Thời sự - Bình luận

Góc nhìn phóng viên: Ai gỡ khó cho dân ?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hệ lụy của việc quản lý rừng trên giấy đã gây khó cho cơ quan quản lý, bảo vệ rừng và cả người dân.

Người dân có bị xử phạt hay không khi họ tự ý khai thác cây rừng và chuyển sang trồng cây nông nghiệp trên đất rừng phòng hộ (RPH) đang là câu chuyện pháp lý gây tranh cãi ở Nghệ An khi RPH được quy hoạch chồng chéo trên đất rừng đã cấp cho người dân.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2007 khi tỉnh Nghệ An thành lập Ban Quản lý (BQL) RPH Bắc Nghệ An và quy hoạch hơn 6.441 ha đất rừng và đất lâm nghiệp ở 2 huyện, thị giáp biển Quỳnh Lưu và Hoàng Mai thành RPH.

 

 Cánh đồng trồng dứa bị quy hoạch thành RPH. Ảnh: K.HOAN
Cánh đồng trồng dứa bị quy hoạch thành RPH. Ảnh: K.HOAN


Trước đó, nhiều diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp trong số đó đã được giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người dân trồng cây, thậm chí cả đất ở. Thay vì phải xem xét để bồi thường, thu hồi đất đã giao và chuyển mục đích sang RPH thì đến nay, sau 15 năm ra đời, BQL RPH Bắc Nghệ An vẫn chỉ quản lý rừng trên giấy. Diện tích RPH vẫn chưa được cắm mốc, đo đạc, lập hồ sơ để cấp “sổ đỏ”, chưa thu hồi để xử lý tài sản trên đất… Hệ lụy của việc quản lý rừng trên giấy đã gây khó cho cơ quan quản lý, bảo vệ rừng và cả người dân.

Theo quy định, người dân khai thác lâm sản trên đất RPH phải theo phương án của BQL rừng phê duyệt và không được tự ý chuyển sang trồng cây nông nghiệp. Nhưng, thời gian qua, rất nhiều trường hợp người dân tự ý khai thác toàn bộ cây keo để bán và chuyển sang trồng cây nông nghiệp nhưng cơ quan chức năng không xử lý được.

Sau khi tham khảo ý kiến của Sở Tư pháp Nghệ An nhưng vẫn chưa thể đảm bảo chắc chắn tính pháp lý cho việc xử phạt người dân vi phạm, Sở NN-PTNT Nghệ An đã “cầu cứu” Bộ NN-PTNT gỡ rối và hiện đang chờ ý kiến của bộ này.

Tiếp xúc với nhiều người dân địa phương đang bị “nhốt” trong RPH, tôi hiểu được nỗi bức xúc của người dân khi họ đang bị trói buộc giữa nhu cầu sản xuất, sinh sống và tuân thủ quy định về sử dụng đất RPH.

Quy hoạch RPH là cần thiết, nhưng có cần phải quy hoạch diện tích hơn 6.400 ha RPH cho vùng đất gần biển trong khi người dân đang rất cần đất để sản xuất, sinh sống và hàng trăm héc ta trong số đó đang là những cánh đồng trồng dứa - nguồn sống chính của hàng ngàn người dân?

Theo KHÁNH HOAN (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm