Giúp người khuyết tật tự vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, với sự trợ giúp, động viên về tinh thần và vật chất của các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, đời sống người khuyết tật đã có những đổi thay đáng kể. Nhiều người trong số họ đã tự tin, nỗ lực tự vươn lên học tập, làm việc và tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Dù bị bại liệt từ nhỏ nhưng chị Đỗ Thị Khánh Ly (thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) vẫn luôn cố gắng vươn lên. Ngoài việc dạy kèm cho trẻ em trong thôn, chị Ly còn tự nuôi được bản thân nhờ việc nhận đơm cúc áo và thêu cho những tiệm may quanh vùng. “Công việc nào tôi cũng yêu thích. Dù bận việc cả ngày nhưng kiếm được đồng tiền bằng sức lao động của mình, tôi thấy hạnh phúc lắm!”-chị Ly tâm sự.

 

Tặng xe lăn cho người khuyết tật. Ảnh. Đ.Y
Tặng xe lăn cho người khuyết tật. Ảnh. Đ.Y

Cũng có được cuộc sống ổn định sau nhiều nỗ lực vươn lên là anh Rơ Mah Thơm (ở xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Mặc dù bị mù hai mắt từ nhỏ nhưng anh Thơm vẫn tìm được con đường sáng cho cuộc đời mình khi tham gia lớp nghề xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền cho người mù tại Trung tâm Dạy nghề phục hồi chức năng Thừa Thiên-Huế. Năm 2013, nhờ sự trợ giúp của Hội Người mù tỉnh, sau khi tốt nghiệp khóa học trở về, anh Thơm được tạo việc làm tại Cơ sở dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt của Hội ở 21 Nguyễn Du (TP. Pleiku) . Kiên trì vượt qua những khó khăn ban đầu cùng tinh thần chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng làm nghề, anh ngày càng nâng cao tay nghề, được nhiều người biết đến và có mức thu nhập trung bình trên 3 triệu đồng/tháng.     “Thu nhập tuy chưa phải là cao nhưng với người mù như tôi thì như thế cũng ổn định rồi. Cái chính là tự mình làm ra tiền để nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc gia đình; đó là niềm vui lớn nhất”-anh Thơm cho hay.  

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều tấm gương người khuyết tật đã tự vượt lên số phận để hòa nhập cộng đồng. Trong đó, ngoài nỗ lực của bản thân họ thì không thể không kể đến sự trợ giúp kịp thời, cần thiết của Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh và Hội Người mù tỉnh. Ông Trương Đình Ba-Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh, cho biết: Với vai trò là một tổ chức xã hội từ thiện, Hội thường xuyên thực hiện tốt các chính sách dành cho người khuyết tật; đồng thời là cầu nối với các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm trong việc triển khai các hoạt động trợ giúp, tạo điều kiện để người khuyết tật tự vươn lên. Tính riêng trong năm 2016, Hội đã vận động các cấp chính quyền, các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh gây quỹ được gần 1,7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã tổ chức các hoạt động bảo trợ cho hàng trăm đối tượng người khuyết tật như hỗ trợ vốn sản xuất, tặng bò sinh sản...

Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh thì một trong những mục tiêu hàng đầu của Hội là sát cánh, động viên, tạo động lực cho người mù. Đáng mừng là nhiều người mù rất nỗ lực tự vươn lên, sống có ích cho gia đình và xã hội. Trong 5 năm qua, Hội Người mù tỉnh đã làm mới và sửa chữa được 7 nhà ở cho người mù khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 300 triệu đồng; hỗ trợ cho 7 người mù mượn vốn phát triển chăn nuôi. Các dịp lễ, Tết, Hội thường xuyên đến thăm, tặng hàng trăm suất quà để tạo thêm điều kiện cho người mù vươn lên trong cuộc sống.

Hiện toàn tỉnh có gần 6.400 người khuyết tật. Trong số này, rất nhiều người có ý thức tự vươn lên trong cuộc sống nhưng phần lớn có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, đa phần người khuyết tật phải tự tạo công việc phù hợp, chứ rất ít cơ sở kinh doanh nhận hỗ trợ dạy nghề, nhận người khuyết tật vào làm việc. Đây chính là “rào cản” không nhỏ cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm