Giao rừng rồi mất rừng, mất luôn cán bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hàng ngàn hecta rừng được giao cho các đơn vị để quản lý nhưng sau 5 năm, Tây Nguyên không chỉ mất rừng mà còn mất hàng loạt cán bộ
Ngày 14-11, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có kết luận về công tác bảo vệ rừng ở các đơn vị được giao khoán bảo vệ rừng.
Giữ rừng rất khó?
Theo đó, chỉ sau 3 năm (từ 2016 đến 2019), 14 đơn vị được giao khoán quản lý bảo vệ rừng đã để mất hàng ngàn ha rừng; 3 tập thể và hơn 50 cán bộ bị kỷ luật, 7 vụ việc phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Đơn cử, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Ia Rsai, huyện Krông Pa được giao quản lý hơn 19.000 ha đất tự nhiên, trong đó hơn 15.000 ha đất có rừng. Qua kiểm tra có hơn 362 ha rừng bị phá hoặc bị lấn chiếm làm nương rẫy.
Tương tự, BQLRHP Ia Puch được giao quản lý hơn 16.700 ha đất tự nhiên trên địa bàn huyện Chư Prông, trong đó hơn 13.500 ha là đất có rừng. Qua kiểm tra đã phát hiện từ năm 2008 đến nay bị lấn chiếm, tàn phá 1.228 ha rừng. Trong số này, nhiều diện tích rừng tự nhiên do đơn vị quản lý bị một công ty phá, lấn chiếm để trồng cao su. Vụ việc vẫn đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai thụ lý điều tra.
Thanh tra tỉnh Gia Lai thanh tra 14 đơn vị được giao khoán bảo vệ rừng nhưng để mất rừng thì có 3 tập thể và 52 cá nhân bị xử lý, 7 vụ việc phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tiếp tục xử lý, gồm: các BQLRPH Bắc An Khê, Ya Hội, Bắc Biển Hồ, Ia Grai, Đức Cơ, Ia Puch và Đắk Đoa.
Ngày 7-11, UBND tỉnh Gia Lai thống nhất chuyển thêm hồ sơ vụ việc ở BQLRPH Chư Mố (huyện Ia Pa) sang CQĐT Công an tỉnh Gia Lai. Qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định rừng do đơn vị này quản lý đã bị chặt phá, lấn chiếm kéo dài nhiều năm, làm mất hơn 1.400 ha rừng tự nhiên. Thế nhưng, khi được hỏi về việc để rừng bị mất với diện tích lớn, ông Nay Ú, Trưởng BQLRPH Chư Mố, than thở: "Việc giữ rừng rất khó, lâm phần quản lý rộng, nhiều lối mòn qua lại trong khi lực lượng mỏng".
 
Rừng tại huyện Đắk G’long vẫn đang bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: CAO NGUYÊN
Hậu quả nghiêm trọng
Tại tỉnh Đắk Nông, hàng chục cán bộ cũng đã bị khởi tố, xử lý trách nhiệm do liên quan việc để mất rừng.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuận Tân (huyện Đắk Song) do ông Lê Khắc Bính làm giám đốc, được giao quản lý hơn 4.600 ha, trong đó diện tích rừng hơn 2.800 ha. Trong quá trình quản lý, ông Bính và trưởng phòng kỹ thuật của công ty này là ông Trần Hữu Long để mất hơn 250 ha rừng tự nhiên, thiệt hại hơn 44 tỉ đồng. Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Bính và ông Long về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đắk Nông cũng đã kỷ luật, xử lý trách nhiệm hàng trăm cán bộ, trong đó có nhiều lãnh đạo huyện, sở, ngành do các sai phạm trong quản lý rừng, sử dụng đất lâm nghiệp. Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, từ năm 2017 đến nay đã thực hiện 8 cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện hàng chục đơn vị sai phạm, để mất hơn 1.300 ha rừng tự nhiên, tương đương thiệt hại hơn 160 tỉ đồng. Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị xử lý hành chính 142 cá nhân và 46 tổ chức; chuyển hồ sơ cho công an xử lý 5 vụ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành 19 quyết định kỷ luật cán bộ, công chức liên quan các vụ phá rừng.
Tình trạng mất rừng đã khiến Đắk Nông từ một tỉnh có độ che phủ rừng vào năm 2006 là 55,5% thì đến năm 2019 chỉ còn hơn 39%, thấp hơn cả bình quân cả nước.
Rà soát lại tất cả
Tại Đắk Lắk, tình trạng rừng bị tàn phá ở lâm phần giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar nhưng đến nay, người đứng đầu doanh nghiệp này vẫn chưa bị xử lý. Tương tự, nhiều công ty lâm nghiệp ở huyện Ea Súp cũng để mất trắng cả ngàn hecta rừng nhưng không thấy ai bị xử lý hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm.
Một lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk thừa nhận tỉnh này phải học Đắk Nông trong xử lý cán bộ quản lý để mất rừng. Theo vị này, Tỉnh ủy Đắk Lắk đang đề nghị UBND tỉnh rà soát tất cả các công ty lâm nghiệp được giao khoán bảo vệ rừng; kiên quyết thu hồi rừng, xử lý các đơn vị bảo vệ rừng không hiệu quả.
Hoàng Thanh - Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm