Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gương mặt thơ: Đặng Nguyệt Anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1968, vừa tròn 24 tuổi, cô giáo Đặng Nguyệt Anh từ quê Nam Định, vượt Trường Sơn vào Nam “tìm chồng” là nhà giáo Phạm Thanh Liêm-người đã vào Nam từ 4 năm trước. Thân gái dặm trường, Trường Sơn dằng dặc, biết bao hiểm nguy rình rập, nhưng chị đã tới nơi, Trung ương Cục miền Nam nơi chồng chị đang công tác. Và, chị đã sát cánh cùng anh cho tới bây giờ.
Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh.

Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh.

Cách đây hơn 1 tuần, anh qua đời, để lại chị, cũng gần 80 tuổi, ở lại thế gian này, ở lại TP. Hồ Chí Minh, nơi chị đã chọn làm quê hương thứ 2 kể từ năm 1975 khi từ chiến khu về thành phố; chị làm cô giáo và làm thơ, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thơ chị đằm thắm, dung dị và nhiều nhớ nhung, lục bát rất nhuyễn, giữ nhiều nét “chân quê”, nhiều hồi tưởng ký ức tươi đẹp, nhất là con sông Ninh quê chị, nơi chị từ đấy ra đi tới giờ đã 55 năm: “Rồi mai/Thương nhớ rất nhiều/Sông Ninh/Với những buổi chiều khói sương!/Rồi mai/Thương nhớ con đường/Dáng ai gầy/Cuối hoàng hôn nhạt nhòa”.

Có lần gặp chị, tôi nói: Chỉ nguyên viết về cuộc đời chị đã được một tiểu thuyết hay rồi. Thân phận cá nhân chị gắn với một phần cuộc chiến tranh của dân tộc này.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.

BÀ ƠI THƯƠNG QUÁ

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Ta về

Gối tóc vào sông

Nghe trên đồng bãi

Mênh mông quê nhà

Con cò bay lả bay la

Bà ơi thương quá

Tiếng bà ru xưa.



GỌI

Minh họa: T.N

Minh họa: T.N

Gọi trăng cho gió về say

Gọi hoa về nở

Gọi mây về ngàn

Gọi người lạc cuối nhân gian

Hãy đi về phía thiên đàng…

Đợi tôi!



RỒI MAI

Rồi mai

Rồi mai

Rồi mai

Thương nhớ rất nhiều

Sông Ninh

Với những buổi chiều khói sương!

Rồi mai

Thương nhớ con đường

Dáng ai gầy

Cuối hoàng hôn nhạt nhòa…

Rồi mai

Ta lại thương ta!

Thi nhân một kiếp

Hồn hoa dại khờ…

Rồi mai

Đời trả cho thơ

Cố hương xế bóng

Ai chờ ta không?

Có thể bạn quan tâm