Phóng sự - Ký sự

Giàng A Dê với 'Bài ca trên núi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giàng A Dê, sinh năm 1989, người Mông đã dám dấn thân khởi nghiệp làm du lịch từ hai bàn tay trắng. Nhưng sau 6 năm, anh trở thành người có ảnh hưởng trong lĩnh vực du lịch ở thiên đường ruộng bậc thang, giúp nhiều thanh niên Mù Cang Chải khởi nghiệp thành công.

Không để khách lên ngắm cảnh miễn phí rồi về

Từ thành phố Yên Bái, chúng tôi mất 4 giờ đồng hồ, vượt qua 180km trên Quốc lộ 32, quanh co qua các đỉnh núi, để đến với homestay Hello Mù Cang Chải của chàng thanh niên dân tộc Mông Giàng A Dê ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Hello Mù Cang Chải được xây dựng trên mỏm đồi cao, giữa thiên đường ruộng bậc thang. Những căn nhà được xây dựng bằng gỗ, lợp bằng lá cọ, thân thiện môi trường, gần gũi với thiên nhiên. Có những căn nhà được lợp bằng gỗ tấm, theo lối kiến trúc truyền thống của đồng bào Mông.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc A Dê dẫn du khách đi ngắm những địa danh nổi tiếng của Mù Cang Chải như: leo núi Tháp Trời, Tà Chì Nhù, Lùng Cúng, võng lúa Móng Ngựa, rừng trúc Mồ Dề… trở về. A Dê chia sẻ, 6 năm trước, anh đã quyết định bỏ việc tại Tập đoàn Viettel với thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi tháng, để về quê khởi nghiệp. “Vào thời điểm đó, em chứng kiến nhiều du khách lên Mù Cang Chải đi săn mây, thăm thú ruộng bậc thang nhưng không có nơi lưu trú, phải dựng lều ngủ bên suối. Lúc đó, em nghĩ mở dịch vụ lưu trú sẽ thành công”, A Dê cho hay.

Cái ngày A Dê thông báo nghỉ việc ở Viettel để khởi nghiệp với mô hình du lịch cộng đồng, bố mẹ, người thân của anh kịch liệt ngăn cản. Có người còn nói: “Thằng A Dê nó điên rồi. Con ma rừng đã bắt nó rồi!”. Nhưng vượt qua tất cả sự phản đối, dè bỉu của dân bản, A Dê quyết tâm làm. Sau 6 năm, A Dê đã trở thành ông chủ của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải đang từng ngày phát triển.

Giàng A Dê nói, ở quê hương nơi anh sinh ra, bao đời nay, cái đói nghèo, hủ tục lạc hậu cứ đeo đuổi khiến đời sống đồng bào khó khăn, quanh năm tần tảo nhưng không đủ cái ăn, cái mặc. Trong khi, La Pán Tẩn nằm trong vùng Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, là Di tích Quốc gia đặc biệt. Vẻ đẹp hùng vĩ ấy, không được khai thác nên người dân vẫn nghèo. Đồng bào vẫn sống dựa vào ruộng lúa, nương ngô, năm nào không đói đã là may. Trẻ em phải theo bố mẹ lên nương, chỉ học cho biết mặt chữ rồi bỏ là chuyện bình thường.

Khu homestay của Giàng A Dê nhìn từ trên cao

Khu homestay của Giàng A Dê nhìn từ trên cao

Giàng A Dê chia sẻ, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, cuối cùng A Dê quyết tâm làm du lịch cộng đồng để níu chân du khách, không thể để họ lên ngắm miễn phí phong cảnh đẹp, rồi về thành phố tiêu tiền được.

Người truyền cảm hứng

Khi đã xác định được hướng đi, Giàng A Dê đã bàn với vợ kế hoạch khởi nghiệp và được vợ đồng ý. Rồi vợ A Dê là Vàng Thị Lý cũng quyết định nghỉ việc ở nhà khách của huyện Mù Cang Chải, cùng chồng khởi nghiệp. Những ngày đầu hai vợ chồng A Dê chỉ có hai bàn tay trắng với niềm tin duy nhất là vợ chồng chung lưng đấu cật sẽ vượt qua được khó khăn.

Giàng A Dê dẫn du khách đi tham quan đỉnh Tà Chì Nhù cao gần 3.000m so với mặt nước biển

Giàng A Dê dẫn du khách đi tham quan đỉnh Tà Chì Nhù cao gần 3.000m so với mặt nước biển

Chị Vàng Thị Lý, vợ Giàng A Dê chia sẻ, lúc khởi nghiệp, vốn kiến thức về kinh doanh homestay bằng không, ngoại ngữ không biết. Vì thế, hai vợ chồng phân công nhau: Chồng ở nhà xây dựng nhà cửa, vợ lên thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) xin vào làm việc ở các nhà hàng để học hỏi cách làm du lịch cộng đồng.

Cuối cùng Hello Mù Cang Chải cũng ra đời và đó là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của La Pán Tẩn, cũng là đầu tiên của Mù Cang Chải. “Hello Mù Cang Chải ban đầu là quả đồi hoang. Vợ chồng tôi làm đường dẫn nước từ suối để khai hoang, làm ruộng bậc thang. Đôi vai của tôi vác từng tảng đá, sọt sỏi xây dựng con đường trên núi, rồi dựng nhà cửa, tạo cảnh quan. Vợ chồng vừa làm, vừa học hỏi. Thiếu tiền thì vay mượn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm thì đọc sách, nghiên cứu...”, A Dê cho hay.

Với sự cần mẫn của hai vợ chồng, mô hình du lịch cộng đồng cứ lớn dần và trở thành địa chỉ hút khách du lịch. Với slogan “Đi là thích - đến là mê”, Hello Mù Cang Chải hiện đã thực sự thu hút và chinh phục được khách du lịch khi đến với vùng cao này.

Những em nhỏ ở La Pán Tẩn được vợ chồng A Dê dạy tiếng Anh, học cách làm du lịch

Những em nhỏ ở La Pán Tẩn được vợ chồng A Dê dạy tiếng Anh, học cách làm du lịch

Doanh thu của homestay mỗi năm đạt gần 800 triệu đồng. Hiện Hello Mù Cang Chải có 8 Bungalow, 1 homestay với 5 phòng, vận hành gần 20 tua du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp leo núi, dù lượn, tham quan bản làng, đi xe máy, bắt cá, làm ruộng… Đặc biệt, Hello Mù Cang Chải đã truyền cảm hứng, dẫn dắt, giúp đỡ 40 thanh niên người Mông ở La Pán Tẩn cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

Năm 2020, 2023, Giàng A Dê, vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”; năm 2021 được tặng Danh hiệu “Thanh niên sống đẹp toàn quốc”; UBND tỉnh Yên Bái tặng nhiều bằng khen. Điểm du lịch cộng đồng Hello Mù Cang Chải được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, là sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên của Yên Bái được vinh danh.

Hello Mù Cang Chải có 5 nhân viên, 6 hướng dẫn viên nói thành thạo tiếng Anh, 200 lao động làm xe ôm và hướng dẫn khách leo núi. Ngoài việc tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du khách, vợ chồng Giàng A Dê còn mở lớp học tiếng Anh cho các thanh niên trong bản, mở tủ sách miễn phí với tên gọi “I Have A Book” (Em có sách) để mỗi trẻ em ở La Pán Tẩn đều có sách. Hai vợ chồng còn mở các lớp hướng dẫn cho thanh niên làm thổ cẩm truyền thống, làm khèn Mông… phục vụ du lịch.

Giàng A Dê còn mở các lớp dạy về những nét văn hóa, lịch sử của đồng bào Mông Mù Cang Chải cho nhân viên, cho người chạy xe ôm.

Vừa trở về từ hành trình dẫn nhóm du khách nước ngoài đi khám phá tìm hiểu các địa danh nổi tiếng của Mù Cang Chải, Thào A Su, bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, thanh niên được A Dê giúp đỡ làm du lịch cộng đồng cho biết: Trước đây, trong xã, nhiều thanh niên không có việc làm, phải lo từng bữa ăn. Nhờ A Dê giúp đỡ, nhiều người có công việc, có homestay riêng với thu nhập ổn định, lại còn được tiếp xúc với nhiều người, có thêm kiến thức thực tế và biết khai thác phong cảnh, bản sắc văn hoá mang lại thu nhập cho gia đình.

Anh Đồng Mạnh Linh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái chia sẻ, Hello Mù Cang Chải là mô hình làm du lịch cộng đồng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào Mông. Từ thành công của mình, A Dê đã giúp đỡ, hướng dẫn nhiều thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, làm thay đổi vùng đất La Pán Tẩn. Du lịch cộng đồng phát triển tạo ra sự tươi mới cho du lịch, thúc đẩy các lễ hội khèn Mông, lễ hội Gầu Tào, lễ hội hoa Tớ Dày, festival dù lượn… phát triển.

Có thể bạn quan tâm