Giỗ Tổ Hùng Vương: Nhắc nhớ nguồn cội, đắp bồi tinh thần dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 Âm lịch) hàng năm là quốc lễ thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Không chỉ là dịp tri ân công ơn của các Vua Hùng đối với dân tộc, đây còn là lúc nghĩa đồng bào lan tỏa, khẳng định sự đoàn kết, đồng lòng dù lên non-xuống biển, dù đi ngược-về xuôi. Thế hệ trẻ cũng từ đó nhận thức rõ hơn về nguồn cội, tinh thần dân tộc cũng như vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và dựng xây đất nước.

Tự hào là người con đất Tổ

Theo những tài liệu còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2.000 năm. Các triều đại phong kiến Việt Nam cũng đã từng bước xác lập ngọc phả về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN công nhận Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Trong một lần về thăm Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần căn dặn đồng bào, chiến sĩ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đặc biệt, ngày 6-12-2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Người dân dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Lực lượng vũ trang dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc


Như cánh chim muôn phương, những người con đất Tổ bay đi khắp mọi miền Tổ quốc. Tại Gia Lai, Hội đồng hương Vĩnh Phú (nay là 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ) có 10 chi hội với hàng ngàn hội viên. Trò chuyện cùng P.V, Thạc sĩ-nhà giáo Chử Lương Đào (bút danh Chử Anh Đào, quê huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) khẳng định: “Giỗ Tổ là truyền thống của dân tộc ta từ hàng ngàn năm nay. Tôi rất tự hào về truyền thống này, càng tự hào hơn khi mình là một trong những người con đất Tổ. Đây chính là động lực để những người con Phú Thọ ở Gia Lai phấn đấu và có những thành công nhất định trên các lĩnh vực, chung tay xây dựng quê hương thứ 2”.  

Chỉ vào tấm ảnh cả gia đình chụp tại Đền Hùng, nhà giáo Chử Lương Đào cho hay, ông đã nhiều lần đưa con cháu về thăm quê cha đất Tổ để đắp bồi cho thế hệ sau ý thức về nguồn cội, dân tộc. Bản thân ông cũng có nhiều bài viết về Đền Hùng, nổi bật là những bài như: “Ký ức Đền Hùng”, “Tín ngưỡng phồn thực nơi đất Tổ”… như một niềm tha thiết với quê hương.

Ấm áp nghĩa đồng bào

Với lòng tự hào nguồn cội, qua nhiều thời kỳ lịch sử, 54 dân tộc anh em trong cả nước dù xuống biển hay lên non đều đoàn kết một lòng, nhất là trong thời kỳ dựng xây đất nước hiện nay. Diễn ra trước Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021 chỉ vài ngày, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4) tại Hà Nội tạo sự cộng hưởng mạnh mẽ, khẳng định sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết đáng quý cũng như sự ấm áp của nghĩa đồng bào. Với chủ đề “Văn hóa các dân tộc-Hội tụ và phát triển”, chương trình nghệ thuật đêm khai mạc ngợi ca truyền thống dựng nước và giữ nước từ ngàn đời của người dân đất Việt, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn để giữ gìn bản sắc văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Người dân tham quan Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Người dân dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc


Là 1 trong 25 nghệ nhân tỉnh ta tham gia sự kiện trên, em Kpă H'Sukơ-học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) hào hứng cho biết, đây là dịp các dân tộc anh em trong cả nước hội ngộ với nhiều hoạt động hấp dẫn. “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra ngay sát Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là điều rất ý nghĩa. Được giới thiệu văn hóa của người Jrai mình, được giao lưu với nhiều dân tộc khác, em thấy rất vui. Càng hiểu thêm về nguồn cội, em càng ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, chung tay góp sức đưa đất nước ngày càng phát triển”-em H'Sukơ chia sẻ.

Nâng cao ý thức tự cường

Cũng từ “bệ đỡ” truyền thống, không ít bạn trẻ ý thức rất rõ về tinh thần dân tộc và ý thức tự cường, từ đó dày công học tập, nghiên cứu, rèn luyện để cống hiến. Vận động viên Lê Thị Nhi-1 trong 7 công dân trẻ tiêu biểu của tỉnh năm 2020 là một điển hình.

Nhi cho biết, ngay từ nhỏ, em đã rất yêu thích các môn thể thao. Bộ môn đầu tiên Nhi tiếp cận là võ cổ truyền Việt Nam vì theo em đây là một di sản của người Việt, cần được gìn giữ, phát huy. Năm 2018, Nhi gặt hái thành tích đáng nể là chiếc huy chương vàng Giải Vô địch trẻ Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai.

Sau khi chuyển sang tập môn kick boxing, Nhi tiếp tục mang về nhiều thành công. Cách đây 1 tháng, em giành huy chương vàng Giải Vô địch Cúp Kick boxing toàn quốc 2021 tại Bình Định. Với những thành tích ấn tượng, từ tháng 9-2020, Nhi được triệu tập vào Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để tập luyện, chuẩn bị cho đấu trường SEA Games 31 (dự kiến tổ chức cuối tháng 11-2021 tại Việt Nam). Vừa học văn hóa vừa tập luyện, mục tiêu của Nhi là phấn đấu đạt huy chương tại đấu trường quốc tế này.

Người dân tham quan Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Người dân tham quan Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy


Tham gia và theo dõi nhiều giải đấu, Nhi nhận xét, vận động viên Việt Nam thi đấu quốc tế thường thấp bé, nhẹ cân nên đa số chỉ giành huy chương ở những hạng cân thấp. Vì vậy, khi nói về vai trò của việc rèn luyện, cải thiện thể lực để người Việt ngày càng có cơ hội sánh vai với các dân tộc khác trong khu vực, Nhi khẳng định đây là yếu tố rất quan trọng. Cô gái trẻ ấp ủ dự định sau này sẽ mở lớp dạy võ cổ truyền như một cách bảo tồn di sản Việt và cổ vũ phong trào rèn luyện sức khỏe.

Song song với thể lực, phát triển trí lực cũng là điều rất được chú trọng nhằm nâng tầm, hoàn thiện khả năng tư duy, sáng tạo của mỗi công dân. Những năm qua, phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh, thu hút nhiều học sinh, sinh viên tham gia, hưởng ứng. Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia dành cho học sinh, sinh viên năm 2020, Trường THPT chuyên Hùng Vương có 1 dự án đạt giải khuyến khích. Đó là dự án “PPG-Máy nhiệt phân rác thải nhựa thu nhiên liệu dầu và xử lý khí thải” của nhóm 5 học sinh: Bùi Mai Hoàng Nguyên, Nguyễn Hoàng Ngọc Minh, Trịnh Minh Mỹ My, Vũ Thị Hoàng Ngân và Nguyễn Chí Khang.

Em Bùi Mai Hoàng Nguyên, cũng là 1 trong 7 công dân trẻ tiêu biểu của tỉnh năm 2020, cho biết: “Quá trình thực hiện đề tài không hề dễ dàng. Tuy nhiều lần thất bại nhưng chúng em động viên nhau cố gắng, bởi thất bại chính là kinh nghiệm để đi đến thành công. Với đề tài nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường này, chúng em có cơ hội tìm hiểu sâu nhiều vấn đề trong cuộc sống, từ đó đề xuất những giải pháp thích hợp, mang lại lợi ích cho người dân và quê hương”.

Đóng góp của mỗi cá nhân như các mảnh ghép trong chỉnh thể quốc gia, dân tộc. Bùi Mai Hoàng Nguyên bộc bạch: “Nghiên cứu khoa học kỹ thuật giúp chúng em thỏa mãn niềm đam mê cũng như phát triển bản thân, góp phần giúp ích cho cộng đồng. Rộng hơn nữa, nghiên cứu khoa học kỹ thuật là điều tất yếu phải hướng đến, khẳng định tiềm năng và sự lớn mạnh của một đất nước. Chúng ta càng nhiệt huyết, càng chú tâm sáng tạo thì đất nước sẽ ngày càng phát triển”.

Đặc biệt, tiếp nối truyền thống giữ nước hào hùng của cha anh qua 2 cuộc kháng chiến, thế hệ trẻ ngày nay luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Chia sẻ cảm xúc về Ngày Giỗ Tổ, Đại úy Phan Trung Tình-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ) giãi bày: “Cứ đến những ngày này, lòng tôi lại bồi hồi, xúc động. Tôi mong một ngày nào đó được về đất Tổ, dâng nén hương lên các Vua Hùng để thể hiện tấm lòng thành của thế hệ con cháu đối với tổ tiên”.

Là người lính “quân hàm xanh” đang trực tiếp làm nhiệm vụ trên biên giới, Đại úy Phan Trung Tình cho rằng lời dạy của Bác dù ở thời đại nào vẫn vẹn nguyên giá trị. “Trách nhiệm của chúng tôi là phải luôn vững vàng về tư tưởng, khắc phục mọi khó khăn, nhất là khi tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, dịch Covid-19 hoành hành. Chúng tôi luôn tâm niệm phải tích cực học tập, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống để xứng đáng là thế hệ con cháu Vua Hùng; không ngừng nỗ lực, phấn đấu để góp phần hoàn thành thắng lợi “mục tiêu kép” vừa quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phòng-chống dịch Covid-19, ngăn chặn xuất-nhập cảnh trái phép, giữ bình yên biên giới”-Đại úy Phan Trung Tình trao đổi.
 

 PHƯƠNG DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm