Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Giữ rừng ngày cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO) - Lợi dụng những địa bàn giáp ranh xa xôi, địa hình chia cắt, hiểm trở hay vào các dịp lễ, Tết, các đối tượng lâm tặc ngang nhiên phá rừng. Điều này cho thấy công tác quản lý bảo vệ rừng luôn đặt ra nhiều thách thức và áp lực đối với các ngành chức năng và chủ rừng.
Các đối tượng lâm tặc thường “tranh thủ” phá rừng vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Khi bị chủ rừng hoặc lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng này nhanh chóng di chuyển sang địa bàn khác. Chính vì vậy, lực lượng chức năng rất khó khăn để ngăn chặn và xử lý. Đơn cử, vào khoảng 9 giờ sáng 13-2, tức ngày 28 tháng Chạp, trong quá trình tuần tra mật phục, người dân làng Kon Pơ Dram (xã Hà Đông) cùng kiểm lâm viên địa bàn thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa phát hiện 5 đối tượng đang có hành vi khai thác lâm sản trái phép.
Sau khi cưa hạ cây thông cổ thụ, lâm tặc xẻ thành nhiều hộp còn nằm vương vãi ở khu vực giáp ranh
Sau khi cưa hạ cây thông cổ thụ, lâm tặc xẻ thành nhiều hộp còn nằm vương vãi ở khu vực giáp ranh. Ảnh: M.N
Khu vực diễn ra vụ phá rừng là vùng rừng giáp ranh-một bên do UBND xã Hà Đông giao khoán cho cộng đồng làng Kon Pơ Dram quản lý, bảo vệ và bên kia do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Rẫy (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) quản lý. Để đến được rừng khu vực giáp ranh này, từ UBND xã Hà Đông, chúng tôi phải đi bộ hơn 10 km đường rừng, mất hơn 3 giờ mới đến được nơi lâm tặc khai thác gỗ trái phép.
Tại hiện trường, đập vào mắt chúng tôi là hơn chục lóng gỗ đã được xẻ hộp nằm ngổn ngang giữa khu vực giáp ranh. Cách đó không xa là một gốc cây thông đang còn ứa nhựa, những vết hằn xước trên thân cây cho thấy dấu vết vận chuyển còn mới nguyên. Phía bên kia đường phân định ranh giới giữa 2 tỉnh là lán trại nơi lâm tặc “đóng quân”, một chiếc xe độ chế bị lâm tặc đốt phi tang đang cháy dang dở.
Theo thông tin kiểm đếm của lực lượng chức năng, tại hiện trường có khoảng 15 lóng gỗ xẻ hộp và 2 lóng gỗ tròn với khối lượng 5,6m3 gỗ dổi (nhóm III) và thông (nhóm IV). Trong đó, có 1 cây thông 5 lá có đường kính khoảng 50 cm mới bị đốn hạ và bị lâm tặc xẻ thành 3 hộp với khối lượng hơn 1,9 m3; 3 cây khác được lực lượng chức năng xác định đã cũ, bị cưa hạ cách đây hơn 2 năm. 
Đánh dấu số gỗ
 Tại hiện trường, lực lượng chức năng xác định có khoảng 15 lóng gỗ xẻ hộp và 2 lóng gỗ tròn với khối lượng 5,6m3 gỗ dổi và thông. Ảnh: M.N
Theo anh Nglur-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Hà Đông, trong lúc cùng người dân làng Kon Pơ Dram và kiểm lâm viên địa bàn thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa đi kiểm tra rừng khu vực giáp ranh này, tổ tuần tra phát hiện lán trại của các đối tượng lâm tặc và một xe độ chế dùng để vận chuyển gỗ. Kiểm tra khu vực xung quanh thì phát hiện nhiều hộp gỗ vừa mới bị cưa xẻ nằm ngổn ngang tại khu vực rừng giáp ranh, ngay lập tức tổ tuần tra vừa tổ chức canh giữ hiện trường, vừa thông báo về xã và các cơ quan chức năng của huyện.
Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, 5 đối tượng lâm tặc trở về lán trại thì đụng độ với tổ tuần tra. Các đối tượng này cho rằng số gỗ trên được cưa xẻ là thuộc phía rừng tỉnh Kon Tum, tại sao lực lượng chức năng bắt giữ? Thấy lâm tặc trên tay lăm lăm dao rựa, lại có thái độ hù dọa, manh động nên tổ tuần tra không dám tiếp cận mà đành để nhóm lâm tặc rời đi sau khi đốt xe độ chế hòng phi tang vật chứng. 
Ông Nguyễn Chín-Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Hà Đông (Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa) nhận định: Các đối tượng khai thác và vận chuyển trái phép số gỗ trên sinh sống ở tỉnh Kon Tum. “Chắc chắn số gỗ này từ đây sẽ được vận chuyển qua hướng Kon Tum chứ tại Gia Lai thì không thể đi được vì không có đường giao thông, đi bộ đã khó rồi nói chi đến chuyện vận chuyển gỗ”-ông Chín khẳng định. 
Lâm tặc mở đường để thuận tiện cho việc vận chuyển cây gỗ từ rừng ra khu vực đường giáp ranh
Lâm tặc mở đường để thuận tiện cho việc vận chuyển cây gỗ từ rừng ra khu vực đường giáp ranh. Ảnh: M.N

 
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Hạt Kiểm lâm, Công an, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Đoa, lực lượng công an, dân quân xã Hà Đông cùng các ngành chức năng gồm: Đội Kiểm lâm cơ động số 2 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Đội liên ngành số 2 của tỉnh đã chủ động, khẩn trương có mặt tại hiện trường. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) để xác minh, làm rõ vụ việc. 
Theo ông Trần Minh Thế-Công ty TNHH một thành viên Kon Rẫy: “Ngay khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi lập tức tổ chức lực lượng phối kết hợp làm rõ vụ việc. Công ty với các ngành hữu quan của huyện Đak Đoa và xã Hà Đông đã ký quy chế phối hợp, thường xuyên phối hợp để tuần tra bảo vệ rừng ở khu vực này hẻo lánh, nơi các đối tượng thường lén lút chặt phá rừng. Công ty đã thành lập 5 chốt để quản lý các tuyến đường và lâm phần trực tiếp tại khu vực giáp ranh, UBND huyện cũng thành lập các chốt liên ngành để kiểm soát các tuyến đường với nhiều lực lượng chức năng tham gia như kiểm lâm, công an, dân quân…”. 
Lực lượng chức năng đo đếm xác định khối lượng gỗ bị thiệt hại. Ảnh: M.N
Lực lượng chức năng đo đếm xác định khối lượng gỗ bị thiệt hại. Ảnh: M.N
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa khẳng định: UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra quản lý, bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đối với vụ việc trên, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng có mặt tại hiện trường để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. 
Thời điểm này, chỉ còn 1 ngày nữa là Tết đến. Khi người người đang quay quần bên gia đình chuẩn bị đón năm mới thì giữa rừng sâu vẫn còn nhiều lực lượng đang thầm lặng ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. Đặc biệt trong dịp Tết, ở những khu vực giáp ranh, trước mối lo rừng bị xâm hại trong dịp Tết, lúc nào các lực lượng chức năng cũng trong tâm thế sẵn sàng đón Xuân giữa rừng.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm