Thời sự - Bình luận

Giấy khai sinh cho trẻ đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trên thực tế tại TP.HCM vẫn có hàng trăm trường hợp, nhất là trẻ em, không có giấy khai sinh.

 

Bé N.L.P (7 tuổi) mới được hỗ trợ làm giấy khai sinh gần đây qua dự án “Trang mới cuộc đời” - ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Bé N.L.P (7 tuổi) mới được hỗ trợ làm giấy khai sinh gần đây qua dự án “Trang mới cuộc đời” - ẢNH: PHẠM THU NGÂN


Số liệu từ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy có 98,8% trẻ em dưới 5 tuổi đã được đăng ký khai sinh, và con số này vượt mục tiêu Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 đề ra. Tuy nhiên, trên thực tế tại TP.HCM vẫn có hàng trăm trường hợp, nhất là trẻ em, không có giấy khai sinh.

Trong khi đó, đối chiếu với quy định pháp luật, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân mà không thể chuyển giao cho người khác. Còn giấy khai sinh là hộ tịch gốc để từ đó một người có thể đi học, làm CMND, tham gia bảo hiểm y tế, đi làm việc, đăng ký kết hôn...

Loạt bài Lận đận “nhân thân” đăng trên Thanh Niên ghi nhận nguyên nhân trẻ không có giấy khai sinh, bên cạnh thiếu sự quan tâm của phụ huynh, thủ tục hành chính rắc rối... còn do phụ huynh của các em từng là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ bị bỏ rơi, trẻ em lang thang...) và cũng đang trong tình trạng không có bất cứ giấy tờ tùy thân (như sổ hộ khẩu, CMND, CCCD...) nào.

Bối cảnh cấp CCCD mới và việc “khai tử” sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1.7.2021 theo luật Cư trú 2020 cũng cần tạo ra một cơ chế mở để có thể tiệm cận cấp giấy tờ tùy thân cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Một số chuyên gia tham gia dự án “Trang mới cuộc đời” (do Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững phối hợp Sở Tư pháp TP.HCM, Trung tâm pháp lý nhà nước TP.HCM thực hiện) nhằm thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chia sẻ rằng cơ chế mở ở đây chính là việc thông báo trên cả nước một người vì lý do nào đó đến nay vẫn chưa có giấy CMND thì có thể quay lại xuất xứ của mình hoặc nơi có người chứng minh nhân thân (như trung tâm bảo trợ, trại trẻ mồ côi, cơ sở xã hội...) để xin xác nhận, rồi sau đó có thể tự khai và tự chịu trách nhiệm lời khai của mình. Điều này sẽ giúp tháo gỡ khâu trẻ không giấy khai sinh vì ba mẹ các em cũng không “nhân thân”, qua đó các em được đến trường, mở ra tương lai tốt đẹp hơn...

 

Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm