Giày đóng thủ công: Không chỉ là thời trang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bền, độc, thoải mái... là một trong những ưu điểm nổi bật của giày đóng thủ công khiến nhiều khách hàng ưa chuộng sử dụng. Đặc biệt, với sự sáng tạo của người thợ, những đôi giày “handmade” còn là một tác phẩm nghệ thuật, tạo nên cá tính khác biệt cho khách hàng.

Cách đây vài mươi năm, Pleiku có đến hàng chục tiệm giày đóng thủ công, rất nhiều tiệm nổi tiếng, có tay nghề cao như Nam Cường (đường Hoàng Văn Thụ), Phát (đường Lê Lai), Tuấn (đường Hùng Vương), Tân Thành (đường Hai Bà Trưng)... “Nhưng đến nay số tiệm còn hoạt động chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”-anh Phan Tấn Lộc, người sống bằng nghề đóng giày hơn 30 năm, chủ tiệm giày Hương Lộc (26 Hồ Xuân Hương, TP. Pleiku) tiếc nuối kể lại. Tuy vậy, trước xu thế mới hiện nay, giày đóng thủ công đang dần lấy lại vị trí của mình.

Giày đóng thủ công “có giá”

 

 Một người thợ đang đóng giày cho khách. Ảnh: Nguyên Võ
Một người thợ đang đóng giày cho khách. Ảnh: Nguyên Võ

Đến lấy đôi giày đặt đóng tại tiệm Hương Lộc, chị Linh (tổ 12, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cho biết: “Lâu nay mình toàn mua giày ở các shop, tình cờ hôm rồi thấy chị bạn mang đôi giày đóng thấy kiểu dáng đẹp, nhất là chất da thật và đế giày trông chắc chắn nên mình đã đến đây đặt đóng”. Có thể thấy, điểm chung của giày đóng là rẻ, bền và tùy ý sáng tạo kiểu dáng. Vì vây, giày đóng không chỉ là lựa chọn phù hợp đối với người tiêu dùng trong thời “thắt lưng, buộc bụng” mà nó còn là món hàng thu hút với những khách hàng cá tính thích độc, lạ hay thậm chí là những khách hàng thích sở hữu một đôi giày “fake” (hàng nhái) giống một kiểu giày hàng hiệu nào đó. Một điểm cộng nữa cho giày đóng chính là được bảo hành gần như “trọn đời” cho sản phẩm, chỉ cần có hư hỏng sẽ được các tiệm giày sửa chữa, phục hồi miễn phí...

Đón đầu xu thế thời trang về giày “handmade”, nhiều cửa hàng thời trang đã chuyển hướng kinh doanh kiểu “độc, lạ và cao cấp”, không chỉ bán mà các shop này còn nhận đơn đặt hàng với đủ kiểu dáng theo yêu cầu. Chủ shop hàng lưu niệm Hà Nguyên (48 Wừu, TP. Pleiku) cho biết: “Hiện cửa hàng đang liên kết với một cơ sở chuyên đóng giày thủ công nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh, tiêu chí là không sản xuất đại trà, mỗi mẫu sẽ được thiết kế riêng biệt theo phong cách châu Âu, đơn giản. Quan trọng là loại chất liệu sử dụng sẽ được lựa chọn kỹ như phải là da bò thật, đế cao su mềm, chắc chắn... phù hợp với điều kiện thời tiết Tây Nguyên. Nếu khách yêu cầu, trên sản phẩm còn có thể khắc tên hoặc dòng chữ tùy thích. Ngoài ra, cửa hàng còn bán và nhận đặt làm các loại ví, túi và dây lưng bằng da bò, cá sấu, cừu...”.

Sống “chậm” với nghề

 

Tùy từng tiệm, giá cả có sự chênh lệch đôi chút, chẳng hạn tại Hương Lộc: giày nữ có giá trên 200 ngàn đồng/đôi, giày nam trên 400 ngàn đồng/đôi. Tại Tân Thành: giày nữ 400 ngàn đồng/đôi; giày nam dao động từ 700 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/đôi. Tại shop Hà Nguyên: giày nữ 300 ngàn đồng/đôi, giày nam 650 ngàn đồng/đôi...

Nếu như tiệm giày Hương Lộc vừa sản xuất, vừa bán hàng tại chỗ, thì tiệm giày Tân Thành (đường Hai Bà Trưng, TP. Pleiku)-một trong những tiệm đóng giày thủ công còn “trụ” được đến giờ-chỉ trưng bày hàng và bán sản phẩm, còn xưởng sản xuất và kho được xây dựng ở một địa điểm khác. Theo bà Nguyễn Thị Vấn-Chủ cơ sở giày da cao cấp Tân Thành, để duy trì được cửa hiệu sau 26 năm hoạt động, gia đình bà phải cố gắng rất nhiều, cũng có lúc thăng trầm nhưng với lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề nên cơ sở ngày càng phát triển. Không chỉ bán trong tỉnh mà giày Tân Thành còn bán đi nhiều tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng. Nhiều khách hàng đã quen đi giày Tân Thành dù chuyển đi nơi khác sinh  sống vẫn tranh thủ đi công tác đến mua hàng. Hiện Tân Thành đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Còn với anh Phan Tấn Lộc-Chủ tiệm giày Hương Lộc, điều khiến anh thấy an ủi và vui nhất là hiện con trai anh dù đã học qua Học viện Ngân hàng nhưng với lòng đam mê, mong muốn đưa giày “handmade” trở thành mặt hàng thời trang cao cấp, chàng trai sinh năm 1988 ấy đã theo cha học nghề. Phan Ngọc Dẫn, con trai anh, tâm sự: “Công việc đóng giày đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mẩn từng bước một. Tuy chưa đạt được trình độ như ba nhưng giày em đóng sẽ có sự sáng tạo, phong cách hiện đại, đáp ứng yêu cầu của những khách hàng khó tính”.

Cuộc sống càng hiện đại, mọi thứ được sản xuất theo dây chuyền, đồng loạt... Cùng với thời gian, khi con người chán với kiểu sản xuất “nhân bản” thì hàng “handmade” lại được xem là xu thế thời trang sành điệu, thời thượng. Với những người thợ đóng giày thì đôi giày không chỉ đơn thuần là một sản phẩm thời trang, một nghề kiếm sống mà nó còn là sự đam mê, sự khát khao lưu giữ và phát triển một nghề truyền thống. Đây cũng chính là cái nôi nuôi dưỡng những sản phẩm Việt, thương hiệu Việt phát triển.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm