Giúp con tự học mùa dịch COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Tình cờ, tôi nghe hàng xóm than với bạn: "Chị mong dịch bệnh này sớm qua chứ kéo dài kiểu này hai đứa con ở nhà chắc phải học lại kỳ I.
 

Tạo môi trường cho trẻ tự do sáng tạo cũng là một cách khuyến khích tự học - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tạo môi trường cho trẻ tự do sáng tạo cũng là một cách khuyến khích tự học - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tự học không những giúp học sinh không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn trang bị cho các em năng lực, hứng thú, thói quen, có phương pháp tự học thường xuyên và suốt đời.

 



"...Ngày nào cũng vậy hai con cứ ngồi lỳ ở phòng khách chiếm lấy ti vi xem hết chương trình này đến chương trình khác, không chịu ôn bài. Cấm xem tivi thì hai đứa ngồi tán dóc hoặc chơi game trên điện thoại. Thấy con người ta đến giờ học tự giác ngồi vào bàn học, cha mẹ không phải nhắc nhở mà phát ham".

Người kia hỏi: "Các cháu không tự học được hả chị?". Chị ngạc nhiên: "Tự học là gì? Cái đó thầy cô ở trường phải dạy chứ. Vợ chồng tôi lu bu công việc suốt ngày, tối về mệt phờ, đâu có thời gian mà dạy. Thôi gửi thầy cô dạy thêm". Suy nghĩ của chị cũng là tình trạng chung của các bậc phụ huynh nhiều năm qua: việc học là của nhà trường.

Từ khi bùng phát COVID-19, học sinh phải nghỉ học một thời gian dài, nhiều người mới nhận ra rằng rất nhiều học sinh không biết tự học, hay nói cách khác là không có phương pháp tự học. Và từ đó, trước nhu cầu của phụ huynh, học sinh và xã hội, ngành giáo dục phải tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua tivi.

Nhớ lại thời điểm mùa lũ năm 1978 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khi đó tình hình đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Học sinh phải nghỉ tránh lũ một thời gian dài mà chẳng ai nhắc đến việc quên kiến thức.

Bởi lẽ ngoài việc giúp đỡ gia đình mưu sinh, ai cũng có ý thức tự ôn tập hoặc học nhóm với bạn bè. Chính vì vậy, cả nhà trường lẫn gia đình không phải lo lắng về kiến thức học sinh sau khi đi học trở lại.

Tự học là một vấn đề không có gì mới mẻ, là nhu cầu của từng cá nhân muốn tự vươn lên để chiếm lĩnh tri thức nhân loại. Bằng nhiều con đường, bằng nhiều cách khác nhau, mỗi người có cách tự học riêng cho mình. Để tránh việc mày mò đi lệch hướng, mất thời gian, việc tự học cần được sự hướng dẫn của người thầy. Đây là vấn đề mang tính quyết định nhất.

Người thầy trên lớp phải biết gợi ý, tạo tình huống có vấn đề để học sinh buộc phải suy nghĩ. Việc này phải thực hiện thường xuyên, liên tục và có đánh giá cho điểm, nhận xét khuyến khích tạo động lực cho các em học đều đặn ở nhà.

Để học sinh tự nghiên cứu trước sách giáo khoa ở nhà, giáo viên không nên chỉ đơn giản là nhắc các em đọc trước bài mới, mà cần nêu cụ thể câu hỏi mà khi đọc xong bài mới các em có thể trả lời được. Điều cốt lõi của tự học tức là không có sự tương tác thầy trò, học sinh phải tự lực thông qua tài liệu, qua hoạt động thực tế, qua thí nghiệm để chiếm lĩnh kiến thức.

Ở nhà, đầu tiên phải quán triệt tư tưởng "việc học là của con" nhưng không có nghĩa là cha mẹ bỏ lơ, không ngó ngàng gì đến việc học của con.

Hãy cùng con sắp xếp thời khóa biểu và thời gian học của con cho hợp lý. Thời gian đầu có thể cha mẹ cùng chơi, cùng đọc sách, cùng học, khuyến khích con khám phá những cái mới. Điều quan trọng là cha mẹ phải xác định được điểm mạnh, điểm yếu của con.

Khi biết điểm yếu của con thì không nên khoét sâu, chì chiết và không đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Ngược lại giúp đỡ con khắc phục điểm yếu, phát huy những điểm mạnh, như thế các em mới có hứng thú học, hứng thú khám phá cái mới.

Đặc biệt, trong gia đình, cha mẹ, người thân không nên so sánh con với bạn bè từ lâu biết tự học. Ngược lại thường động viên, khuyến khích khi con em mình tự giải một bài tập hoặc đọc một quyển sách hay, gợi ý cho con cái tìm hiểu việc tự học của các nhà bác học, nhà khoa học nổi tiếng thời niên thiếu.

 


Điều kiện khó khăn nhưng thành tích cao

Những năm qua, việc học tập ngày càng nặng nề, cha mẹ học sinh "buộc phải" lao vào vòng xoáy cho con em đi học thêm nhiều môn. Còn học sinh ngoài học chính khóa còn được phụ đạo, bồi dưỡng, học thêm... nhưng kết quả chưa như mong muốn. Ngược lại, tại một số nơi tuy xa đô thị, điều kiện học tập chưa tốt lắm nhưng nhiều em vẫn đạt thành tích cao trong học tập, giữ được phong độ học ở trường chuyên của tỉnh và cả khi vào đại học. Một nguyên nhân cần được quan tâm đó là niềm tin bản thân, ý thức, thói quen và phương pháp tự học.



Theo LÊ QUANG HUY (giáo viên Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang)
Dẫn nguồn từ TTO

Có thể bạn quan tâm