Khu vườn chẳng cần rộng lắm nhưng ở đó, khi bước vào người ta có thể cảm nhận được sự chăm chút, nâng niu của chủ nhân đối với từng gốc hồng, giúp không gian đẹp dịu dàng và thư thái.
Chị Quý Nghĩa (36 tuổi) hiện đang là nhân viên ngân hàng. Khu vườn nhỏ ở thị xã Ayunpa, thuộc tỉnh Gia Lai được chị chăm sóc hàng ngày sau nhiều năm đã trở nên đẹp quyến rũ và lãng mạn nhờ những gốc hồng đua nhau khoe sắc, tỏa hương.
Chị Nghĩa cho biết: "Tôi yêu hoa từ khi còn nhỏ. Khi ấy tôi học lớp 5, ba tôi trồng một vườn hồng ở khoảng sân trước nhà, tầm 20 giống thôi nhưng khu vườn ấy là kỷ niệm ngọt ngào suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi. Ba chính là người truyền lửa đam mê trồng hồng cho tôi từ khi ấy. Ba trồng được vài năm thì nhà tôi sửa và đám hồng cũng vì nhiều lý do không còn được tiếp tục chăm sóc. Từ khi ấy, tôi đã ấp ủ giấc mơ sau này có một căn nhà riêng để được trồng một vườn hồng xinh xinh".
Chị Quý Ngha hạnh phúc với vườn hồng nhỏ xinh của gia đình mình. |
Những cành hồng dịu dàng nở hoa trong nắng. |
Giấc mơ giản dị ấy của chị đành gác lại sau những năm tháng học tập tuổi trẻ, kết hôn và sinh con. Cách đây 2 năm, khi các con đã lớn hơn một chút, công việc cũng đã có phần ổn định, chị quyết tâm trồng hồng. Những cây hồng đầu tiên được chị trồng là Juliet, Vineyard song, Blue Sky, Catalina...
Với vốn kiến thức ít ỏi cóp nhặt được từ hơn 20 năm trước, chị chăm cây theo cách của riêng mình. Chị chủ yếu tưới nước và bón phân nhưng không chú ý nhiều đến tỷ lệ bón phân ra sao, giá thể gồm những gì. Vì thế, chị buồn phiền khi chứng kiến từng cây hồng lần lượt ra đi. Tuy nhiên, chị quyết không bỏ cuộc, tiếp tục "tậu" thêm 5 cây hồng nữa. Vẫn cách chăm như vậy nên không tránh khỏi có những cây còi cọc, chậm lớn, sâu bệnh, có những cây bỏ chị ra đi...
Từ thực tế ấy, chị Nghĩa dành thời gian lên mạng tìm hiểu, gặp gỡ, trò chuyện với những người có nhiều kinh nghiệm trồng hồng. Vì sân nhà chị lát gạch nên không thể hạ thổ từng gốc. Vì trồng trong chậu nên chị chú ý nhiều hơn đến giá thể.
Theo kinh nghiệm của chị, giá thể phải thoát nước tốt thì rễ mới phát triển được. Chị Nghĩa chia sẻ: "Giá thể chuẩn bị trồng hồng khá đơn giản, tôi thường lót đáy chậu bằng xỉ than, giá thể gồm 40% đất, 20% trấu hun, 20% xơ dừa, 20% phân bò và dê. Cách bón phân cũng rất quan trọng nhé, 1 tháng bón 1 lần, các loại bò, gà, dê, cá, dơi thay phiên nhau".
Trồng hồng khỏe mạnh, chị Nghĩa còn chú ý đến vấn đề sâu bệnh. Mùa nắng hoa rất dễ bị trĩ tấn công, để trị bệnh, chị thường thay phiên tưới neem oil hoặc thuốc lào ngâm rượu mỗi tuần một lần. Vào mùa mưa, cây rất dễ bị nấm lá và đen thân nên phải tưới nước vôi trong và dịch nha đam đề phòng.
Khi cây ra nụ, chị thường bón thêm một ít kali và phun dịch chuối để hoa có màu đậm và đẹp hơn. Chị chỉ dùng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học để trị bệnh cho cây, hạn chế tối đa việc dùng thuốc hóa học vì sợ độc hại tới mọi người trong gia đình.
Hiện tại, khu vườn của gia đình được chị trồng khoảng hơn 40 gốc. Sân trước đặt các chậu hồng, sân sau được chị trồng hồng leo. Trong khu vườn ấy, chị Nghĩa dành tình cảm đặc biệt cho hoa Kinda Blue vì màu tím dịu dàng, form đẹp, cánh cứng và lâu tàn.
Đối với chị, cuộc sống vốn bận rộn, vất vả. Chăm hoa chắc chắn sẽ thêm việc, thêm những mệt nhọc khó nói nên lời. Tuy nhiên, mỗi khi đi làm về, hoặc mỗi sáng mai thức dậy, được ra vườn ngắm hoa, được hít hà hương thơm dịu dàng của từng cành hồng đua nhau khoe sắc, chị Nghĩa cảm thấy cuộc đời thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn.
Lam Thanh (Ảnh NVCC)
baothoidai