Hà Đông: Phát triển du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với thiên nhiên hoang sơ, cảnh sắc thơ mộng, những ngôi nhà sàn lấp ló dưới tán cây lưng chừng sườn đồi cùng với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, vùng đất Hà Đông (huyện Đak Đoa, Gia Lai) hứa hẹn sẽ là điểm đến độc đáo cho loại hình du lịch cộng đồng.
Lạc vào miền hoang sơ
Đầu Xuân, con đường quanh co, uốn lượn dẫn vào xã Hà Đông phủ rợp bởi lau trắng phất phơ trong nắng vàng. Lau nghiêng nghiêng, dập dìu theo gió trên những sườn đồi khiến cho cảnh sắc của Hà Đông những ngày này thêm phần lãng mạn, hoang sơ. Vượt qua khoảng 30 km đường đèo quanh co uốn lượn, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm sẽ thấy “ốc đảo” Hà Đông dần hiện ra. Chỉ cách đây chừng 5 năm thôi, đường vào xã này vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người bởi con đường đất lầy lội. Thế nhưng, được sự quan tâm của tỉnh, con đường bê tông được đầu tư nối từ ngã ba xã Đak Sơ Mei vào đã tạo điều kiện đi lại vô cùng thuận tiện, rút ngắn thời gian vào xã. Giữa bốn bề là núi rừng, những ngôi làng Bahnar dần hiện ra, trải dọc theo chiều dài của con suối Đak Pơ Kei róc rách đêm ngày.
Với địa hình rừng núi, Hà Đông được thiên nhiên ban tặng khá nhiều con thác đẹp. Chỉ cách trung tâm xã chừng 2 km, thác Pơ Nôu của làng Kon Pơ Dram là điểm dừng chân lý tưởng cho những chuyến picnic vào các kỳ nghỉ lễ hay cuối tuần. Xa hơn một chút, cách trung tâm xã khoảng 5 km là thác Kon Sơ Nglok đẹp mộng mơ. Tầng thác trải dài dọc theo vách đá gần 100 m sẽ khiến du khách nhanh chóng quên đi những giây phút mệt phờ do vừa phải vượt qua quãng đường dốc đứng.
Cảnh sắc yên bình là điểm nhấn thu hút du khách đến với Hà Đông. Ảnh: P.L
Cách trung tâm huyện Đak Đoa khoảng 50 km, lại được bao bọc bởi núi rừng, Hà Đông dường như “miễn nhiễm” với quá trình đô thị hóa dù việc đi lại, giao thương đã dễ dàng hơn trước. Sẽ rất khó để tìm thấy hàng quán trong các ngôi làng bởi người dân ở đây vẫn còn tập quán tự cung, tự cấp. Ban ngày, làng rất vắng vẻ bởi người lớn đều lên rẫy hoặc sống hẳn trong các nhà đầm cách đó khá xa. Lũ trẻ con thì tới lớp hoặc tự chơi đùa với nhau. Việc giao thương buôn bán thường chỉ nhộn nhịp vào những dịp bà con thu hoạch nông sản. Ông Lương Minh Thiện-Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông-bày tỏ: “Do nằm cách biệt với trung tâm huyện nên xã Hà Đông gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nhiều người đến Hà Đông lại cảm thấy rất thích thú khi bắt gặp nét đẹp hoang sơ, bình yên của nơi này. Và đây cũng chính là lợi thế để Hà Đông phát triển loại hình du lịch cộng đồng”.
Khám phá văn hóa bản địa
Trong quyết định của UBND tỉnh mới đây, 2 ngôi làng Kon Pơ Dram và Kon Mahar của xã Hà Đông đã được đưa vào danh mục các ngôi làng được chọn đầu tư phát triển thành làng du lịch cộng đồng. Đây là tin vui đối với chính quyền cũng như bà con ở vùng đất Hà Đông, mặc dù để đến được đích vẫn là một quãng đường rất dài.
Ông Lương Minh Thiện chia sẻ: “Xã Hà Đông có 5 làng Bahnar với đầy đủ thiết chế văn hóa. Mỗi làng đều có một nhà rông truyền thống dùng làm nơi sinh hoạt chung. Bên cạnh đó còn có nhà thờ với kiến trúc đẹp mắt là nơi sinh hoạt tôn giáo. Sự hòa quyện giữa kiến trúc với thiên nhiên đem lại cho các ngôi làng của Hà Đông một vẻ đẹp rất riêng. Ngoài ra, bà con vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như: cồng chiêng, xếp củi, dệt thổ cẩm, các lễ cúng... Được chọn xây dựng làng du lịch cộng đồng, đây thực sự là cơ hội để Hà Đông khởi sắc”.
Rất vui mừng khi nhận tin làng Kon Mahar được chọn đầu tư thành làng du lịch, già làng Prốt tâm sự: “Làng mình có 270 hộ với hơn 1.500 khẩu, trong đó có 89 hộ nghèo. Đời sống bà con phụ thuộc vào cây lúa, nhà nào có đất thì trồng thêm bời lời, mì nhưng vẫn còn khó khăn lắm. Từ trước đến nay, làng cũng chỉ đón các đoàn đến làm từ thiện, tặng quà chứ chưa được đón khách du lịch. Nếu làng trở thành làng du lịch thì còn gì vui bằng”. Đến đây, ngoài việc được hòa mình với thiên nhiên, cảnh sắc thanh bình, nhẹ nhàng, du khách còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống do chính dân làng chế biến. Không chỉ vậy, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống lao động sản xuất cùng với người dân bản địa. Một khi du lịch phát triển, các loại đặc sản của địa phương như: sâm cau, cao mật nhân, chuối rừng sấy, măng le khô, mật ong, lúa rẫy… sẽ có cơ hội được quảng bá, giúp bà con tăng thu nhập.
Dù vậy, cũng theo ông Thiện, để phát triển du lịch cộng đồng, Hà Đông vẫn chưa có sản phẩm đặc trưng để đáp ứng nhu cầu của du khách. Cùng với đó, nhiều thiết chế văn hóa như nhà rông của một số ngôi làng bị hư hỏng, xuống cấp. Xã vẫn chưa xây dựng được khu vệ sinh tập trung dành cho du khách; hiện tại vẫn phải tận dụng nhà của các cán bộ trong xã để làm nơi ăn, nghỉ cho các đoàn đến tham quan. Vì vậy, thời gian tới, trong lúc chờ đợi kế hoạch đầu tư của tỉnh, ngành và địa phương, Bí thư Đảng ủy xã cho biết xã sẽ chủ động lên phương án duy tu, sửa chữa một số hạng mục. Đồng thời, xã Hà Đông sẽ đặt một gian hàng quảng bá các đặc sản của địa phương để giới thiệu đến du khách.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm