Phóng sự - Ký sự

Gỡ "nút thắt" giải ngân vốn đầu tư - Kỳ 2: Nhận diện những "điểm nghẽn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo đơn vị chức năng, giải ngân nguồn vốn trong năm 2021 chậm do nhiều nguyên nhân. Ngoài những yếu tố khách quan, quan trọng nhất vẫn là vướng về giải phóng mặt bằng, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan.
Vướng giải phóng mặt bằng
Dự án nâng cấp các trục đường hành chính huyện Đắk Glong được phê duyệt tháng 10/2018. Tổng mức đầu tư dự án 82,7 tỷ đồng. Năm 2021, dự án được UBND tỉnh bố trí 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 8/2021, địa phương vẫn chưa thể giải ngân được nguồn vốn. Nguyên nhân chính là do vướng giải phóng mặt bằng.
Theo ông Bùi Văn Hường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất Đắk Glong, thời điểm dự án phê duyệt, kinh phí dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng là 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau thời gian chờ nguồn vốn Trung ương phân bổ và làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đến khi bước vào giai đoạn thi công dự án thì nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng tăng cao. Qua thống kê, rà soát, nguồn kinh phí dành cho đền bù giải phóng mặt bằng của dự án  “đội” lên 37 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá đất thời gian gần đây tăng khá cao nên chi phí bồi thường tăng theo.
“Nguồn kinh phí đội lên gần gấp đôi nên chúng tôi rất khó triển khai dự án. Trong khi, ngân sách của huyện hạn hẹp, không thể bổ sung”, ông Hường cho biết.
Cũng theo ông Hường, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đơn vị đã báo cáo khó khăn vướng mắc này lên UBND tỉnh. Huyện đề xuất UBND tỉnh xin điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, đơn vị bắt tay ngay vào triển khai luôn.
 
Do vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên tiến độ triển khai công trình các trục đường Khu trung tâm hành chính huyện Đắk Glong khá chậm
Do vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên tiến độ triển khai công trình các trục đường Khu trung tâm hành chính huyện Đắk Glong khá chậm
Không riêng gì huyện Đắk Glong, tình trạng này cũng đang diễn ra tại dự án nâng cấp các trục đường giao thông ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil). Dự án này được phê duyệt vào tháng 10/2017, với tổng mức đầu tư 81,8 tỷ đồng. Thời điểm phê duyệt, kinh phí dành riêng cho công tác giải phóng mặt bằng là 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm áp giá đền bù giai đoạn 2020-2021 lại tăng cao hơn so với dự án được duyệt là 21 tỷ đồng.
Ông Đặng Thái Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất Đắk Mil cho biết: “Dự án này chiếm số vốn lớn nhưng chưa giải ngân được. Điều này kéo theo tiến độ giải ngân vốn trên địa bàn toàn huyện cũng chưa như mong đợi”.
Những trở ngại về thủ tục
Qua phản ánh của nhiều chủ đầu tư, ngoài bất cập trong đền bù giải phóng mặt bằng, sự phối, kết hợp chưa chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan cũng là “rào cản” lớn.
Trong năm 2021, Ban Quản lý Dự án giao thông, dân dụng, công nghiệp tỉnh được giao gần 436 tỷ đồng. Đến ngày 25/8/2021, đơn vị đã giải ngân 166 tỷ đồng, đạt 38,17% kế hoạch. Theo đơn vị, một trong những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án là sự phối hợp giữa các sở chuyên ngành với chủ đầu tư.
Đơn cử tại Dự án điều chỉnh vật liệu Dự án Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê. Hiện nay, liên quan đến dự án có khoảng 5 tỷ đồng chưa giải ngân được vì đang vướng chủ trương phê duyệt của tỉnh. Tại phiên họp Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư vào cuối tháng 8/2021, ông Nguyễn Quang Tứ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông, dân dụng, công nghiệp tỉnh cho hay, tất cả tài liệu, văn bản liên quan về phía đơn vị đã hoàn thành xong.
 
Một tuyến đường ở Đắk Glong phải dừng thi công do chưa giải phóng được mặt bằng
Một tuyến đường ở Đắk Glong phải dừng thi công do chưa giải phóng được mặt bằng
Vấn đề là đơn vị chỉ cần văn bản chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh. Tuy nhiên, từ khi Ban đề xuất đến nay đã 4 hơn tháng, nhưng vẫn chưa có kết quả. Nguyên nhân được các sở chuyên ngành đưa ra là chưa thống nhất được nội dung giải quyết.
“Chủ đầu tư đã cung cấp cho sở chuyên ngành tất cả các điều khoản hết rồi. Quan trọng là sở chuyên ngành hiểu chưa đúng bản chất sự việc. Nếu chưa hiểu thì làm sao tổ chức, hướng dẫn chủ đầu tư và các huyện thực hiện được. Không chấp thuận chủ trương, không chỉ chúng tôi mà ngay cả các chủ đầu tư khác cũng không sao thực hiện được”, ông Tứ khẳng định.
Liên quan đến bất cập trong cơ chế phối hợp, tại phiên họp Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, quá trình điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục hồ sơ hiện nay còn mất quá nhiều thời gian đối với chủ đầu tư.
Ông Nghĩa nêu ví dụ, tại dự án bờ kè huyện Krông Nô, nguồn vốn dự phòng Trung ương cấp 4,2 tỷ đồng. Trong đó, riêng các hạng mục thi công xây lắp hết 3,2 tỷ đồng. Trong số này, chủ đầu tư thực hiện thi công tuyến đường 311 mét, với kinh phí 300 triệu đồng.
 
Do chi phí giải phóng mặt bằng
Do chi phí giải phóng mặt bằng "đội" lên gấp đôi, nên một số tuyến thuộc Dự án nâng cấp trục đường giao thông ở thị trấn Đắk Mil giải ngân chậm.
Để hoàn thiện thủ tục thi công tuyến đường này, Ban đã phải gửi văn bản đi, sở chuyên ngành gửi văn bản về đến nay 4 lần rồi chưa thống nhất được. Chưa kể, sau khi gửi văn bản, các bên trình báo cáo UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh chỉ đạo sở chuyên ngành họp các sở, ngành…
“Một dự án nhỏ có 300 triệu đồng mà hồ sơ điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương như kiểu là dự án 300 tỷ đồng. Khâu này mất nhiều quy trình như vậy, thử hỏi thời gian còn đâu để chủ đầu tư thi công, thẩm định”, ông Nghĩa cho biết.
Liên quan đến vấn đề phối hợp giữa các đơn vị, tại phiên họp thường kỳ tháng 8 diễn ra sáng 10/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến khẳng định: “Vẫn còn tình trạng nhiều sở, ngành không chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ. Một số lĩnh vực, điều kiện đã đầy đủ hết rồi, nhưng vẫn không làm. Một số đơn vị còn tìm mọi cách để “đẩy” cho sở, ngành khác”.
>> Kỳ 3: Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ
Bài, ảnh: Nguyễn Lương (baodaknong.org.vn)

Có thể bạn quan tâm