Giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cùng với việc nỗ lực điều trị cai nghiện, những năm qua, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện Ma túy (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) đã triển khai nhiều giải pháp để giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Khi được hỏi về khoảng thời gian đắm mình vào ma túy, học viên Đ.C.T. (22 tuổi, phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã khóc. T. khóc vì đã đua đòi theo đám bạn xấu dẫn đến nghiện ngập, phải dang dở chuyện học hành, đánh mất cả tương lai, bất chấp sự khuyên ngăn của bố mẹ. T. khóc vì cho rằng, mình chính là nguyên nhân khiến bố quá đau buồn mà qua đời...

 

Các học viên chăm sóc vườn rau. Ảnh: P.D
Các học viên chăm sóc vườn rau. Ảnh: P.D

T. trải lòng: “Ban đầu, em dùng ma túy là để chứng tỏ bản thân với nhóm bạn, nhưng không ngờ chỉ một lần duy nhất đã đánh mất nhiều thứ”. Để có tiền mua ma túy, mỗi ngày T. viện đủ mọi lý do nói dối bố mẹ, khi thì xin tiền học thêm, lúc lại sinh nhật bạn, ngoại khóa... Một năm sau, tần suất xin tiền tăng cao, gia đình mới theo dõi và phát hiện T. bị nghiện. Bố mẹ, anh chị quyết tâm giúp T. cai nghiện. Nhưng do không làm chủ được bản thân nên chỉ một thời gian ngắn sau khi cai nghiện thành công, T. tái nghiện. Gia đình buộc phải đưa T. vào Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện Ma túy để nhờ các thầy cô giúp đỡ. Vào cơ sở cai nghiện không lâu, T. hay tin bố qua đời và xin về chịu tang. Lần này, T. đã thật sự nhận ra lỗi lầm của mình và quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy. Hiện tại, T. đã dứt cơn nghiện và đang được học nghề sửa xe máy. “Sau khi tái hòa nhập cộng đồng, em sẽ học thêm để nâng cao tay nghề, hy vọng sau này kiếm một công việc ổn định, tránh xa cái xấu”-T. bộc bạch.

Khác với T., học viên L.T.S. (41 tuổi, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đã tự nguyện đăng ký vào Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện Ma túy để cai nghiện. “Gần đây, đầu óc mình không được bình thường, hay nhức đầu, nóng nảy và đập phá đồ đạc”-anh S. cho biết. Khi anh S. nói với gia đình về chuyện đi cai nghiện, cả nhà đều chảy nước mắt vì vui mừng. Bởi suốt 4 năm qua, bao nhiêu tiền bạc làm được từ công việc lái xe taxi, anh đều “nướng” sạch vào ma túy... “Sau hơn 1 tháng điều trị tại đây, được uống thuốc, sinh hoạt điều độ, mình đã dứt cơn, thấy sức khỏe ổn định, ngủ ngon, không còn bị giật mình như trước. Khoảng 3-6 tháng cai nghiện tại Cơ sở là mình có thể tái hòa nhập cộng đồng”-học viên S. phấn khởi.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện Ma túy, hiện cơ sở đang quản lý 119 học viên, trong đó có 69 học viên bắt buộc, 29 học viên tự nguyện và 21 học viên chờ xử lý. Ông Sơn cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy, có thể do ham chơi, đua đòi, thích thử cái mới; do không có việc làm ổn định; do thiếu sự quan tâm của gia đình; do thiếu sự hiểu biết về hiểm họa của ma túy tới sức khỏe, kinh tế; do đối tượng ma túy dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để lôi kéo...

Những năm qua, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện Ma túy đã thực hiện tốt công tác chữa bệnh, cắt cơn, giải độc, chăm sóc sức khỏe cho học viên theo phác đồ và quy trình điều trị. Cơ sở cũng tăng cường kiểm tra, giám sát học viên để kịp thời nắm bắt tình hình, hạn chế thẩm lậu ma túy, điện thoại, rượu... và học viên bỏ trốn. Bên cạnh đó, Cơ sở cũng liên kết với các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, như: sửa chữa xe máy, điện dân dụng, điện lạnh, nông nghiệp... cho học viên và thành lập các tổ, đội cơ khí, xây dựng, trồng rau sạch, cà phê,... để học viên thực hành. Mặt khác, Cơ sở cũng bố trí địa điểm, thời gian để học viên tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao; xây dựng các tủ sách, phòng đọc để học viên có điều kiện tiếp cận thông tin nâng cao hiểu biết, kỹ năng sống... Nhân Tháng Hành động phòng-chống ma túy, ông Nguyễn Đình Sơn kêu gọi: “Các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội hãy chung tay tạo một môi trường thân thiện, một vòng tay nhân ái, một việc làm thiết thực khi học viên tái hòa nhập cộng đồng để họ không nghĩ về ma túy, tránh xa ma túy”.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm