Hà Đông: Làm gì để thoát nghèo?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) đã được hỗ trợ từ nhiều chương trình, chính sách của Nhà nước nhưng địa phương này vẫn chưa thể thoát nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo còn trên 50%

Một ngày đầu năm, chúng tôi có mặt ở Hà Đông-xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa. Theo chân anh A Xik-cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chúng tôi đi thăm một vòng quanh các làng. Năm làng của Hà Đông là nơi sinh sống của 865 hộ với trên 5.000 nhân khẩu, trong đó 99% dân số là người Bahnar, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 50%. Những năm qua, hầu hết các hộ dân của Hà Đông đều được Nhà nước cho vay vốn phát triển sản xuất và chăn nuôi; nhiều hộ đã biết làm lúa nước, trồng mì cao sản...

 

Mô hình nuôi vịt của bà Mai Thị Ánh cho thu nhập cao. Ảnh: Đ.Y
Mô hình nuôi vịt của bà Mai Thị Ánh cho thu nhập cao. Ảnh: Đ.Y

Tuy nhiên, do trình độ của người dân còn thấp nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, được chăng hay chớ, còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Theo thống kê, Hà Đông có diện tích đất tự nhiên lên đến gần 20.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 7.000 ha. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100 ha đất ở những bãi đất bồi quanh các con suối là làm được lúa nước, còn lại phù hợp với cây bời lời, keo lai, hồ tiêu, mì cao sản và các loại cây trồng ngắn ngày. “Dù đất sản xuất ở Hà Đông không thuận lợi như những vùng khác, nhưng 5 làng đều có suối chảy qua. Những dòng suối nhỏ này đều bắt nguồn từ 2 dòng suối lớn là Đak La và Đak Pơ Kei nên nước không bao giờ cạn. Nếu biết tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có thì người Bahnar nơi đây sẽ thoát nghèo”-ông Nguyễn Hồng Việt-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông nhận định.

Hướng đến thoát nghèo bền vững

Những năm qua, nhờ được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cũng như ý thức tự vươn lên của người dân, Hà Đông đã có một số mô hình cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả. Đơn cử, người dân ở 2 làng Kon Jôt và Kon Sơ Ngok đã trồng thành công cây hồ tiêu và chăn nuôi gia cầm.

Ông Yiei-Trưởng thôn Kon Jôt kể: “Cách đây vài năm, một vài hộ dân trong làng đã mạnh dạn tận dụng vườn nhà và đất rẫy chuyển đổi từ lúa rẫy sang trồng hồ tiêu. Để có nước tưới, họ đã bỏ công sức đầu tư ống nước, máy bơm công suất lớn dẫn nước từ suối lên vườn nhà. Đến nay, hồ tiêu phát triển tốt, bước đầu cho sản lượng cao. Tiêu biểu nhất phải kể đến 3 nông dân: Biu, Brôn và Blil, mỗi hộ có từ 100 đến 500 trụ hồ tiêu. Hai loại cây trồng khác là bời lời và keo lai do huyện cấp giống cũng đã được người dân trên địa bàn xã trồng thành công, giờ đều đang phát triển tốt. Riêng cây bời lời đã cho thu hoạch vụ đầu”.

Về chăn nuôi, Hà Đông có lợi thế nguồn nước chảy qua hầu hết các làng nên rất phù hợp với việc đào ao thả cá và chăn nuôi gà, vịt, heo, bò. Trên địa bàn xã Hà Đông hiện có gia đình bà Mai Thị Ánh (làng Kon Sơ Ngok) triển khai và thành công với mô hình này. Trò chuyện cùng P.V, bà Ánh cho hay: Từ Thanh Hóa, bà theo con trai vào Hà Đông lập nghiệp được 10 năm nay. Tận dụng nguồn nước sẵn có, bà Ánh đã nuôi gà, vịt và làm thêm dịch vụ xay xát lúa. Chỉ vào đàn vịt 500 con đang bơi lội dưới dòng nước mát, bà Ánh cười tươi nói: “Tôi mua giống 14.000 đồng/con về nuôi từ 2,5 tháng đến 3 tháng là bán được vịt thịt, giá trung bình từ 120.000 đồng đến 130.000 đồng/con. Nhờ có nguồn nước quanh năm không bao giờ cạn nên việc chăn nuôi gia súc, gia cầm rất thuận lợi. Từ một hộ nghèo, gia đình tôi giờ đã có thu nhập khá, xây được nhà cửa, ổn định cuộc sống”.

Theo lãnh đạo xã, để giúp người dân Hà Đông thực hiện thành công mô hình “trồng 3 cây, nuôi 4 con” như trên thì những chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo trên địa bàn xã không nên phân ra nhỏ lẻ như trước mà nên đầu tư tập trung. Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông Nguyễn Hồng Việt nhấn mạnh: “Những năm qua, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo không tập trung, đơn cử như hợp phần hỗ trợ sản xuất do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thực hiện; hỗ trợ giống cây con lại do Trạm Khuyến nông đảm nhận; cho vay vốn hộ nghèo thì các Hội, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện triển khai. Còn các chính sách về hỗ trợ tiền điện, cấp gạo cứu đói, quản lý sự tăng giảm số hộ thoát nghèo... thì do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện thực hiện. Nếu các chương trình được tập trung về một đầu mối, có danh sách cụ thể, qua đó tư vấn, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu hộ nghèo cần trồng cây gì, nuôi con gì để hỗ trợ đến từng hộ thì kết quả sẽ khả quan hơn. Nếu thực hiện được giải pháp nêu trên thì trong tương lai gần Hà Đông sẽ từng bước thoát nghèo, người dân nơi đây có điều kiện vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no”.

Hà Tây

Có thể bạn quan tâm