2017, năm đầu tiên cô đi dạy, được một học sinh nam lớp 6 đến tặng một cành hoa hồng. Lúc ấy, em học sinh chân mang đôi dép tổ ong cũ nát, khoác một chiếc áo trắng đã ngả màu vàng đục, tay cầm bông hoa với chút bẽn lẽn, rụt rè của một cậu học trò lần đầu tặng hoa cho cô giáo. Với cô, đó là món quà tinh thần vô giá và hình ảnh em học sinh nghèo tặng hoa cho cô giáo của mình trong Ngày Nhà giáo đã trở thành ký ức khó quên.
Khánh Huyền (baodaklak.vn)

Có thể bạn quan tâm