Phóng sự - Ký sự

"Gieo chữ" trên đỉnh Đê Kôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Điểm trường làng Đê Kôn thuộc Trường Tiểu học Hà Ra số 2 (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, Gia Lai) đặt ngay trên đỉnh núi cùng tên. Để lên đây dạy học, từ điểm trường chính, các thầy-cô giáo phải vượt quãng đường núi vô cùng hiểm trở dài nhiều cây số. Vậy nhưng, không thầy cô nào quản ngại khó khăn. Cảm phục tấm lòng ấy và cũng để con em mình có cơ hội học cái chữ, dân làng Đê Kôn luôn quan tâm giúp đỡ các thầy-cô giáo từ mớ rau, hạt gạo đến việc vệ sinh trường lớp sạch sẽ.

 

Vượt núi dạy học

Sáng sớm đầu tháng 12, chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Hà Ra số 2 để từ đây cùng giáo viên lên điểm trường làng Đê Kôn. Gia Lai mùa này trở lạnh, gió thông thốc thổi, sương bay ướt mặt người. Những chiếc áo bông dày sụ cùng giày ủng, mũ len, bao tay cũng không đủ làm ấm người. Trước khi chúng tôi bắt đầu hành trình, cô Lê Thị Kim Quy-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Ra số 2-cảnh báo: “Đường lên núi hiểm trở, vô cùng khó đi, không cẩn thận là lao xuống vực hay té ngã. Anh chị em phóng viên phải chạy xe máy hết sức cẩn thận và đi sau chúng tôi để dễ quan sát”.

 Giáo viên đánh vật với con đường lên núi dạy chữ. Ảnh: H.S
Giáo viên đánh vật với con đường lên núi dạy chữ. Ảnh: H.S



Đi hết gần 5 km đường nhựa, chúng tôi bắt đầu đến đoạn đường đất với nhiều con dốc quanh co, dựng đứng. Mặt đường chỗ thì lởm chởm đất đá, có đoạn lại nhão nhoẹt vì đọng nước khiến xe máy liên tục trượt bánh. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại gặp một khúc cua che khuất tầm nhìn. Càng lên cao, đường càng khó đi, nhiều đoạn mặt đường bị cày xới tạo thành rãnh sâu lút nửa bánh xe. Hai bên đường đi là triền núi hiểm trở. Chúng tôi phải nhiều lần xuống xe dắt bộ hay xúm nhau đẩy xe ngược dốc. “Trơn và dốc quá, phải đẩy thôi. Đẩy miết nên quen. Mùa nắng còn đỡ, chứ gặp mùa mưa thì gay to. Hồi mới lên đây dạy, mỗi lần đẩy xe máy, nước mắt tự chảy giàn giụa. Có hôm ngã nhào ra đường ướt hết đồ đạc, quần áo”-cô giáo Hà Thị Linh kể.

Con đường độc đạo lên núi hư hỏng nghiêm trọng khiến chúng tôi phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đánh vật mới lên đến điểm làng Đê Kôn. Điểm trường này có 2 lớp ghép, một lớp cho học sinh khối 1-2, lớp còn lại là học sinh khối 3-4 do cô Lê Thị Diệu (55 tuổi) và cô Hà Thị Linh (49 tuổi) làm chủ nhiệm. Tổng cộng 2 lớp có 42 học sinh, đều là người Bahnar. Cô Diệu chia sẻ: “Đường lên đây khó đi nên mấy năm trước, nhà trường bố trí giáo viên nam lên dạy. Năm nay, dân làng xuống kiến nghị nhà trường phân công giáo viên nữ vì cho rằng các cô hiểu tâm lý học sinh hơn. Chúng tôi mới lên dạy đầu năm học 2019-2020. Dù đi lại vất vả nhưng bù lại là sự tin yêu của dân làng”.

Điểm trường ít học sinh nên giáo viên chủ yếu dạy 1 buổi/ngày. Đúng 5 giờ sáng, 2 cô giáo cùng nhau chạy xe lên núi dạy chữ cho học sinh. Đến trưa, 2 cô giáo lại xuống núi. Cũng có nhiều hôm ở lại dạy cả ngày, đến chiều tối 2 cô mới về nhà. “Hôm nào gặp sự cố dọc đường khi lên núi thì chúng tôi gọi điện cho trưởng thôn nhờ dặn học sinh chờ. Còn hôm nào về muộn, chúng tôi lại phải nhờ thanh niên trong làng đưa xuống núi cho đỡ lo”-cô Diệu kể thêm.

Nghĩa tình của dân làng

Nằm trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ, làng Đê Kôn tách biệt hẳn với các thôn, làng khác của xã Hà Ra. Làng có 54 hộ với 238 khẩu, 100% là người Bahnar. Người dân sinh sống trên ngọn núi chon von này từ lâu đời. Bà con trong làng chỉ biết trồng mì và lúa rẫy. Địa hình cách trở khiến giá các loại nông sản người dân làm ra luôn thấp hơn dưới núi vì phải cõng thêm phí vận chuyển. Cuộc sống của dân làng vì thế càng thêm khó khăn.

 Cô Hà Thị Linh dạy chữ cho học sinh điểm trường làng Đê Kôn. Ảnh: H.S
Cô Hà Thị Linh dạy chữ cho học sinh điểm trường làng Đê Kôn. Ảnh: H.S



Dạo một vòng quanh làng Đê Kôn, chẳng khó để thấy sự nghèo khó hiển hiện trước mắt. Đó là những ngôi nhà sàn lụp xụp dựng gần nhau. Dù nghèo nhưng dân làng vẫn không ai muốn con cái thất học. Vậy nên làng mới có điểm trường để đám trẻ học chữ. Khi chúng tôi đặt chân đến điểm trường, anh Klưnh-Trưởng thôn đang quét dọn các lớp học. Đám trẻ cũng bắt đầu kéo nhau đến lớp. Đến nơi, chúng tụ lại trò chuyện và chơi trò chơi. Theo mấy thầy cô thì anh Klưnh và dân làng thường thay phiên giúp giáo viên dọn vệ sinh điểm trường. “Trường ở núi cao tách biệt, giáo viên lên xuống vất vả nên dân làng tự nguyện giúp dọn vệ sinh. Con cái được học hành đàng hoàng, mọi người vui lắm”-anh Klưnh nói.

Từng có hơn 10 năm dạy ở điểm trường này, thầy Nguyễn Huy Ba kể: “Dân làng thương giáo viên lắm. Thời tôi còn dạy trên này, dân làng giúp đỡ rất nhiều. Họ thường qua trò chuyện rồi chia cho chúng tôi từng ngọn rau, hạt gạo. Khi làng có lễ cúng, bà con đều dành một phần riêng cho thầy giáo. Vào mùa mưa, họ thay phiên hỗ trợ chúng tôi lên núi, có hôm cả chục người xuống khiêng xe máy vì cây đổ chắn ngang đường. Giờ tôi được phân công dạy nơi khác nhưng vẫn được bà con quý mến. Ai cũng niềm nở đón tôi như người làng mỗi lần quay lại thăm”.

Tiếp lời thầy Ba, cô Diệu cho hay: “Dân làng quý trọng giáo viên nên đã tiếp thêm động lực để chúng tôi vượt khó. Họ thường ngang qua lớp hỏi cô giáo ăn cơm chưa, nếu chưa ăn thì mời về nhà hoặc về đùm cơm qua cho. Có rau củ, lúa mới, bà con cũng mang đến cho chúng tôi. Vẫn biết đó là cách thể hiện tình cảm với giáo viên nhưng thấy bà con còn nghèo, chúng tôi đâu nỡ nhận. Hôm nào lỡ bữa thì mới ghé ăn cơm cùng thôi”.

Học sinh ở điểm trường Đê Kôn. Ảnh: H.S
Học sinh ở điểm trường Đê Kôn. Ảnh: H.S


Ông Phạm Văn Thanh-Chủ tịch UBND xã Hà Ra: “Làng Đê Kôn hiện có 2 lớp ghép và 1 lớp mẫu giáo. Cuộc sống của người dân trong làng còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, việc học hành của trẻ được chú trọng. Đường lên núi hư hỏng nghiêm trọng, cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng do nguồn vốn đầu tư làm đường nhựa quá lớn nên chưa sửa chữa, nâng cấp được. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch làm lại đường trong giai đoạn 2021-2025 trình cấp trên xem xét”.
 

Những năm gần đây, chuyện học hành của trẻ em ở làng Đê Kôn đã có nhiều thay đổi tích cực. Trẻ em trong làng được cha mẹ đưa đến trường học chữ đúng tuổi. Ngoài 42 em học 2 lớp ghép tiểu học thì làng còn có 20 trẻ học mầm non và 17 em đang theo học bậc THCS ở trung tâm xã. Các em học sinh THCS của làng được nhà trường bố trí ăn ở nội trú, đầu tuần bố mẹ chở xuống, cuối tuần lại chở về. “Bây giờ, dân làng mình rất chú trọng chuyện học của con cái. Họ không còn bắt con bỏ học lên rẫy nữa đâu. Nhà nào cũng muốn con cái học hành đàng hoàng để biết lẽ phải, biết làm ăn như người Kinh dưới núi”-già H'Nghit nói.

Điểm trường làng Đê Kôn giờ được xây kiên cố gồm 2 phòng học, mới đưa vào sử dụng đầu năm học 2018-2019. Các phòng học được quét dọn sạch sẽ, có bàn ghế mới được kê thẳng thớm. “Điểm trường này trước đây là ngôi nhà gỗ lợp tranh. Ít năm trước, ngôi nhà bị gió xô đổ, chúng tôi phải mượn nhà rông của làng để làm chỗ dạy học. Người làng ngày càng chú trọng vào việc học của trẻ, chất lượng giáo dục vì thế được nâng lên rõ rệt. Các em đều nói tiếng Việt khá tốt. Việc duy trì sĩ số đạt cao”-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Ra số 2 cho biết.

 HOÀNH SƠN\

Có thể bạn quan tâm