Ngồi ở tầng 8 của Green- tòa nhà cao nhất vùng Hướng Hóa (Quảng Trị), bên ly càphê rang xay Arabica, ngắm bốn bề màu xanh của cây càphê đang mùa lốm đốm hoa trắng mà lòng rào rạt, bâng khuâng cảm giác như đi lâu giờ thấy bóng quê nhà.
Phải chăng cái chất cafein giữa nao nao gió lộng lưng trời đã làm lòng chếnh choáng?
Càphê Khe Sanh mùa thu hoạch. |
Cà phê Khe Sanh xuống tàu qua Pháp…
Trong giấc mơ của người bản xứ ở trên đỉnh Trường Sơn heo hút, kể rằng cõi trên sẽ cho một thứ hạt làm ấm no cuộc sống được tiếp dẫn bởi một vị người Âu Châu cao lớn, râu hùm oai phong. Và một ngày đẹp trời nọ, người đàn ông kia đã gieo xuống đất này loài cây làm ra thứ nước nâu đen với hương vị đắng chát nhưng dư vị còn trên môi làm quyến rũ mãi người dùng, đưa họ đến trên đỉnh núi sáng tạo.
Người đàn ông gieo những hạt càphê đầu tiên trên vùng đất đỏ này tôi muốn nói đến là Eugene Poilance. Ông sinh năm 1888 tại Pháp, mất năm 1964 tại Hướng Hóa, Quảng Trị. Nguyên là một chuyên viên sửa chữa hải pháo trong Hải quân công xưởng, sau đó Poilance làm việc cho viện Bách Thảo Đông Dương, đến năm 1922 trở thành một chuyên viên Kiểm lâm.
Trong một lần khảo sát Khe Sanh vào năm 1918, ông bị mê hoặc bởi thiên nhiên nơi này, nhận thấy đất đai thổ nhưỡng phù hợp với cây càphê nên năm 1926 ông quay trở lại nơi này và mang theo giống càphê Chiary trồng những cây đầu tiên, sau đó ông đã lập đồn điền càphê ở khu vực xã Hướng Tân bây giờ.
Một lần tình cờ nói chuyện về người đặt nền móng cho cây càphê ở Khe Sanh, chúng tôi đã may mắn gặp được bà Nguyễn Thị Thí (còn gọi là Lý, sinh năm 1933), sống tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, người đã có thời gian làm công nhân cho đồn điền đầu tiên trên đất Khe Sanh này.
Trong trí nhớ của bà, ông Poilance vừa là nhà sinh vật học vừa là một nông dân thực thụ. Ông đã biến vùng đất Khe Sanh trở thành đồn điền trù phú với nhiều cây công nghiệp, trong đó nổi bật là cây càphê, làm tiền đề cho vùng càphê rộng lớn hàng ngàn hecta ngày nay. Năm 1961, hai vợ chồng bà Thí cùng nhiều người dân làng An Cư, xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) rời làng theo đường số Chín lên vùng núi Khe Sanh để làm công nhân càphê. Ai có học hành thì làm thư ký, chuyên về sổ sách nhập, xuất càphê; còn lại là nội trợ, công nhân…
Ông Poilance, người đặt nền móng cho cà phê Khe Sanh ngày nay. Ảnh tư liệu |
Công nhân được ở trong các tòa nhà xây theo kiến trúc Pháp, bên cạnh là tòa nhà 2 tầng của chủ đồn điền. Cơm ăn ngày ba bữa, mỗi tháng mỗi người được trả từ 120 đến 130 đồng. Ở Hướng Hóa lúc này có 3 đồn điền càphê với hàng trăm công nhân bao gồm cả đồng bào dân tộc Vân Kiều. Đồn điền của bà Rôm từ khu vực cổng B (Trạm liên hợp trên quốc lộ 9 cũ) kéo dài hết thôn Lương Lễ; đồn điền Philip từ khu vực tượng đài Chiến thắng Khe Sanh ngày nay vào đến sân bay Tà Cơn và đồn điền Poilance từ cầu Khe Sanh trở về ngã ba tượng đài.
Philip là con trai của ông Poilance với bà vợ đầu người Pháp. Sau khi ông Poilance cưới một phụ nữ người Ba Đồn (Quảng Bình), vốn là người nội trợ trong gia đình ông, người vợ đầu của ông đã quyết định ly hôn, chia tài sản. Bà và người con trai Philip được chia một phần của cải và cai quản một đồn điền riêng.
Dù các đồn điền được thành lập và đi vào khai thác khá lâu, song Khe Sanh lúc này là vùng đất lam sơn chướng khí, rừng núi thâm u. Những mùa càphê chín, công nhân trước khi đi hái những thửa xa phải đưa theo trống hay thùng nhôm để đánh xua cọp beo. Theo lời kể, mỗi lần khai phá vùng đất mới để mở rộng đồn điền, bà vợ người Ba Đồn của ông Poilance tuy bị khuyết tật chân đi nhắc nhỏm nhưng đi đến đâu thì cọp beo sợ đến đấy(?!). Có bà, những công nhân người đồng bằng vốn không quen rừng rậm an tâm làm việc…
Theo bà Thí, càphê ở Khe Sanh được rửa sạch, bốc vỏ, phơi khô rồi đóng bao vận chuyển về Đông Hà, vào Huế. Đến mùa thu hoạch, cứ năm bảy ngày là các thương lái lên nhận hàng đưa về xuôi.
Và như thế thương hiệu càphê Khe Sanh đã vượt khỏi biên giới quốc gia, xuống tàu qua Pháp hay Châu Âu từ hơn nửa thế kỷ trước.
Sợ nhất là mưa
Thi thoảng tôi một mình trên con xe wave già cỗi rong ruổi trên cung đường Hồ Chí Minh nhánh tây đoạn từ tượng đài Chiến thắng Khe Sanh vào Hướng Phùng. Đi để tìm dư vị của núi rừng, đi cốt để không… ngồi yên trước cuộc sống đổi thay này.
Và mỗi lần như thế, tôi thường “đánh dấu” trong trí nhớ của mình từng vệt xanh ở những dãy đồi. Ví dụ như vài năm trước thì màu xanh của cây càphê ở các đồi bát úp xung quanh đỉnh Động Tri hay Hoàng Xuân Lãm ở xã Hướng Tân mới ngang ở chân đồi, năm sau quay lại đã lên đến lưng đồi. Và cứ thế, giờ màu xanh ấy đã chiếm trọn quả đồi thay vì trước đây là cỏ dại. Thì ra không như người ta nói, rằng càphê rớt giá thảm hại họ sẽ chặt càphê trồng tiêu hay những thứ khác… Họ vẫn gắn bó với cây càphê như đã gắn bó từ mấy chục năm nay.
Theo con đường đất màu sô-cô-la tưởng chừng như mất hút trong ngút ngàn càphê. Đôi lần dốc lên dốc xuống mới đến được túp lều nằm đơn độc trên ngọn đồi của lão nông Trần Xuân Ba ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân. Vốn là người quen biết từ thời tôi còn làm nhân viên thị trường cho phân bón Con Công.
Tiếp tôi bằng ly càphê tự rang của ông. Ông bảo thứ càphê này được lựa từ những quả chín tới ngon nhất, tự tay ông rang và xuống huyện nhờ máy người bạn xay. Lão cho biết uống thứ càphê này quen rồi chẳng uống các thứ khác được.
Hỏi: Hơn 2 ha càphê đang độ khai thác mà chỉ mình lão thôi ư? “Một mình là chủ yếu. Đến mùa tỉa cành, bón phân và hái thì mới đông”. Mấy chục năm trồng càphê, lão sợ điều gì? “Mưa”. Thế không sợ mất mùa, không sợ rớt giá à? “Không, mấy cái đó bình thường. Chỉ sợ mưa. Cứ đến mùa hái càphê là xứ này mưa phùn, để hái và đưa được hạt càphê từ trong lô ra đến đường cái là đứt hơi. Trên trời thì mưa bay, dưới đất thì nhão quẹt như thứ cháo đậu huyết được ai đó đổ ra đường”.
Lão cho biết, càphê trồng ở đất Hướng Hóa thuộc tốp ngon có tiếng bởi khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Việt Nam thuộc nước đứng đầu về xuất khẩu càphê nhưng giá trị thấp vì chủ yếu xuất càphê Rubusta. Thế giới người ta ưa chuộng loại càphê chè (Arabica), loại này tính cafein ít hơn nhưng lại thơm hơn.
Nhấp ly càphê trên tay, lão bảo có thấy vị chua chua của nó không? Cái chua chua ấy mới là sự khác biệt đấy. Rồi lão chỉ tay về phía màu xanh từ đồi này qua đồi kia, bảo từ đây (xã Hướng Tân) càng đi vào Hướng Phùng thì càphê càng ngon. Lý do bởi độ cao tăng dần và khí hậu mát hơn. Nhưng để có món càphê tuyệt hạng thì từ người trồng, người hái, người chế biến phải đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, ít nhất với tâm thế “làm ra để chính mình uống” thì nó mới ngon chứ không phải làm vì lợi nhuận!
Ông Hồ Vương - chủ của thương hiệu B-wild coffee ở Khe Sanh (bìa trái) và tác giả (ở giữa). |
Hiện thực trên cả… truyền thuyết!
Truyền thuyết kể rằng khi Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc thuyết pháp Thiền Tông nhưng thấy chưa ai hiểu nên ngài lên một ngôi chùa trên núi để ngồi thiền, ngó vách đá ròng rã suốt chín năm; sách ghi rằng có lúc ngài ngủ gục, liền lấy dao cắt mí mắt. Mí mắt rơi xuống thành cây trà. Sau này các nhà sư uống trà để tỉnh ngủ.
Huyền tích cho rằng các nhà sư muốn đạt đến độ thông tuệ thì trước hết cần phải tỉnh táo. Có lẽ lúc này cây càphê còn đâu đó sống vô danh giữa muôn ngàn thảo vật chưa được người đời khám phá, nếu không cũng là thứ cao sang cho những bậc thức giả.
Cho đến một ngày, chàng trai chăn cừu ở cao nguyên nhiệt đới Ethiopia (Đông Phi) đã băt gặp đàn cứu đột nhiên kêu róng lên và nhảy nhót bằng chân sau. Thì ra chúng đã ăn thứ trái cây chín đỏ gần đó. Chàng ta liều lĩnh ăn thử và cũng thấy mình hưng phấn, hăng hái tràn đầy sinh lực. Đó là những hạt càphê Arabica đầu tiên mà loài người được biết đến. Và ngày nay, nó là thứ càphê đắt nhất và được ưa chuộng nhất trong các dòng càphê của thế giới.
Vùng đất Hướng Hóa đã được “đặc ân” bởi khí hậu và thổ nhưỡng nên thích hợp cho cây càphê Arabica. Giống càphê này dù có giá trị kinh tế cao song lại chỉ trồng được một số vùng có độ cao trên 400m so với mực nước biển, nên sản lượng rất khiêm tốn (chỉ chiếm 7% diện tích càphê cả nước). Huyện Hướng Hóa trong những năm qua đã không ngừng tăng diện tích trồng, dù đứng trước khó khăn về giá. Hiện nay toàn huyện có 5.300 ha càphê.
Tôi đã gặp những con người tâm huyết với cây càphê của huyện nhà như ông Hồ Vương, chủ một cơ sở chế biến càphê ở Hướng Phùng với thương hiệu B-wild coffee (Back to the wild coffee – cà phê trở lại hoang dã); ông Hồ Văn Kài - Chủ tịch Hội càphê Khe Sanh vẫn luôn đau đáu trăn trở phải làm sao nâng tầm càphê Khe Sanh từ sản lượng cho đến chất lượng, đáp ứng thị trường khó tính. Tất cả đều cho rằng, muốn đạt được chất lượng phải bỏ qua những “cám dỗ” của lợi nhuận như hái trái xanh, cho ngâm nước hay để lẫn lá, cành và đất cho nặng cân khi bán… Khi đã có chất lượng rồi thì đồng thời giá cả sẽ được nâng lên.
Từ những hạt càphê đầu tiên của ông tổ càphê Khe Sanh là Poilance được hái, phân loại, bốc vỏ, phơi khô trong những đồn điền đầu tiên cho đến hôm nay gần cả 100 năm. 100 năm cho một thứ quả “trời ban” cho đồng bào nơi này; 100 năm để hình thành một thương hiệu vượt ra khỏi biên giới cương thổ để ra biển lớn cùng với những thương hiệu khác của đất Quảng Trị quả là con đường chông gai. Nhưng những a chói của đồng bào nơi này vẫn điềm nhiên, cần mẫn gùi những sản vật của quê hương góp phần làm nên thương hiệu như một sự mặc định của đất trời ban cho người cần lao.
Để rồi mỗi lúc rỗi việc nông nhàn, người quanh năm gieo hạt tỉa cành ở lưng đồi nay ngồi bên tách càphê do chính mình làm ra ở một nhà hàng, khách sạn cao cấp nào đó với lòng tự hào quê hương. Đó là giọt càphê hay giọt mồ hôi ở lưng trời Khe Sanh?
Yên Mã Sơn/laodong