Giết mổ gia súc, gia cầm: Khó kiểm soát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi ngày, các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn TP. Pleiku giết mổ hàng trăm con gia súc, gia cầm. Đây đều là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hoạt động theo quy mô hộ gia đình. Chính vì không có lò mổ tập trung nên việc kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

 

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku, trên địa bàn có 90 điểm giết mổ gia súc, gia cầm gồm: 62 hộ giết mổ heo; 11 hộ giết mổ trâu, bò; 16 hộ giết mổ gia cầm; 1 hộ giết mổ dê, nhưng chỉ 7 hộ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

 Hiện trên địa bàn TP. Pleiku có khoảng hơn 50% số hộ vừa giết mổ gia súc tại nhà, vừa tự bán thịt tại các chợ. Ảnh: V.T
Hiện trên địa bàn TP. Pleiku có khoảng hơn 50% số hộ vừa giết mổ gia súc tại nhà, vừa tự bán thịt tại các chợ. Ảnh: V.T


Ông Võ Đăng Yên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố-cho biết: “Đa số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện theo quy định, dẫn đến việc quản lý đàn vật nuôi nhập về rất khó. Các hộ tự mua gia súc các nơi về giết mổ tại nhà rồi cung cấp sản phẩm cho các chợ trên địa bàn và đi huyện lân cận như: Chư Pah, Ia Grai, Đak Đoa… Các cơ sở giết mổ gia súc nằm rải rác khắp các xã, phường, trong khu dân cư. Khoảng trên 50% số hộ vừa giết mổ gia súc tại nhà, vừa tự bán thịt tại các chợ”. Cũng theo ông Yên, do hoạt động giết mổ thường diễn ra ban đêm, thời gian lại thường trùng nhau nên rất khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát. Trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y làm công tác kiểm soát giết mổ còn mỏng nên chỉ kiểm phẩm, lăn dấu thịt tại các chợ trước khi sản phẩm được lưu thông chứ chưa quản lý được tận gốc đầu mối cung cấp gia súc và đầu mối phân phối sản phẩm từ gia súc.

Bà Đào Thị Kim Thu-chủ cơ sở giết mổ tại tổ 3 (phường Thống Nhất) cho biết: Trung bình mỗi ngày, cơ sở của bà giết mổ hơn 20 con heo. Trước giờ, cơ sở chủ yếu nhập heo từ các trang trại của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Vừa rồi, công ty này thông báo sắp tới sẽ không bán heo hơi nữa mà chỉ bán heo mảnh nên cơ sở đang hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục nhập hàng. “Do trên địa bàn chưa có lò mổ tập trung nên cơ sở đã tự xây dựng lò mổ để đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho các đầu mối. Cơ sở luôn đảm bảo điều kiện về nguồn gốc heo. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ thực hiện thường xuyên, đảm bảo các quy định. Nếu thành phố xây dựng được lò mổ tập trung, cơ sở sẽ tham gia giết mổ tại đó”-bà Thu cho biết thêm.

Thành phố Pleiku có số lượng điểm giết mổ nhiều nhất tỉnh. Do chưa xây dựng được lò giết mổ tập trung nên việc quản lý tại gốc không thực hiện được. Đối với các cơ sở có giấy phép kinh doanh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đã cử nhân viên thực hiện kiểm tra đúng theo quy trình trước, trong và sau khi giết mổ. Đối với các hộ tham gia giết mổ không có giấy phép kinh doanh, Trung tâm cử nhân viên phụ trách địa bàn cùng với lực lượng thú y cơ sở tại các địa phương thường xuyên nhắc nhở các hộ phải nhập gia súc khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ.

Theo ông Võ Đăng Yên, trung bình mỗi tháng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku kiểm phẩm khoảng 1.200 con heo; 12.900 con gia cầm; 570 con trâu, bò; 70 con dê. Công tác kiểm phẩm được tiến hành ở 13 chợ trên địa bàn. Tuy nhiên, lượng thịt gia súc, gia cầm hàng ngày cung cấp ra thị trường từ những lò giết mổ ở Pleiku mới kiểm soát được khoảng 70%.

Thành phố Pleiku đang tìm quỹ đất để kêu gọi đầu tư xây dựng lò mổ tập trung. Vấn đề khó khăn là quỹ đất phải cách xa khu dân cư. Trong khi đó, nhiều hộ chỉ giết mổ 1-2 con gia súc/ngày, nếu lò mổ đặt xa thì việc vận chuyển gia súc đến và vận chuyển sản phẩm đi sẽ làm tăng thêm chi phí. Chưa kể, với 90 cơ sở mỗi ngày giết mổ hàng trăm con gia súc và cả ngàn con gia cầm thì công suất hoạt động của lò phải đủ lớn mới đáp ứng được nhu cầu trong cùng một thời điểm. Đồng thời, thành phố cũng phải có những quy định khắt khe hơn đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Bởi lẽ, từng có lò mổ tập trung được đầu tư xây dựng nhưng các hộ không đưa gia súc, gia cầm vào mổ, dẫn đến lò hoạt động không hiệu quả một thời gian dài, buộc phải đóng cửa.


 

 VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm