Phóng sự - Ký sự

Giữ cánh hoa bay...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dòng chảy ký ức có lẽ chưa bao giờ ngừng nghỉ trong tâm thức những người từng mang sắc hoa đến neo giữ trên mảnh đất Pleiku đầy nắng gió. Với họ, những xóm hoa nhỏ nơi Phố núi tuy không trứ danh khắp xứ như bao làng hoa khác nhưng cũng đủ thi vị khiến nhiều người luyến lưu mỗi lần nhắc nhớ.
1. Cơn gió nhẹ thổi qua góc vườn nhỏ làm rơi rụng những cánh hoa hồng cổ vừa chớm tàn. Cạnh đó, ông Phan Hắc Sơn (tổ 9, phường Hoa Lư) đang tỉ mẩn chỉnh sửa lại mấy khung tre kết hoa bị hỏng sau một thời gian dài chưa dùng đến. Dịch Covid-19 ập tới khiến nhà nhà gặp khó. Và dĩ nhiên, gia đình ông Sơn cũng không ngoại lệ. Lâu lắm rồi, ông không nhận được đơn đặt hàng kết hoa nào; khung tre làm ra cũng chỉ đem xếp chồng nằm im ỉm bên nhau.
Ông Sơn năm nay 66 tuổi nhưng vẫn còn “độc thân vui tính”. Ông cười bảo, cả cuộc đời này, ông chỉ yêu hoa và có lẽ chắc cũng chỉ có hoa là... yêu ông. Thoạt nghe, tôi cứ tưởng là cô nào tên Hoa, hóa ra, ông đang trêu bản thân với sắc hoa trong vườn. Sinh ra và lớn lên nơi Sài thành đô hội, năm 1962, ông Sơn theo mẹ về sinh sống tại Pleiku. Bấy giờ, nơi ông ở chỉ có vài nóc nhà thưa thớt, mãi tới năm 1965 thì mới có nhiều người chuyển đến. “Vì tập trung phần lớn các gia đình quê ngoài Bắc nên nhiều người quen gọi khu vực này là xóm Bắc, chứ trên thực tế, nó là xóm 10, nay thuộc tổ 9, phường Hoa Lư”-ông Sơn lý giải.
Ông Phan Hắc Sơn (tổ 9, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) lật xem những tấm ảnh kết hoa của gia đình ngày trước. Ảnh: Hồng Thi
Ông Phan Hắc Sơn (tổ 9, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) lật xem những tấm ảnh kết hoa của gia đình ngày trước. Ảnh: Hồng Thi
Sau một thời gian trồng rau không mang lại hiệu quả kinh tế như trông đợi, năm 1978, ông Sơn quyết định chuyển sang “làm bạn” với hoa và trở thành người tiên phong đưa nghề trồng hoa về với xóm 10 ngày ấy. Những giống hoa như: vạn thọ, lay ơn, mào gà, thược dược, cúc, hướng dương, mã đình hồng, đồng tiền... được ông mang về nhân giống khắp vườn để cung ứng cho thị trường Pleiku. Rồi chính từ việc trồng hoa đã tạo cơ duyên đưa ông đến với nghề kết hoa và gắn bó với nó ngót nghét hơn nửa đời người. “Ấy là một đêm cuối năm 1979, có người tìm đến nhà mua hoa trang trí đám cưới. Họ bảo cần thêm hoa màu trắng cho cô dâu nhưng cả vườn lúc bấy giờ chẳng có loại nào. Ngó sang thấy mấy đóa quỳnh đang tỏa hương ngào ngạt nơi góc sân, thế là họ nhờ tôi kết thành 1 bó hoa cầm tay cho cô dâu. Từ bó hoa cưới đặc biệt ấy, tôi chợt nghĩ có thể sống tốt với nghề kết hoa và bắt đầu tìm hiểu, học hỏi thêm về công việc này”-ông Sơn nhắc nhớ.
Khu vườn sau đó cũng được ông quy hoạch lại để đảm bảo nguồn nguyên liệu hoa quanh năm. Đồng thời, ông xuống giống thêm nhiều loài hoa mới như: marguerite (cúc trắng nhụy vàng), lis (loa kèn trắng), huệ tây, hồng ngũ sắc… để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Ngoài đám cưới, ông còn nhận kết hoa trang trí cho các hội nghị, tiệc sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi và cả hoa phục vụ tang lễ. Mẫu mã khi đó cũng khá đa dạng từ bó tròn, tạo hình suối chảy đến giỏ, lẵng hoa. Hễ ai có nhu cầu, ông đều tìm cách đáp ứng. Ông vui vẻ tâm sự: “Kết hoa cho cô dâu là tỉ mỉ và cầu kỳ nhất vì nó chứa đựng trong đó cả ý nghĩa về bản thân và gia thế của họ. Ngày ấy, chỉ cần nhìn vào bó hoa tươi mà cô dâu cầm trong ngày cưới, người ta dễ dàng biết được gia đình đó khá giả hay nghèo khó, trí thức hay nông dân. Một bó hoa có khi làm cả ngày mới hoàn thiện như ý, giá cao nhất cũng chỉ 50-80 ngàn đồng. Thế nhưng nếu mình mà làm không kỹ thì sẽ mất khách ngay”.
Lật giở quyển album lưu giữ hàng trăm bức ảnh về những mẫu hoa mình đã từng kết, ông say sưa kể cho tôi nghe về thời hoàng kim của nghề mà bản thân có được. Thời gian dần trôi, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, shop hoa ngày càng nhiều. Người tìm đến nhờ ông kết hoa vì thế cũng dần thưa vắng. Dẫu vậy, ông vẫn cố gắng duy trì việc trồng hoa và kết hoa như để níu giữ những gì đẹp đẽ nhất mà cuộc đời mình từng có.
Những cánh hoa trong vườn qua đôi tay khéo léo của ông Phan Hắc Sơn (tổ 9, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã tô điểm thêm vẻ đẹp cho các cô dâu xưa trong ngày cưới. Ảnh: Hồng Thi
Những cánh hoa trong vườn qua đôi tay khéo léo của ông Phan Hắc Sơn (tổ 9, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã tô điểm thêm vẻ đẹp cho các cô dâu trong ngày cưới. Ảnh: Hồng Thi
2. Trong khu nhà màng rộng chừng 1.000 m2, anh Đinh Trọng Toàn (tổ 9, phường Hoa Lư) đang cẩn trọng ươm giống để chuẩn bị cho vụ hoa Tết Nguyên đán 2022. Năm nay, ngoài những loài hoa quen thuộc như: cúc đại đóa, dạ yến thảo, sen đá, sống đời, hướng dương, trạng nguyên… anh còn thử nghiệm một số giống mới: cúc họa mi, bâng khuâng, ngọc minh châu, hương thảo. “Gia đình tôi chuyển sang trồng hoa công nghệ cao từ năm 2004 đến nay. Hoa truyền thống vẫn còn nhưng giảm hẳn qua từng năm vì thị trường không còn ưa chuộng nhiều như xưa nữa”-anh Toàn cho biết.
Là người bước tiếp nghiệp trồng hoa của gia đình, anh Toàn luôn tìm cách giữ nghề lâu nhất có thể. Bởi nhờ nó mà anh và những đứa trẻ xóm 10 cùng thời có được cuộc sống đầy đủ, sung túc. Anh hồi tưởng: “Năm 1980, thấy bác Phan Hắc Sơn trồng hoa hiệu quả, cả xóm cũng học hỏi trồng theo. Ba tôi dành ra 2 sào đất rau để chuyển sang trồng hoa Tết. Những năm ấy, xóm 10 trở thành vựa hoa xuân phục vụ cho cả phố với phong phú, đa dạng các loài hoa. Đây cũng chính là nơi đầu tiên trồng thành công hoa lay ơn ở Pleiku và cung cấp giống cho vùng An Phú, Chư Á sau này. Hiệu quả kinh tế mang lại cho bà con lúc bấy giờ khá cao, 1 vụ hoa Tết cho thu nhập bằng nửa năm sản xuất rau màu nên ai cũng phấn khởi”.
Anh Đinh Trọng Toàn (tổ 9, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đang chuẩn bị cho vụ hoa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: Hồng Thi
Anh Đinh Trọng Toàn (tổ 9, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chuẩn bị cho vụ hoa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: Hồng Thi
Trải qua hơn 40 năm song hành cùng nghề trồng hoa, với anh Toàn, đó là cả chuỗi hành trình ký ức. Nghe anh “thao thao bất tuyệt” về những ngày ròng rã cùng chúng bạn rủ nhau lên hầm rác của Mỹ ở núi Hàm Rồng hay đồi Đức Mẹ nhặt lon sắt về làm chậu hoa; cả những đêm quây quần bên ngọn đèn dầu chẻ tre, vót nan, đan giỏ trồng hoa với gia đình; hay đơn giản chỉ là niềm vui được phụ đẩy xe cộ chở hoa mang ra chợ bán trong những ngày giáp Tết… tôi cũng cảm nhận được phần nào khung trời tuổi thơ đầy vui tươi, ấm áp của anh và đám trẻ con nơi xóm 10. Cứ thế, tất cả đều dần lớn lên theo những cánh hoa xuân. Và có lẽ, đây cũng chính là một lý do nữa để anh Toàn kiên định với những gì mình gắn bó, dẫu rằng xóm hoa bây giờ đã chẳng còn được hưng thịnh như xưa.
3. Cuộc mưu sinh lận đận khiến ông Trương Thanh Hòa (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) trải qua rất nhiều công việc trước khi gắn bó với nghề trồng mai. Theo ông Hòa, mai vàng tượng trưng cho sự may mắn, là loại hoa không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, đặc biệt đối với người dân phương Nam. Tại Bình Định vào những năm 80 của thế kỷ trước, những người chơi cây cảnh ở An Nhơn có công sưu tầm, nghiên cứu, lai tạo giống mai vàng nhiều cánh và các dáng thế đẹp mắt, được thị trường gần xa yêu thích. Năm 1995, ông lên Gia Lai làm kinh tế và nhận thấy nơi đây cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây mai. Vì vậy, khi quyết định lên đây định cư vào năm 2005, ông đã mang theo 200 gốc mai từ quê nhà để phát triển chúng trên vùng đất mới. 
Xuất thân từ xứ mai nổi tiếng An Nhơn, ông Hòa vốn đã thừa hưởng những kinh nghiệm quý báu về trồng, chăm sóc loại cây này. Thế nhưng, những năm đầu tiên khi mai vàng Bình Định “cắm rễ” trên Phố núi, ông Hòa cũng bao phen chật vật. “Thời tiết, khí hậu khác nhau khiến tôi lúng túng trong cách chăm sóc. Hậu quả là năm 2006 hoa bị nở muộn so với Tết, đành bỏ cả vựa để chăm lại. Phải mất 2-3 năm, tôi mới canh được cho mai nở đúng dịp khoảng 60-70%. Giá mỗi cây bán ra khoảng hơn 1 triệu đồng, cho giá trị kinh tế cao nhất trong số các loại hoa Tết thời điểm đó”-ông Hòa nói.
Ông Trương Thanh Hòa là người tiên phong mang mai vàng Bình Định lên trồng tại tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku. Ảnh: Hồng Thi
Ông Trương Thanh Hòa là người tiên phong mang mai vàng Bình Định lên trồng tại tổ 5 (phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh: Hồng Thi
Để gầy dựng nên vườn mai nức tiếng gần xa là cả một quá trình dài và kỳ công của người trồng. Theo ông Hòa, chăm mai chẳng khác nào chăm con, muốn có dáng đẹp phải uốn nắn ngay từ lúc còn nhỏ; muốn cây không yếu chết, sâu bệnh thì phải theo dõi sát sao, để ý từng chút để “chữa” kịp thời. Ngoài mai thế, 5 năm trở lại đây, ông Hòa còn lặn lội đi khắp các làng quê trong tỉnh để mua gốc mai rừng về ghép theo thị hiếu của người chơi. Hiện vườn của ông có khoảng 1.000 gốc mai, trong đó, mai thế chiếm 70%, còn lại là mai ghép. Giá bán thấp nhất là 1 triệu đồng/chậu, cao nhất thì lên tới vài chục, vài trăm triệu đồng tùy theo tuổi đời và thế cây. Ngoài bán, mỗi năm, ông Hòa còn cho thuê 70-80 chậu với giá 2-10 triệu đồng để chơi Tết. Thị trường của ông cũng dần được mở rộng sang các tỉnh lân cận như Kon Tum, Đak Lak…
Một góc vườn mai vàng của ông Trương Thanh Hòa (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh: Hồng Thi
Một góc vườn mai vàng của ông Trương Thanh Hòa (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh: Hồng Thi
Đáng chú ý là vài năm sau khi ông Hòa đưa mai từ đồng bằng lên Pleiku, người dân thôn 17-3 (nay là tổ 5, phường Yên Thế) cũng bắt tay thử nghiệm loại cây cảnh này. Dần dần, nơi đây trở thành khu vực trồng mai vàng Bình Định có uy tín trên Phố núi. Đưa tôi đi dạo quanh cung đường có nhiều hộ trồng mai nhất vùng, Tổ trưởng tổ 5 Nguyễn Ngọc Hải phấn khởi cho hay: “Lúc đầu chỉ 5-7 hộ trồng nhỏ lẻ 30-40 gốc, giờ thì trên dưới 30 hộ rồi. Có nhà hơn cả ngàn gốc, nhà trồng ít cũng vài trăm. Thời điểm chộn rộn nhất là vào những ngày giáp Tết khi cả xóm cùng nhau lặt lá, chăm hoa. Đâu đâu cũng ngập tràn một màu vàng rực rỡ của sắc xuân đón chào năm mới. Dẫu thời gian gần đây, dịch Covid-19 khiến thị trường bị bão hòa, mai không bán được nhiều như trước nhưng mừng là giá cả vẫn ổn định. Đó cũng là điều đáng mừng giúp bà con nơi đây ổn định cuộc sống”. 
…Rời những khoảng trời ướp đượm hương hoa, tôi hiểu rằng, những người trồng nên chúng đã tìm được một nơi an trú bình yên cho tâm hồn. Không khẳng định các xóm hoa nhỏ ấy sẽ tồn tại bao lâu, đi được bao xa nhưng tin rằng, thế hệ ươm mầm và tiếp nối cái nghiệp “gieo hoa” như ông Sơn, ông Hòa, anh Toàn sẽ biết cách để giữ những cánh hoa bay mãi!
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm