Gỡ "nút thắt" trong phân luồng học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ khi có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị, việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT được ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Trên thực tế, các đề án, hướng dẫn và giải pháp về vấn đề hướng nghiệp và phân luồng học sinh hầu như đều thiếu cơ sở thực tế, không đồng bộ, dẫn đến việc thực hiện công tác này còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chúng ta hay nhắc đến một thực tế ở xã hội hiện nay là việc “thừa thầy thiếu thợ” dẫn đến phân công lao động bị “lệch pha” ở nhiều ngành nghề. Nhiều ngành “đỏ mắt” tìm không ra nhân sự hoặc lao động qua đào tạo. Trong khi đó, nhiều sinh viên ra trường bị thất nghiệp hoặc phải làm việc khác không thuộc chuyên môn được đào tạo. Trả lời trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Trong số hơn 200.000 cử nhân ra trường đang không có việc làm, phần lớn là số sinh viên đào tạo ở lĩnh vực ngành nghề dịch vụ xã hội và ngành sư phạm. Như vậy, rõ ràng việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh ngay từ bậc phổ thông còn nhiều bất cập. Một thực tế nữa là việc chiêu sinh những năm gần đây của các trường trung cấp, cao đẳng nghề ở các địa phương đang gặp khó khăn. Ở Gia Lai, các trường đào tạo nghề thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý cũng nằm chung trong tình trạng này, công tác chiêu sinh đang gặp khó khăn, mặc dù địa phương có các chính sách khuyến khích cho người học. Như vậy, việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT phải được chuyên nghiệp hóa và có một lộ trình thật cụ thể, khoa học, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp.

Đề án về phân luồng học sinh phổ thông đã đặt ra những mục tiêu cụ thể: có 30% học sinh cuối THCS sẽ đi vào các trường nghề, trung cấp nghề; 40% học sinh cuối THPT sẽ vào trường cao đẳng nghề… Tuy nhiên, trên thực tế, đó là những con số “trong mơ”. Theo thống kê sơ bộ trong năm 2017 ở một số địa phương thì số học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường nghề chưa đến 5% và học sinh tốt nghiệp THPT vào các trường cao đẳng nghề cũng mới chỉ dưới 20%. Số liệu thống kê học sinh THCS vài năm gần đây cho thấy, có khoảng 80% học sinh được xét tuyển hoặc thi tuyển vào các trường công lập, còn lại khoảng 20% học sinh vào các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên. Vậy thì lấy đâu ra học sinh vào học nghề? Như vậy, đối với học sinh học hết bậc THCS, dường như chưa có tâm thế để rẽ ngang học nghề; đồng thời các bậc phụ huynh chưa sẵn sàng chấp nhận cho các em đi qua con đường khác để ra đời sớm với nghề nghiệp ổn định.

Để có khoảng 20% học sinh tốt nghiệp THCS vào học sơ cấp, trung cấp nghề và 30% học sinh tốt nghiệp THPT vào cao đẳng nghề từ nay đến năm 2025, thiết nghĩ, phải có lộ trình và làm quyết liệt trong công tác hướng nghiệp và phân luồng. Trước hết, các trường phổ thông bậc trung học phải có đội ngũ tư vấn và giáo viên chuyên trách công tác hướng nghiệp được đào tạo bài bản; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để các em và phụ huynh nhận thức đúng đắn về con đường lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, không cứ nhất thiết phải vào đại học mới có thể thành đạt… Đặc biệt, các trường dạy nghề phải đủ chuẩn, hiện đại; có cơ chế thông thoáng để tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục học lên hoặc liên kết với các cơ sở sản xuất để các em sau khi ra trường có việc làm ổn định.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm