Gian nan xã điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Đak Kơ Ning-một trong 2 xã điểm của huyện Kông Chro chỉ mới đạt xấp xỉ 3 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí, 16 tiêu chí còn lại đạt rất thấp, thậm chí nhiều tiêu chí chỉ dừng lại ở mức “phấn đấu”.

Ông Đinh A Mênh- Bí thư Đảng ủy xã Đak Kơ Ning cho biết: “Chúng tôi chỉ mới đạt 2/19 tiêu chí, nói cho đúng hơn là xấp xỉ 3 tiêu chí”. Trong đó, tiêu chí “Quy hoạch và thực hiện quy hoạch” đã được huyện Kông Chro hỗ trợ xây dựng; tiêu chí về “Điện” thì không phải xã làm; còn tiêu chí “An ninh trật tự xã hội” thì sẵn có. Đáng chú ý là, ngay cả tiêu chí “Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh” xã Đak Kơ Ning vẫn chưa đạt vì nhiều cán bộ xã chưa đạt chuẩn.

 

Hợp tác xã Công-Nông nghiệp Đak Kơ Ning. Ảnh: M.T
Hợp tác xã Công-Nông nghiệp Đak Kơ Ning. Ảnh: M.T

16/19 tiêu chí chưa đạt chuẩn

Theo ông Mênh, cuối năm 2011 xã Đak Kơ Ning đã hoàn thành quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới, cùng thời điểm đó xã cũng tiến hành phổ biến, tuyên truyền cho người dân nắm và nhận thức rõ hơn quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ trương này.

Tuy nhiên, Đak Kơ Ning được xem là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh, có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Xã có 7 thôn, làng với 463 hộ/2.494 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Bahnar chiếm 82,44%, hộ nghèo chiếm trên 50,5%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 6 triệu đồng/năm, chính vì thế khả năng đóng góp của người dân cho phong trào xây dựng nông thôn mới là không thể.

Đối với tiêu chí “Chợ nông thôn”, “Bưu điện” thì hiện nay Đak Kơ Ning vẫn chưa thực hiện được nên tiêu chí này được đưa vào diện “phấn đấu”. Về đường giao thông, toàn xã có tổng chiều dài đường giao thông nông thôn và đường trục chính nội đồng là 143 km nhưng chỉ mới có 7 km đạt chuẩn.

Đối với tiêu chí trường học, năm học 2011-2012, xã có 6 phòng học được xây dựng kiên cố, tổng số phòng học hiện còn thiếu là 17 phòng, tương đương 850 m2; diện tích sân chơi bãi tập cũng không có; trường mầm non thì chỉ mới bắt đầu triển khai xây dựng; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt 13%; tỷ lệ lao động qua đào tạo rất thấp: 12,6%. Hiện Đak Kơ Ning cũng chưa có nhà văn hóa và khu thể thao; trạm y tế không có bác sĩ; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn chiếm 55%; xã có 2 làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa” cấp tỉnh và cấp xã, chiếm tỷ lệ 28,57%...

Đặc biệt, với tiêu chí “Hình thức tổ chức sản xuất” yêu cầu có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, xã Đak Kơ Ning đã được đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng Hợp tác xã công-Nông nghiệp với hơn 50 xã viên hợp tác xã được đào tạo nghề đan lát. Nhưng theo bà Lê Thị Nữ- Chủ nhiệm Hợp tác xã Công-Nông nghiệp Đak Kơ Ning, đã qua 2 đời chủ nhiệm (bà là người thứ 3) nhưng đến nay Hợp tác xã vẫn chưa cho ra đời được một sản phẩm nào! “Xã viên thì không tha thiết với nghề, đầu ra cũng không có, tôi cũng đành lực bất tòng tâm”-bà Nữ trăn trở.

Khó nhưng vẫn phải làm

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều tiêu chí chưa đạt, thậm chí nhiều tiêu chí đang còn là con “số không”, nhưng so với xuất phát điểm thì những gì làm được ở xã Đak Kơ Ning trong phong trào xây dựng nông thôn mới cũng đáng ghi nhận. Năm 2012, xã đã vận động được 750 ngày công lao động làm đường ở làng H’Tiên, cầu suối tạm T’Kắt, đường vào làng H’Rách, đồng thời vận động người dân tích cực vệ sinh thôn làng, sửa chữa nhà cửa, thực hiện nếp sống văn minh.

Xã cũng đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 912,8 mét đường bê tông hóa thuộc tuyến đường Nhang Lớn-H’Rách; bê tông hóa 1.200 mét đường trục thôn tại làng H’Tiên. Ngoài ra, còn có một số công trình khác như: xây dựng mới hệ thống nước sạch tại khu trung tâm xã; làm cống thoát nước từ trung tâm xã đến làng T’Kắt; xây dựng nhà vệ sinh cho trường phổ thông dân tộc bán trú trung học và trung học phổ thông Lý Tự Trọng…

Xã Đak Kơ Ning còn chú trọng đưa các chương trình lồng ghép đầu tư xây dựng cơ bản và hỗ trợ sản xuất vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới như: Triển khai xét chọn 69 gia đình nằm trong vùng thiên tai di chuyển nhà ở theo Quyết định 193; hỗ trợ xây 28 căn nhà theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ về định canh, định cư, giãn dân với số tiền 18 triệu đồng/hộ; xây và đưa vào sử dụng 15 căn nhà cho những hộ nghèo từ Quỹ an sinh “xóa nhà tạm, nhà dột nát” với kinh phí 35 triệu đồng/hộ ở các làng H’Tiên, Ya Ma Kur, T’Kắt, Nhang Nhỏ… Chính vì thế, xã Đak Kơ Ning từ 150 nhà dột nát trước đây (chiếm 34,6%), giờ chỉ còn 107 nhà dột nát (chiếm 24,7%).

Trao đổi cùng phóng viên, ông Võ Văn Hưng- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: Xã Đak Kơ Ning có xuất phát điểm thấp, đường sá, cầu cống, trường học chưa được hoàn thiện, điện, nước sinh hoạt chưa đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Hầu hết các xã đều đạt dưới 5 tiêu chí, xã điểm cũng không khá hơn. Đề án thì xây dựng nhiều, nhu cầu rất cao vì đây toàn là những xã nghèo, đa số là người dân tộc thiểu số, khả năng đóng góp không có, doanh nghiệp trên địa bàn cũng không, do đó chương trình xây dựng nông thôn mới phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước.

Mỗi năm mỗi xã chỉ được chi 600 triệu đồng cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, 300 triệu đồng hỗ trợ sản xuất thì không thể đảm bảo việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, sau khi rà soát, đánh giá lại từng tiêu chí, Phòng sẽ tham mưu UBND huyện nghiên cứu phân bổ chương trình lồng ghép, hỗ trợ các xã đẩy nhanh tiến độ, giảm tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo đạt dưới 7% theo tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, hỗ trợ các xã xây dựng và hoàn thành từng tiêu chí một, tiêu chí nào dễ thì sẽ vận động thực hiện trước, những chỉ tiêu khó hơn sẽ thực hiện dần dần, dù khó nhưng vẫn phải thực hiện. 

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm