Phóng sự - Ký sự

Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá-Kỳ cuối: Những 'thương binh không thẻ'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
'Bộ đội làm nhiệm vụ, có bề gì còn được xét chế độ thương binh liệt sĩ. Hàng nghìn bà con nhân dân sát cánh suốt vài chục năm, cũng bị thương tích, khi giữ chủ quyền, nhưng rất khó để xét tiêu chuẩn. Chúng tôi đã rất nhiều lần đề nghị việc này', đại tá Lưu Đức Hùng, Chính ủy BĐBP Hà Giang nói vậy.
Nằm trước mũi xà beng
Đầu năm 1994, anh thanh niên Chào Chỉn Xiền (thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái, H.Mèo Vạc) đi bộ lên trụ sở xã Xín Cái gặp Bí thư Vàng A Lử, năn nỉ: “Tôi 21 tuổi rồi. Cho tôi đi bộ đội, đánh Trung Quốc. Chúng nó ác như con hổ, cứ đuổi dân Lùng Vần Chải để cướp đất”. Bí thư Lử bảo: “Bây giờ chỉ đấu tranh giữ đất thôi” và cho Xiền vào trung đội dân quân xã, trực chống lấn chiếm.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, tại xã Thanh Thủy, H.Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: Độc Lập
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, tại xã Thanh Thủy, H.Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: Độc Lập

Anh Chào Chỉn Xiền (trái) kể chuyện chống lấn chiếm với chỉ huy đồn BP Xín Cái. Ảnh: Mai Thanh Hải
Anh Chào Chỉn Xiền (trái) kể chuyện chống lấn chiếm với chỉ huy đồn BP Xín Cái. Ảnh: Mai Thanh Hải
Ở chốt rất vất vả, ăn ở tạm bợ trong mấy cái lán, giấc ngủ đêm chập chờn, sẵn sàng bật dậy khi dân binh Trung Quốc mò sang. Thế nhưng, Xiền và anh em dân quân không hề kêu ca 1 nửa lời, khổ quá lại bảo nhau: “Mấy đứa bộ đội nhà dưới xuôi, mà lên đây giữ nhà cho mình, mình phải gắng chứ”.
Nói chuyện với tôi, anh Chào Chỉn Xiền (năm nay 49 tuổi, hiện là trưởng thôn Lùng Vần Chải) kể: Đầu 1997, phía Trung Quốc làm đường tuần tra biên giới và cố tình lấn sang đất ta, để có lợi cho việc hoạch định biên giới sau này.

Chỉ huy đồn BP Săm Pun (trái) đấu tranh với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc ngoài thực địa, năm 1996. Ảnh: Tư liệu
Chỉ huy đồn BP Săm Pun (trái) đấu tranh với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc ngoài thực địa, năm 1996. Ảnh: Tư liệu
Ngày 17.2.1997, lợi dụng trời rét, gần 200 dân binh Trung Quốc mở đường từ biên giới vào xóm Lùng Vần Chải. Ta quyết liệt đấu tranh, nhưng do sương mù dày đặc, quân số ít nên ta chặn chỗ này thì chỗ khác họ lại mở mới. Có những lúc, lực lượng ta phải nằm xuống đất, trước mũi xà beng để ngăn chặn. Sau hơn 2 giờ đồng hồ giằng co, phía dân binh Trung Quốc đã làm được khoảng 700m đường. Sau đó, phía Trung Quốc đưa dân binh ra canh giữ đường và định mở rộng thêm. “Đêm lạnh đến âm độ, bọn Trung Quốc không chịu được phải đốt lửa sưởi. Lúc ấy chúng tôi mới chia nhau thành nhóm, phá bỏ các đoạn đường và 10 ngày sau, phá bỏ hoàn toàn”, anh Xiền kể vậy và rành rọt: “Sau này, tôi nói chuyện với người quen bên Trung Quốc, mới biết là mỗi hộ dân giáp biên bị ép phải làm sang phía Việt Nam 2m đường. Nếu hoàn thành, sẽ được trả 5 NDT/1m. Nếu không làm được, sẽ bị phạt rất nặng”…
Búa tạ đập nát “mốc giả”
Đến thôn Sín Phìn Trư (X. Thượng Phùng), hỏi “chuyện ngày xưa”, ai cũng chỉ nhà ông Già Chúng Xà (70 tuổi), bảo: “Ông ấy làm trung đội trưởng dân quân suốt 40 năm”. Hỏi chuyện, ông Xà cười: “Mình thuộc từng hòn đất, cái lá cây ở đây nên xã cứ bảo mình làm mãi” và kể: Ngoài điểm nóng Lùng Vần Chải, năm 1997, phía Trung Quốc còn mở đường trái phép sang Sín Phìn Chư.

Ông Giàng Chúng Xà kể lại chuyện bảo vệ chủ quyền với cán bộ đồn BP Xín Cái. Ảnh: Mai Thanh Hải
Ông Giàng Chúng Xà kể lại chuyện bảo vệ chủ quyền với cán bộ đồn BP Xín Cái. Ảnh: Mai Thanh Hải
Sáng 9.3.1997, khoảng 50 dân binh Trung Quốc được lực lượng vũ trang hỗ trợ, lợi dụng sương mù, mở đường sang khu vực Sín Phìn Chư. Lực lượng tuần tra của Đồn BP Săm Pun (nay là Đồn BP Xín Cái) phát hiện, tổ chức nhân dân đấu tranh ngăn chặn. Dân binh Trung Quốc dùng cuốc xẻng, dao gậy tấn công lực lượng ta làm 21 người bị thương (trong đó có 4 bị thương rất nặng). Ta vẫn kiên quyết bám trụ đấu tranh bằng mọi cách và đến 14 giờ, dân binh Trung Quốc rút về bên kia.

Phút nghỉ hiếm hoi của tổ công tác chống lấn chiếm, đồn Bp Săm Pun (nay là đồn BP Xín Cái), năm 1995. Ảnh: Tư liệu
Phút nghỉ hiếm hoi của tổ công tác chống lấn chiếm, đồn Bp Săm Pun (nay là đồn BP Xín Cái), năm 1995. Ảnh: Tư liệu
Khoảng 1 tiếng sau, lợi dụng lúc sương mù dày đặc, khoảng 60 dân binh và binh lính Trung Quốc khiêng 1 tảng đá (dài 0,8m; rộng 0,7m; dày 0,4m có đục lỗ ở giữa 30 x 30 cm), nghi là chân đế cột mốc, sang đất ta. Khi bị BĐBP đồn Săm Pun cương quyết ngăn chặn, phía Trung Quốc tăng cường hơn 100 binh lính mang theo vũ khí, tạo thành vòng tròn bảo vệ cho dân binh khiêng tảng đá đi vào đất Sín Phìn Trư khoảng 150m so với đường biên hiện quản và chôn chìm xuống đất. Hai bên giằng co xô đẩy đến rạng sáng ngày 10.3.1997.

BĐBP Hà Giang xuống bản làm công tác vận động quần chúng, năm 1997. Ảnh: Tư liệu
BĐBP Hà Giang xuống bản làm công tác vận động quần chúng, năm 1997. Ảnh: Tư liệu
“5 giờ sáng hôm sau 10.3.1997, lính Trung Quốc rút về ăn cơm. Ngay lập tức, BĐBP Đồn Săm Pun và dân quân đào tảng đá lên và dùng búa tạ đập nát. Vừa xong thì 40 lính bảo vệ 10 sĩ quan Trung Quốc đến kiểm tra tảng đá. Thấy bị đập, chúng rất tức tối, chửi mắng nhau và quay sang đe dọa: Khu vực này sẽ thuộc về đất Trung Quốc, mở tuyến đường từ Lùng Vần Chải lên Sín Phìn Chư” - Ông Già Chúng Xà kể vậy và cười: “Giờ, đất này vẫn của dân Sín Phìn Trư”…
Vào giữa bãi mìn, chấp nhận hy sinh

Anh Lò Giáo Giàng kể lại chuyện cùng BĐBP bảo vệ biên giới, những năm 90. Ảnh: Mai Thanh Hải
Anh Lò Giáo Giàng kể lại chuyện cùng BĐBP bảo vệ biên giới, những năm 90. Ảnh: Mai Thanh Hải
Lò Giáo Giàng, là người Dao ở thôn Lùng Vần Chải (X. Xín Cái). 43 tuổi, Giàng thoăn thoắt điều hành cái xưởng nghiền đá xây dựng cạnh biên giới, có tình hình bất thường là gọi điện báo ngay cho bộ đội Đồn BP Xín Cái. Hỏi ra mới biết, Giàng gia nhập dân quân từ năm 14 tuổi, tham gia mọi trận chống lấn chiếm và cũng bị lính Trung Quốc đánh đập vài lần: “Bên nó kéo sang cầm dao dọa giết, mình không sợ đâu, mang gậy ra đánh lại. Mình chất sẵn mấy đống đá trên đồi, cứ nó sang dọa nạt đuổi bà con là mình ném lại. Có lần mình ném hăng quá, hết cả đá, quay lại nhìn thì bà con mình đã chạy hết. Lính Trung Quốc ào lên bắt mình và đánh rất dã man. Toàn lính đánh thôi, dân bên ấy họ tránh ra hết vì đều quen thân, lạ gì nhau”, Lò Giáo Giàng hồn nhiên kể vậy và gật gù: “Bộ đội đồn Săm Pun lì lắm, còn đứng giữa bãi mìn ngăn Trung Quốc”…

Một đoạn biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hình chụp từ chốt quản lý bảo vệ biên giới thuộc đồn BP Xín Cái (H.Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Mai Thanh Hải
Một đoạn biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hình chụp từ chốt quản lý bảo vệ biên giới thuộc đồn BP Xín Cái (H.Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Mai Thanh Hải
Hỏi chuyện “vào bãi mìn”, đại tá Vũ Duy Quyết (nguyên đồn trưởng BP Săm Pun thời điểm 1996 - 2006) kể: Từ tháng 5 đến tháng 7.1998, phía Trung Quốc cho công binh rà phá vật cản ở một số bãi mìn trên biên giới, với mục đích rà phá xong, sẽ cho dân sang canh tác và nhận là đất Trung Quốc. BĐBP Đồn Xín Cái đã cương quyết ngăn chặn, thu giữ 30 quả mìn ống. Thậm chí, thiếu úy Nguyễn Hữu Công (năm 2018 nghỉ hưu, đeo hàm thiếu tá) đã dũng cảm vào giữa bãi mìn, không cho công binh Trung Quốc phá nổ, chiếm đất.

Thiếu tá Hoàng Ngọc Cửu (nay là thượng tá, chính trị viên tiểu đoàn huấn luyện - cơ động, BĐBP Hà Giang hướng dẫn cán bộ xã Nghĩa Thuận (H.Quản Bạ, Hà Giang) sử dụng công nghệ thông tin, năm 2001. Ảnh: Tư liệu
Thiếu tá Hoàng Ngọc Cửu (nay là thượng tá, chính trị viên tiểu đoàn huấn luyện - cơ động, BĐBP Hà Giang hướng dẫn cán bộ xã Nghĩa Thuận (H.Quản Bạ, Hà Giang) sử dụng công nghệ thông tin, năm 2001. Ảnh: Tư liệu
Từ năm 1992 - 1998, BĐBP Săm Pun đã dũng cảm, khôn khéo đấu tranh giữ gìn nguyên trạng đường biên mốc giới và một số cán bộ chiến sĩ đã bị thương. Ngày 3.8.1995, đồn BP Săm Pun được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT do có thành tích trong đấu tranh chống lấn chiếm.

Cán bộ chiến sĩ đồn BP Săm Pun cấp cứu đồng đội bị thương khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Tư liệu
Cán bộ chiến sĩ đồn BP Săm Pun cấp cứu đồng đội bị thương khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Tư liệu
Đại tá - thương binh Vũ Duy Quyết, nguyên đồn trưởng BP Săm Pun bảo: “Hàng ngàn hàng vạn người dân Mèo Vạc, Hà Giang kiên cường giữ đất từ bao năm nay, rất nhiều người bị thương tích do bom mìn, gạch đá, gậy gộc trong khi cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền. Họ mới thực sự là thương binh, tuy không thẻ” và chắc nịch: “Vũ khí hiện đại đến đâu, cũng khó hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ biên cương, nếu không có sự đồng lòng ủng hộ của người dân biên giới”…
… “Ngày 12.2.2004, BĐBP đồn Lũng Cú phát hiện 30 công nhân Trung Quốc (có 20 binh lính vũ trang bảo vệ), bắc cầu tạm qua sông Nho Quế sang thôn Xéo Lủng (xã Lũng Cú, H.Đồng Văn), định xây dựng cầu bê tông sang ta.
Từ ngày 13.2 - 20.3.2004, BĐBP Lũng Cú đã cùng nhân dân đấu tranh và tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, canh gác 24/24 giờ tại bờ sông Nho Quế.
Từ ngày 15.2.2004, đồn BP Lũng Cú liên tục viết thư phản kháng và mời hội đàm với Trạm kiểm soát Biên cảnh Mã Lâm (Trung Quốc) về việc vi phạm hiệp định tạm thời. Phía Trung Quốc không nhận hội đàm… Ngày 25.2.2004, phía Trung Quốc nhận hội đàm tại thực địa và phá bỏ cầu gỗ bắc sang đất ta.
Ngày 28.2.2004, Đồn BP Lũng Cú tổ chức hội đàm với Trạm Hội ngộ hội đàm Đổng Cán của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Phía Trung Quốc không thừa nhận việc vi phạm hiệp định tạm thời, mà nêu lý do: “Do hai bên nhận thức khác nhau về diện tích khu vực này”… Tuy nhiên, trước những căn cứ ta đưa ra, họ phải đồng ý dừng thi công và khôi phục hiện trạng ban đầu”…
(Nguồn: BCH BĐBP Hà Giang)
Theo Mai Thanh Hải (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm