Cuối những năm 80, đầu 90, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc dần bình thường, nhưng ở biên giới Hà Giang, cuộc đấu tranh chống lấn chiếm, bảo vệ đường biên hiện quản mới bắt đầu nóng bỏng, căng thẳng.
“Quay xe” cũng phải dừng
Giữa năm 1987, trung úy Vũ Duy Quyết từ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thái Bình được điều lên Hà Giang. Do "trẻ khỏe, học hành bài bản", nên trung úy Quyết được phân công lên tuyến đầu Mèo Vạc. Mấy năm "quần nhau" với thám báo Trung Quốc, đến đầu tháng 11.1991, khi biết Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định tạm thời về biên giới đất liền, ông Quyết thở phào: "Thế là mình được về quê rồi".
Nhân dân xã Sơn Vĩ (H.Mèo Vạc) sát cánh cùng BĐBP đấu tranh chống lấn chiếm biên giới, năm 1992. Ảnh: Tư liệu |
Đại tá Vũ Duy Quyết (phải), nguyên đồn trưởng Đồn BP Săm Pun giai đoạn 1996 - 2006, kể lại những hồi ức, kỷ niệm bảo vệ chủ quyền biên giới Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: Mai Thanh Hải |
Thế nhưng, ước mơ của ông Quyết cùng hàng nghìn cán bộ chiến sĩ BĐBP tuyến biên giới phía Bắc, có quê hương miền xuôi, nhanh chóng bị dập tắt, bởi phía Trung Quốc liên tục vi phạm Hiệp định tạm thời, gia tăng việc xâm canh lấn chiếm biên giới hòng làm thay đổi đường biên.
Cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng hôm nay. Ảnh: Mai Thanh Hải |
"Đầu 1992, ta và Trung Quốc mở lại cặp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng, nhưng trước đó (15.10.1991) phía Trung Quốc đã mở đường ô tô từ trấn Thèn Phùng đi đến chân mốc số 21 (cũ) và đường ô tô từ Trạm Hòa Bình ra mốc số 22. Khi khảo sát, họ cố ý cắm cọc tiêu sâu vào đất ta 200m. Ta phản kháng, phía Trung Quốc ngang nhiên đưa lý do: “không có chỗ quay đầu xe, nên cắm thêm”; giữa tháng 11.1991, phía Trung Quốc lại mở đường sâu vào đất ta gần 100m, rộng 8m. Đồn BP Săm Pun phản kháng quyết liệt, họ mới chịu dừng lại", ông Quyết nhớ lại vậy.
Quân nhân và dân binh Trung Quốc thường xuyên xuất hiện tại các điểm nóng ở biên giới Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) những năm 90. Ảnh: Tư liệu |
Đổ vấy cho… cướp
Ở xã Lũng Cú (H.Đồng Văn), từ cuối năm 1991, thám báo Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vào thôn Xéo Lủng, nhận chủ quyền và đe dọa người dân. Trưa 29.2.1992, gần 20 binh lính Trung Quốc có vũ trang tràn vào Xéo Lủng hô hào “Đây là đất Trung Quốc, dân Việt Nam không được ở đây” và kéo đổ 3 ngôi nhà của người dân. Chiều 4.3.1992, gần 30 lính BP Trung Quốc xâm nhập thôn Xéo Lủng, đập phá đồ đạc và đốt cháy 18 ngôi nhà, hơn 3 tấn lương thực. Khi dân quân xã Xéo Lủng nổ súng báo động, lính Trung Quốc mới rút về bên kia biên giới.
BĐBP Hà Giang họp dân, vận động bà con bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Ảnh: Tư liệu |
“Ngay sau khi sự việc xảy ra, Đồn BP Lũng Cú đã phản kháng, yêu cầu họ bồi thường thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không thừa nhận và đổ cho… bọn tội phạm vũ trang trên biên giới”, thượng tá Nguyễn Văn Thủy, nguyên chính trị viên Đồn BP Lũng Cú kể vậy và nhớ: “Khi UBND H.Đồng Văn phản kháng và yêu cầu chính quyền H.Ma Ly Pho (Vân Nam, Trung Quốc) cùng có mặt tại thôn Xéo Lủng để xem xét giải quyết sự việc. Phía họ đã làm ngơ”…
Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình (thứ 5 từ trái sang phải), Phó Chính ủy BĐBP thăm, kiểm tra công tác bảo vệ biên giới tại BĐBP Hà Giang, năm 2008. Ảnh: Tư liệu |
Chuyện ở Lũng Ly
Đại tá Vũ Quang Vịnh, nguyên phó phòng trinh sát, BCH BĐBP tỉnh Hà Giang (hiện đang nghỉ hưu tại TX.Nghĩa Lộ, Yên Bái) có hơn 30 năm gắn bó với khu vực biên giới Mèo Vạc. Ông kể: Đầu năm 1992, phía Trung Quốc đơn phương tuyên bố các xóm Lũng Ly, Tà Lủng, Trà Mần (X.Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc) thuộc lãnh thổ của họ. Ngày 11.3.1992, dân binh Trung Quốc xâm nhập vào các địa bàn này để đốt nương, trồng ngô và đẩy đuổi người dân “nếu không rời đi, sẽ bị đốt nhà”. Ngày 7.4.1992, khoảng 40 dân binh Trung Quốc lại sang Lũng Ly xâm canh. Khi ta ngăn cản, phía Trung Quốc đe dọa: “Nếu Việt Nam động đến người dân Trung Quốc hoặc thu giữ dụng cụ sản xuất, sẽ xảy ra xung đột, nổ súng”…
Trung Quốc dựng hàng rào dọc biên giới, khu vực mốc 450 (Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang), hiện nay. Ảnh: Mai Thanh Hải |
Cuộc đấu tranh giữ khu vực Lũng Ly không chỉ căng thẳng, phức tạp mà còn kéo dài suốt gần 20 năm sau đó, với những sự kiện nghiêm trọng như: Giữa tháng 3.1998, phía Trung Quốc phía huy động công nhân, binh lính xây dựng công trình quốc phòng tại mốc số 0 (nay là mốc 519). Khi ta phản kháng, Trung Quốc đưa lý do “xây tường rào để chắn trâu bò”; cuối tháng 11 và 12. 2003, Trung Quốc liên tục nổ mìn làm đường vào sâu trong đất ta ở khu vực Lũng Ly, Phìn Lò với lý do “để di chuyển cột mốc, phục vụ việc phân giới cắm mốc của 2 nước”… Lực lượng BĐBP đồn Lũng Làn (nay là Đồn BP Sơn Vĩ) và dân quân, người dân xã Sơn Vĩ đã kiên trì đấu tranh với phía bên kia, để giữ khu vực Lũng Ly.
BĐBP Hà Giang tặng gạo cho bà con dân tộc thiểu số khu vực biên giới Khó Trư (X.Phố Cáo, H.Đồng Văn, Hà Giang). Ảnh: Mai Thanh Hải |
Bảo vệ công binh rà phá bom mìn
Từ đầu năm 2000, BĐBP Hà Giang bắt đầu cùng các ngành chức năng thực hiện phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới của tỉnh. Trước khi diễn ra việc phân giới cắm mốc song phương, phía Trung Quốc thường chủ động khảo sát, thăm dò, lựa chọn những điểm có lợi để tạo ra những sự việc đã rồi, lấy ưu thế sau này khi phân giới cắm mốc.
Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn huấn luyện - cơ động thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang hành quân lên các địa bàn biên giới, làm nhiệm vụ hỗ trợ - bảo vệ lực lượng công binh rà phá bom mìn vật cản, phục vụ công tác phân giới cắm mốc, năm 2003. Ảnh: Tư liệu |
Đơn cử như: Tại Thanh Thủy (H.Vị Xuyên), ngày 5.3.2003, khi lữ đoàn công binh 543 (quân khu 2) rà phá bom mìn vật cản, phục vụ việc phân giới cắm mốc tại điểm cao 772, phía Trung Quốc cho 200 quân nhân vũ trang ra ngăn cản, nhằm chiếm điểm cao. BĐBP Hà Giang cùng nhân dân địa phương bám trụ thực địa, vừa bảo vệ công binh vừa đấu tranh; ngày 4.4.2003, phía Trung Quốc huy động binh lính ngăn chặn ta rà phá bom mìn ở điểm cao 1509 (X. Thanh Thủy, H. Vị Xuyên), với mục đích mở rộng vành đai chốt quân sự của họ ở khu vực này. Nắm được ý định đối phương, đồn trưởng Nguyễn Văn Hiền trực tiếp tổ chức lực lượng lên đấu tranh tại thực địa và dẫn đường, bảo vệ công binh…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra công tác phân giới cắm mốc tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tháng 2.2007. Ảnh: Tư liệu |
Đầu 2005, tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy - Thiên Bảo, cả 2 nước Việt Nam và Trung Quốc đều xây dựng Quốc môn của nước mình. Thấy bên ta kết hợp xây dựng kè đá sông Lô, đầu tháng 5.2005, phía Trung Quốc đe dọa công nhân ta và tuyên bố "biên giới còn vào sâu trong trạm kiểm soát BP Việt Nam". Với phương châm mềm dẻo, kiên quyết, không mắc mưu đối phương, BĐBP Hà Giang đã kiên trì đấu tranh và ngày 10.10.2008, đã tiến hành phân giới xong đoạn biên giới từ giữa cầu Thanh Thủy - Thiên Bảo, cắt ngang sông Lô đến mốc giới số 262… (còn tiếp)
… “Những năm 80, hàng chục cán bộ chiến sĩ BĐBP Hà Giang đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần tra biên giới, bị vấp phải mìn do phía Trung Quốc gài phục. Nhiều nhất là ở đồn BP Lũng Cú (Đồng Văn), như: ngày 14.6.1984, hạ sĩ Nguyễn Thanh Hải (sinh 1960, quê Hải Hậu, Nam Định) hy sinh tại Ma Lé; ngày 24.3.1985, binh nhất Hoàng Văn Thạch (sinh 1962, quê Hàm Yên, Tuyên Quang) hy sinh tại Lũng Cú; ngày 15.6.1985, binh nhất Hoàng Văn Liệu (sinh 1963, quê Hàm Yên, Tuyên Quang) hy sinh tại Ma Lé; ngày 3.4.1990, hạ sĩ Nguyễn Văn Hồng (sinh 1969, quê Yên Thế, Bắc Giang) hy sinh tại Lũng Táo… Ở địa bàn đồn BP Săm Pun (nay là đồn BP Xín Cái), ngày 24.2.1987, cả 2 chiến sĩ Lưu Văn Kết và Lương Văn Cắm cùng hy sinh khi đang tuần tra biên giới Săm Pun.
Đặc biệt, có 4 liệt sĩ mất tin mất tích trong khi chiến đấu, nghi là bị thám báo Trung Quốc bắt cóc, thủ tiêu như: binh nhì Ma Ngọc Khu (sinh 1968, quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang), chiến sĩ đồn BP Lũng Cú, hy sinh ngày 11.5.1988; hạ sĩ Hoàng Văn Nhất (sinh 1967, quê Sơn Dương, Tuyên Quang), chiến sĩ đồn BP Sủng Là, hy sinh 26.6.1988; binh nhì Ứng Doãn Mạnh (sinh 1969, quê Phú Xuyên, TP. Hà Nội), chiến sĩ đồn BP Pà Vầy Sủ, hy sinh ngày 7.7.1988; binh nhất Lìu Seo Sơn (sinh 1968, quê Hoàng Su Phì, Hà Giang), chiến sĩ đồn BP Thàng Tín, hy sinh 31.7.1988”…
(Nguồn: BĐBP Hà Giang)
|
Theo Mai Thanh Hải (TNO)