Những ngày giữa tháng chạp năm Tân Sửu, nhu cầu lao động ở nhiều doanh nghiệp (DN) càng trở nên cần kíp vì các đơn hàng thúc giục.
Sau thời gian giãn cách xã hội, khan hiếm đơn hàng, nay DN hồi phục sản xuất, cần lao động thì nhiều người lao động (NLĐ) về quê chưa trở lại. Tình trạng này cũng gây khó cho DN vì Tết đã cận kề và tâm lý chung của NLĐ đã về đến quê trong những ngày này, nếu trở lại thì coi như ăn Tết xa quê, nên đành hẹn sau Tết mới trở lại làm việc.
Công nhân Công ty TNHH Maruel Việt Nam an tâm làm việc khi được bảo đảm thưởng Tết. Ảnh: Châu Loan |
Rất dễ nhận ra dòng chảy lao động những ngày gần Tết sẽ càng mạnh hơn, số NLĐ về quê đang tăng lên mỗi ngày. Nhiều người chọn cách về sớm để sau thời gian cách ly tại địa phương, họ sẽ có thời gian ăn Tết với gia đình. Còn những người hiện đang có mặt ở quê thì chấp nhận nghỉ thêm một thời gian nữa, xem như ăn Tết kéo dài.
Tâm lý chung của đa số NLĐ những ngày này chưa muốn quay trở lại TP HCM và các tỉnh phía Nam, trở lại công việc ở nhà máy cũ là dễ hiểu và thông cảm, vì ai cũng muốn ở lại quê ăn Tết sau thời gian dài xa cách, có nhiều năm không về quê. Nhiều người còn ỷ y rằng công ty luôn sẵn sàng "giữ việc" cho họ, không có gì phải lo lắng khi công ty luôn cần nguồn lao động quen việc quen nghề.
Về phía các DN, thấu hiểu tâm lý của NLĐ muốn thêm thời gian ở lại quê, chờ tình hình dịch ổn định sẽ quay lại, nên cũng có ý chờ nguồn lao động cũ. Từ đó, thị trường lao động những ngày gần Tết có thay đổi so với mọi năm.
Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, quý I/2022, thành phố cần ít nhất 45.000 lao động, trong đó 70% là lao động phổ thông, nhất là các ngành giày da, may mặc, cơ điện, điện tử, chế biến và các ngành thương mại dịch vụ với thu nhập từ 7-15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong tháng đầu năm 2022 chỉ gần 20.000 người có nhu cầu tìm việc. Nhu cầu tìm việc sẽ tăng cao nửa sau tháng 2-2022 và trong tháng 3-2022 sẽ có hàng chục ngàn lao động có nhu cầu việc làm, trở lại với nhà máy cũ hoặc tìm công việc mới phù hợp hơn, theo nguyện vọng và hoàn cảnh sống.
Ngay tại quê nhà, sau Tết cũng sẽ giữ chân một số lao động trở về nhưng con số này không nhiều do nhu cầu của DN địa phương không lớn và tiền lương - thu nhập của NLĐ không cao như khi làm việc trong các DN các tỉnh, thành phía Nam. Do đó, số đông NLĐ sau Tết sẽ lại rời quê, tìm về các nơi làm việc bởi nhu cầu kiếm sống cho bản thân và gia đình vẫn tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực của từng người. Mong mỏi chung của DN và NLĐ là dịch Covid-19 sẽ lắng dần, cuộc sống trở lại bình thường, DN phục hồi sản xuất kinh doanh, NLĐ tìm được việc làm phù hợp năng lực và có thu nhập tương xứng.
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn tiềm ẩn những yếu tố nghiệt ngã, đòi hỏi từng NLĐ phải vươn lên, tự trang bị cho mình "vốn liếng" tay nghề và kỹ năng cần thiết để có được việc làm và giữ được việc làm, nhất là khi sự cạnh tranh tăng lên, khả năng được tiếp nhận ít đi. Đừng chủ quan rằng DN sẽ chờ đợi mình trở lại, đón nhận mình bất cứ lúc nào, khi cỗ máy phải chạy, dây chuyền cần đủ người để vận hành.
Theo HIỀN MINH (NLĐO)