Nằm nép mình bên dòng sông Bạch Ngưu hiền hòa, đền thờ Vua Hùng ở vùng cực Nam Tổ quốc đã hình thành và tồn tại hơn 150 năm qua, dưới sự bảo tồn và gìn giữ của các gia tộc qua nhiều thế hệ.
Hai thế hệ cùng trông coi đền Hùng
Buổi sáng ngày cuối tháng 2 âm lịch, ông Bảy Thông (Phan Văn Thông, 61 tuổi) thức dậy sớm hơn thường lệ, pha vội ấm trà đợi người bạn già Nguyễn Quốc Vụ (62 tuổi) ở cách nhà vài trăm mét. Đây là cuộc hẹn được hai ông lên lịch, trước khi ra bàn kế hoạch giỗ Tổ vào ngày 10/3 âm lịch năm nay với hơn 40 bậc cao niên khác trong làng. Công việc này đã được hai ông thực hiện đều đặn hàng chục năm qua mỗi khi sắp đến ngày lễ trọng đại của làng.
Việc chăm sóc, gìn giữ đền thờ được những người lớn tuổi ở địa phương đảm nhiệm. Ảnh: H.H |
Đền thờ vua Hùng ở ấp Giao Khẩu được xây dựng trên khuôn viên hơn 2.000m2, có kết cấu một gian hai chái, phía sau đền giáp với sông Bạch Ngưu, mặt trước hướng ra phía Quốc lộ (theo lối phong thủy: Trên bến - dưới thuyền). Tượng thờ vua Hùng được đặt trang nghiêm ở giữa trong đền.
Ông Bảy Thông bảo rằng: “Bản thân tui và ông Vụ là những người kế thừa di nguyện của cha ông trong việc trông coi đền Hùng, nên phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp đó cho thế hệ con cháu sau này”.
Nói về lịch sử hình thành đền thờ Vua Hùng ở vùng đất cuối trời Nam, ông Bảy Thông thú thực là ông cũng không biết chính xác đền có từ bao giờ, chỉ nghe cha ông kể lại rằng hơn 150 trước, những lưu dân di cư về vùng đất phương Nam đã đến và lập đền thờ Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau) để thờ cúng. “Khi tôi lớn lên đã thấy cha mình ngày ngày trông coi đền và bọn trẻ chúng tôi ngày ấy đã được cha ông dạy bảo về lòng yêu nước với niềm tự hào vì là con cháu vua Hùng” - ông Thông nói.
Theo Bảy Thông, sách sử địa phương còn ghi chép rằng, vào khoảng năm 1658, người Việt đã đến những vùng đất mới ở phía Bắc Cà Mau ngày nay. Đến năm 1714, vùng đất này bắt đầu được ghi tên trên bản đồ Việt Nam thời Vua Lê, Chúa Nguyễn, trong hai huyện Long Xuyên và trấn Di thuộc trấn Hà Tiên. Cũng kể từ đó, cư dân từ các nơi đổ về khẩn hoang rồi dần hình thành cộng đồng dân cư. Để tồn tại, cư dân phải vượt qua những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh... nhưng trong họ luôn có niềm tin về các vị thần linh che chở, bảo vệ mình, đặc biệt là tục thờ tổ tiên của người Việt là Vua Hùng. “Riêng đền thờ Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu là 1 trong 5 đền thờ đầu tiên trên cả nước có từ thời Pháp thuộc” - ông Thông nói, và cho biết ban đầu đền được ông Hội Đồng Giảng thờ cúng và bảo quản.
Cha Bảy Thông - ông Phan Văn Sạng là người kế tiếp ông Hội Đồng Giảng trông coi đền. Đến năm 1969, ông Nguyễn Văn Cống (cha ông Nguyễn Quốc Vụ) đảm nhận công việc này. “Khi cha mất, chúng tôi là những người kế thừa trông coi đền” - ông Nguyễn Quốc Vụ nói.
Cả làng chung tay bảo tồn
Ban đầu, đền chỉ được xây dựng bằng cây lá địa phương, với cái tên theo cách gọi dân dã là “Miếu ông vua”. Theo dòng thời gian, ngôi miếu không ngừng được sửa chữa, mở rộng thành đền thờ tôn nghiêm như hiện nay.
“Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi đền đã bị bom đạn tàn phá nhiều lần, có lúc phải di dời từ nơi này đến nơi khác để tổ chức lễ giỗ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người dân ở ấp Giao Khẩu đã góp tiền của, công sức xây dựng lại đền thờ khang trang như ngày hôm nay” - ông Thông kể.
Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau. Ảnh: H.H |
Theo truyền thống, mùa giỗ tổ vua Hùng ở các năm trước sẽ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ mùng 8 - 10/3 âm lịch. Trong hai ngày 8 và 9 sẽ là các tiết mục của phần hội, với các trò chơi nhân gian, quy tụ hàng nghìn người từ các nơi về tham gia, vui chơi; còn phần lễ chính diễn ra vào ngày 10 với các nghi thức cổ truyền. Các lễ vật như: Bánh chưng bánh dầy, lợn quay, lợn trắng... là những lễ vật không thể thiếu trong ngày lễ chính để dâng lên Vua Hùng. Ngoài ra, hàng nghìn người dân địa phương và du khách đều mang lễ vật đến dâng lên Vua Hùng với lòng tôn kính.
Theo Hoàng Hạnh (Dân Việt)