Thời sự - Bình luận

Giấy phép lái xe giả, nhưng giết người là chuyện thật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, có nhiều nhóm làm giấy phép lái xe giả, rao bán công khai, đang là mối hiểm họa cho xã hội.
Lực lượng CSGT tỉnh Tuyên Quang kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả. Ảnh: Công an Tuyên Quang

Lực lượng CSGT tỉnh Tuyên Quang kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả. Ảnh: Công an Tuyên Quang

Ngày 13.5, thông tin từ Công an TP. Tuyên Quang, đơn vị này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Mạnh Hùng (SN 1993, ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Giả ở đây là giấy phép lái xe.

Lực lượng công an Tuyên Quang liên tiếp phát hiện các vụ tài xế dùng giấy phép lái xe giả.

Không chỉ một địa phương, mà loại tội phạm này hoạt động khắp nơi. Cuối năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá một đường dây chuyên lừa đảo, bán giấy phép lái xe giả trên mạng xã hội, bước đầu đã bắt giữ 5 đối tượng liên quan.

Nhiều người không học lái xe, lên mạng tìm đường dây, mua giấy phép lái xe giả để sử dụng. Có nhiều băng nhóm chuyên làm giấy tờ giả như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ đỏ, sổ hồng, bằng đại học và cả bằng lái xe.

Không cần giấu giếm, các băng nhóm này công khai rao bán trên mạng, ai cần thì tiếp cận, có ngay, giá rẻ bất ngờ. Giấy phép lái xe mô tô được các đối tượng bán với giá 1,3 triệu đồng còn giấy phép lái xe ô tô thì có giá từ 2,5 triệu đến 4,5 triệu đồng tùy từng loại.

Người mua bằng lái xe giả cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh thẻ căn cước sau đó sẽ có người thi hộ và bao đỗ. Các băng nhóm đi "tiếp thị" như vậy, nhưng thực tế là bán luôn bộ hồ sơ giấy phép lái xe giả, không có chuyện đi thi hộ.

Mà có quan trọng gì, dù có đi thi hộ hay "tiền trao cháo múc" giấy phép lái xe giả đều như nhau. Đó là người sở hữu giấy phép lái xe đó không học lái xe ngày nào.

Hậu quả là gì, trao giấy phép lái xe giả đó cho người không học lái xe sử dụng là như trao một công cụ gây án, thậm chí là án giết người.

Điều tra, xử lý các băng nhóm tội phạm bán giấy phép lái xe giả là đương nhiên, nhưng phải thu hồi bằng giả và xử lý người sử dụng theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xử phạt người sử dụng bằng lái xe mô tô giả từ 800.000 đồng đến 4.000.000 đồng (tuỳ từng loại xe). Còn đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô khác sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Để cho tội phạm sản xuất và bán giấy phép lái xe giả hoành hành, thì tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều.

Bằng lái xe giả nhưng tai nạn giao thông thì thật.

Có thể bạn quan tâm