Phóng sự - Ký sự

Giúp người đoạn tuyệt "nàng tiên nâu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có trong tay phương thuốc bí truyền giúp cắt cơn nghiện ma túy, ông Nguyễn Mạnh Cường (SN 1957, thôn 3, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mở cơ sở tư vấn và cắt cơn cai nghiện ma túy tự nguyện Nhân Hòa, giúp người lầm lỡ đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, làm lại cuộc đời.

Bí quyết cắt cơn

 

Hướng dẫn người cai nghiện tập thể thao.
Hướng dẫn người cai nghiện tập thể thao.

Ông Cường quê ở Thanh Hóa, vào Tây Nguyên hành nghề lái xe từ năm 1977. Đến năm 2006, anh trai ruột ông là Nguyễn Quang (một trong những người đầu tiên nghiên cứu, chế tạo ra bài thuốc dân gian cắt cơn nghiện ma túy được Bộ Lao động - Thương binh  và Xã hội cấp phép năm 1996, chủ cơ sở tư vấn và cắt cơn nghiện ma túy Nhân Hòa ở tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) bị tai nạn giao thông, sức khỏe suy yếu nên gọi ông về phụ giúp. “Lần đầu tiếp xúc với người nghiện, tôi sợ lắm. Về sau khi cùng ăn, cùng ở với họ tôi chợt nhận ra họ thật đáng thương nên quyết tâm học nghề, giúp người lầm lỡ làm lại cuộc đời”, ông Cường kể lại chuyện ngày mới vào nghề. Bốn năm theo học, ông được anh trai truyền lại bài thuốc quý và đồng ý cho ông mở cơ sở cai nghiện tại Đắk Lắk, để tiếp tục hành trình diệt ả phù dung.

Đến cơ sở cai nghiện Nhân Hòa vào một buổi sáng đẹp trời cuối tháng 8, chúng tôi khá bất ngờ bởi cơ sở cũng chính là nơi sinh sống của gia đình ông hơn chục năm qua. Trong nhà, người cai nghiện đi lại, nói chuyện tự nhiên, khác hẳn với cảnh cách ly, kêu gào, vật vã như cách cai nghiện thường thấy. Hỏi phương pháp điều trị, ông Cường chia sẻ: thời gian cắt cơn nghiện thường mất 7 -10 ngày. Ba ngày đầu, người nghiện được cho uống thuốc an thần kinh Heantos4, mỗi ngày 2- 3 lần và uống thêm một loại thuốc bí truyền của gia đình để người nghiện có một giấc ngủ sâu kéo dài 3 ngày đêm làm quên đi cơn thèm ma túy. Tuy ngủ say nhưng các nhu cầu sinh lý như đói thèm ăn, khát thèm uống… họ vẫn ý thức được. Đây là giai đoạn quan trọng nên ông Cường luôn có mặt bên cạnh để chăm sóc, theo dõi. Dứt cơn, người nghiện chuyển sang quá trình tập luyện thể thao phục hồi sức khỏe, sau đó trở về nhà  tiếp tục uống thuốc chống tái nghiện. Sở hữu trong tay bài thuốc quý song ông Cường khẳng định: Đối với “bệnh” nghiện thì dù có thuốc thánh vẫn không trị được nếu người bệnh không quyết tâm cao độ, ý chí sắt đá. Ai đến đây, ông đều hỏi rõ xem có quyết tâm cai hay không  bởi có nhiều trường hợp sau khi cắt cơn quay về nhà bị bạn xấu rủ rê, lại tái nghiện.

Giúp người nghiện hoàn lương

 

Ông Nguyễn Mạnh Cường lật giở cuốn nhật ký.
Ông Nguyễn Mạnh Cường lật giở cuốn nhật ký.

Hơn 10 năm hành nghề, ông Cường đã tư vấn, cắt cơn cho hàng nghìn người nghiện ma túy trên khắp cả nước. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận đều được ông ghi chép cẩn thận vào từng trang nhật ký. Thời gian trôi qua, chồng nhật ký cứ dày lên từng ngày khiến ông trăn trở “người nghiện nhiều quá, biết khi nào mới hết”.

Trong vô số người đến cắt cơn, ông ấn tượng nhất với Vũ (SN 1990, Bình Phước). Giữa trưa tháng 10-2013, Vũ đến nhà ông với bộ dạng gầy nhom, đang lên cơn, tay chân run rẩy, không có một đồng dính túi. Ông dìu vào nhà cho uống thuốc, rồi trả tiền xe thồ thay Vũ. Sau khi  dứt cơn, Vũ  trải lòng: Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi bước nữa, sống với người dượng nát rượu, Vũ thường bị đánh mắng vô cớ. Chán nản, Vũ bỏ học theo đám bạn lêu lổng rồi nghiện lúc nào không hay. Đến khi giật mình nhìn lại mới thấy thương mẹ già tóc bạc, lưng còng hao mòn vì con, nên quyết tâm cai nghiện. Không có tiền, Vũ tự trói mình ở nhà nhưng quá đau đớn, vật vã nên tìm đến ông Cường. Thương cảm hoàn cảnh cũng như nhìn thấy khao khát tìm lại chính mình của Vũ, ông Cường quyết định giúp. Ngày về, anh cảm ơn ân nhân và hứa dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không sa ngã nữa.

 

Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Nhân Hòa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động lần đầu từ năm 2013 đến 2023. Đây là cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Cơ sở  được trang bị đầy đủ tiện nghi tư vấn điều trị, sử dụng các loại thuốc cai nghiện được Bộ Y tế cho phép. Mỗi đợt điều trị từ 7-10 ngày, mỗi đợt điều trị tối đa 10 người.

Nếu như bi kịch gia đình đẩy Vũ sa chân vào con đường nghiện ngập thì một phút nông nổi của tuổi trẻ lại biến Phong (SN 1990, Kon Tum) thành con nghiện trường kỳ. Là quý tử của gia đình quyền thế, được cung phụng đủ điều nhưng Phong vẫn chưa thấy đủ. Học phổ thông Phong tìm đến ma túy để thử cảm giác lạ. Mỗi ngày anh đốt gần chục triệu đồng cho thú vui chết người. Từng đi cai nhiều nơi nhưng không thành, sau đó anh lên cơ sở Nhân Hòa cắt cơn với ý định “giảm đô” nhưng khi tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, Phong  nhận ra mình đã phí quá nhiều thời gian, tiền bạc và cả tuổi trẻ vào ma túy nên lần này quyết bỏ hẳn làm lại cuộc đời.

Ông  Nguyễn Văn Bình, chuyên viên Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk) cho biết mỗi năm cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Nhân Hòa tiếp nhận điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe cho khoảng 150 đến 200 lượt người nghiện trong và ngoài tỉnh. Cơ sở ra đời đáp ứng nhu cầu điều trị cắt cơn, giải độc cho khoảng 10-20% số người nghiện ma túy trên toàn tỉnh, góp phần làm giảm áp lực về ngân sách địa phương, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa dịch vụ điều trị của người nghiện và phù hợp với chủ trương xã hội hóa công tác chữa trị, cai nghiện ma túy.

Huỳnh Thủy/tienphong

Có thể bạn quan tâm