Phóng sự - Ký sự

Gian nan những ngày vỡ đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1976, cùng với bản hùng ca chiến thắng đang dư âm trên mọi miền đất nước, hàng chục vạn con người đã được điều động đến miền đất Tây Nguyên để xây dựng kinh tế mới. Một trang sử vỡ đất mở ra sôi động, hoành tráng nhưng cũng vô cùng gian nan. Có thể nói đấy là những năm tháng xứng đáng được ghi vào sử sách.
Ở Gia Lai-Kon Tum bấy giờ, từ Đức Cơ đến Plei Kần là địa bàn đứng chân của Đoàn 331. Quân số lúc mới thành lập của Đoàn 331 lên tới trên 16 ngàn người với 18 đầu mối trực thuộc, bao gồm một vùng đất đai mênh mông trên địa bàn Gia Lai-bây giờ là các công ty cao su của Binh đoàn 15, các công ty cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Công ty Chè Biển Hồ. Tại Kon Tum là 4 công ty cà phê Đak Uy và một số nông trường trồng lúa. Ở huyện Chư Prông là 3.000 người từ các vùng quê của tỉnh Hà Nam Ninh vào thành lập nông trường cao su. Tại An Khê, hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ và công nhân quốc phòng của Đoàn 332 làm kinh tế nông-lâm nghiệp. Ở huyện Krông Pa, Ayun Pa và Chư Păh, hàng chục vạn dân các tỉnh phía Bắc đến xây dựng vùng kinh tế mới… Đó là chưa kể hàng vạn lao động từ các tỉnh miền Trung được các công ty, nông trường tuyển dụng hoặc đi kinh tế mới tự phát.
Công trường như chiến trường
Lần theo chiếc cầu thang hẹp gập ghềnh của căn nhà sàn lợp tranh nhô lên lạc lõng giữa thảm cà phê xanh ngút mắt, tôi trèo lên hướng mắt nhìn ra bốn phía. Chẳng còn đâu vết tích của những cánh rừng đét đóng, miên man một màu thảo dã. Tôi cố hồi tưởng cái ấn tượng lần đầu mình đặt chân đến nơi này: những lối mòn hun hút, đỏ ngầu bùn đất; những ngày mưa giam mình trong dãy lán tập thể chật chội, tối om nghe gió chẻ vách thưa; những bữa cơm độn mì với cá chuồn khô nướng bên nhập nhọa ánh lửa… Chưa là gì cả, bởi đấy đã là năm 1983 rồi…
“Ngày chúng tôi đến, vùng đất này hãy còn là những cánh rừng xơ xác. Di chứng chiến tranh với chất độc khai quang, bom mìn còn nhức nhối trong lòng đất”-ông Trần Duy Lành-nguyên Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 701 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 331) nhớ lại. Theo dòng hồi tưởng, ông kể: “Để có đất trồng cà phê, trước tiên, chúng tôi phải phá gỡ bom mìn. Công việc chết người này được tiến hành rất mạo hiểm: Dùng máy ủi DT75 chà qua những thửa đất phải rà phá. Xác định có thể hy sinh, đơn vị lấy tinh thần tự nguyện. Giữa thời bình, sự sống đáng quý biết bao, vậy mà không ít anh em xung phong, lại bình thản dự lễ truy điệu sống cho mình… Chỉ để có 5 ha đất khu vực cống Ba Lỗ và địa điểm UBND thị trấn Đak Hà bây giờ, 3 chiếc máy DT75 đã trúng mìn khiến 2 công nhân bị thương”.
Công nhân Nông trường Cao su Chư Prông vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu (ảnh tư liệu).
Công nhân Nông trường Cao su Chư Prông vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu (ảnh tư liệu).
Không riêng gì các nông trường của Đoàn 331, nhiều nông trường đều có công nhân chết vì vướng phải bom mìn. Không nhiều, nhưng sự rung chấn của nó trong tâm lý đã trở thành yếu tố cản trở hàng đầu cho những người đi vỡ đất. Thực ra, căn bệnh sốt rét mới là hiểm họa khiến nhiều người bây giờ nhớ lại vẫn không khỏi rùng mình. Đến công ty, nông trường hay bất kỳ một điểm kinh tế nào cũng bắt gặp những thân hình võ vàng, da tái xanh, môi thâm đen vì những cơn sốt rét. Cho đến nay, chưa ai thống kê số người đã chết vì căn bệnh quái ác này nhưng chỉ riêng Đoàn 332 đã có hơn 40 người. Sốt rét và đối diện với họ từng ngày là cuộc sống vật chất vô cùng thiếu thốn: Những bữa cơm hai phần mì lát, bo bo với chút cá chuồn khô, nước mắm không phải lúc nào cũng đủ, vài tháng liền không lương là chuyện thường; thiếu từ miếng vải màn, chiếc áo lót thiếu đi. Dẫu sao đối với các công ty, nông trường vẫn còn chế độ nhà nước chu cấp, dân các vùng kinh tế mới thì đúng là “khổ tận”. Sau 6 tháng gạo được cấp, họ phải tự xoay xở lấy mọi thứ để tồn tại.
Chư Gu-rốn thuốc lá của huyện Krông Pa, tôi vẫn giữ ấn tượng thời điểm năm 1984. Bấy giờ, hơn 400 hộ dân kinh tế mới miền Bắc, chủ yếu là Thái Bình đến đất này lập nghiệp. Từng nổi tiếng với “quê hương 5 tấn”, không dưng họ bị mắc cạn bởi cây lúa rẫy phập phù trên đất nóng. Cảm giác bị “mang con bỏ rừng” khiến người ta quay ra đua nhau phá phách. Cứ ở đâu có gỗ quý là có “lâm tặc Chư Gu”. Gỗ cạn thì xoay sang đãi vàng. Cả xóm, cả thôn, ai có sức là đánh cược số phận vào bãi vàng. Không riêng Chư Gu, tại nhiều điểm kinh tế mới khác, người dân cũng đánh cược số phận mình vào các bãi vàng như thế. Ai muốn tu chí làm ăn cũng chẳng được yên. Bò nhốt trong chuồng, khóa rồi cũng bị trộm; thậm chí trồng đám rau để ăn cũng bị người ta lén phá. Còn các công ty, nông trường, “cao su đi dễ khó về…” cái quá khứ còn lởn vởn vận vào lúc này nghe chừng có vẻ tương đồng.
Con đường hiện tại chưa có ánh sáng thì tương lai rồi sẽ về đâu? Không ít người chẳng cần một sự dằn vặt. Họ chọn câu trả lời đơn giản là trốn khỏi cuộc sống mà họ cho là vô vọng này. Quần chúng bỏ về, đảng viên cũng có người bỏ về. Có người còn đốt cả nhà để về. Tình trạng bỏ ngũ đã khiến một số nông trường, công ty phải đưa tự vệ ra bến xe liên tỉnh để chặn bắt. Nhưng chặn đằng này, người ta trốn nẻo khác. Ở Công ty Cao su Chư Prông, hơn 3.000 con người ra đi hăm hở lúc đầu bỏ về gần nửa. “Về, về…”-cái điệp khúc ấy nghe như khẩu lệnh ngầm của một thế trận đang vỡ. Câu hỏi “về hay ở”  trong lòng người ở lại luôn dằn vặt với bao nỗi ưu tư.
Kiên gan trên vùng đất mới
Nếu chân lý cuộc sống chỉ phụ thuộc vào sự nhụt chí của một thiểu số người thì có lẽ chương sử vỡ đất đã không có gì để nói? Nhưng cuộc sống bao giờ cũng tồn tại bởi số đông. Dù khó khăn, gian khổ đến đâu thì số người quả cảm vẫn giữ vững niềm tin. Cho đến bây giờ, ai đó vẫn cho rằng đấy là cái thời nghe kẻng đi làm, “cơm vua ngày trời” làm ăn dối trá, hình thức. Thực sự thì không phải là không có kiểu làm ăn đó. Tôi hãy còn nhớ một chuyện như thế ở Nông trường Ia Pát (Chư Sê)  thời ấy. Bước vào chiến dịch trồng mới, trước đó, cây giống đã được giao khoán cho các hộ công nhân. Buổi ra quân cũng trống giong cờ mở, khí thế lắm. Thế nhưng đến chiều ra kiểm tra, cán bộ kỹ thuật vô cùng ngạc nhiên khi thấy một số cà phê mới trồng ban sáng đã héo rũ. Nhổ thử một cây lên xem thì hóa ra ai đó đã dối trá cắt cành cà phê cắm vào bầu đất và đã qua mặt nông trường (!).
 Nước từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ đã tưới mát những vùng đất khô khát, làm tăng mạnh diện tích lúa nước ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Ảnh: Minh Nguyễn
Nước từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ đã tưới mát những vùng đất khô khát, làm tăng mạnh diện tích lúa nước ở 2 huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhưng dẫu sao thì những kiểu làm ăn gian dối như thế cũng chỉ là số ít. Không như bây giờ lao động cứ theo số lượng sản phẩm, hễ có thành tích là được thưởng vật chất tương xứng. Bấy giờ, để nâng cao năng suất lao động, liệu pháp chủ yếu vẫn là phát động thi đua, động viên tinh thần là chính với những câu khẩu hiệu đại loại “Nếp sống mới nói điều hay, tay nghề giỏi” hay “Trai tài bạt mái, gái giỏi ta luy; hai ta cùng thi, năng suất cao, kỷ luật tốt”. Đạt được thành tích phần thưởng chủ yếu là giấy khen, vật chất kèm theo nếu có thì chỉ mang tính tượng trưng, thế nhưng người ta vẫn lao động với tinh thần hăng hái, nhiệt tình đáng khâm phục.
Được cơ quan phân công đi viết gương “người tốt-việc tốt”, tôi đã gặp không ít những con người như thế: Ở Đoàn 332 có tiểu đội của Trung sĩ Hà Văn Dương. Làm kênh thủy lợi, anh và tiểu đội thường xuyên gánh 70 kg trên vai. “Kiện tướng khai hoang” Nguyễn Duy Thế phát quang đạt 1.200 m2/ngày công. Đào hố trồng mới cà phê, ở Nông trường Ia Sao có một công nhân đào tới 120 hố/công, gấp 3 lần định mức được giao… Nhiều lắm, khó mà kể hết những tấm gương như thế. Và nữa, dù khó khăn gian khổ đến mấy họ vẫn rất lạc quan, hãnh diện với những thành quả lao động của mình. Chính tinh thần lao động quên mình, sự lạc quan của họ đã lan tỏa nguồn năng lượng tinh thần, níu kéo những người nhụt chí tĩnh tâm.
Không chỉ với các nông trường quốc doanh, tinh thần đó cũng được thắp sáng rồi lan tỏa đến các vùng kinh tế mới. Bất mãn, phá phách mãi rồi cũng cùng đường đã khiến người ta nghĩ lại: Kéo dài cuộc sống tạm bợ này là tự sát! Chỉ vắt đất mà sống mới mong tồn tại. Ý nghĩ đúng đắn đó đã bắt được mạch nguồn khi các công trình thủy lợi lớn như Ayun Hạ, Biển Hồ, Hoàng Yên… được xây dựng. Chương tư duy mới mở ra thay thế cây lương thực bằng cây công nghiệp, đặc biệt là công cuộc đổi mới đất nước đã mang lại một sinh khí thanh xuân cho bài ca vỡ đất.
Chỉ xin nói một điển hình là vùng kinh tế mới Chư Gu trong vô số những điển hình đã lột xác ra sao trên con đường vỡ đất khúc khuỷu, gian truân như thế: Năm 1992, Công ty Thuốc lá Nam đến vận động trồng nguyên liệu cho nhà máy. Lờ mờ một tia sáng cuối đường hầm, 14 hộ tiên phong nhận trồng thử. Và rồi thời điểm cách nay hơn 10 năm, Chư Gu đã có 95% dân kinh tế mới làm nghề trồng thuốc lá với khoảng 250 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Còn bây giờ, theo nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Ksor Thép, toàn xã có 300 ha thuốc lá với tổng sản lượng trên 1.000 tấn. Chỉ riêng thuốc lá đã mang lại cho người dân mỗi năm ngót 50 tỷ đồng.
Những dịp từ Đức Cơ ngược lên Ia Grai, từ Chư Prông đến Phú Thiện, Krông Pa... với những chân trời cao su, cà phê bạt ngàn và những cánh đồng lúa chín vàng rực, tôi càng thấm thía một cuộc sống đang được kiến tạo từ cái mạch nguồn của những con người quả cảm. Họ đã đứng vững trước sóng gió của một thời để khai mở cái biệt nhãn mà thiên nhiên đã dành cho một vùng đất. Và tôi như nghe vọng về trầm tích của một chương mở đất ngỡ như đã xa xăm trong sương khói tháng năm.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm