Hà Tây nỗ lực giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhưng đến hết nhiệm kỳ 2010- 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã Hà Tây (huyện Chư Pah, Gia Lai) vẫn còn 34,1% (theo tiêu chí mới). Làm thế nào để thoát nghèo nhanh và bền vững luôn là câu hỏi mà đội ngũ lãnh đạo xã đã và đang đi tìm lời giải.

Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chư Pah và cách TP. Pleiku trên 50 cây số nhưng đường vào xã Hà Tây rất thuận lợi nên chỉ sau hơn 2 tiếng đồng hồ đi xe máy chúng tôi đã có mặt tại trung tâm xã. Vốn là “người quen cũ” nên vừa thấy chúng tôi, anh Hnaih- Bí thư Đảng ủy xã đã niềm nở: “Lâu lắm mới thấy chị về xã”. Lời trách nghe thật ấm lòng.

 

Nghiệm thu đường giao thông liên thôn. Ảnh: N.D
Nghiệm thu đường giao thông liên thôn. Ảnh: N.D

Tìm hiểu về việc đưa nghị quyết các cấp đi vào cuộc sống, Hnaih cho biết: Đảng bộ xã hiện có 54 đảng viên, tham gia sinh hoạt tại 13 chi bộ. Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy xã đã xây dựng chương trình hành động với những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội ngay từ năm đầu nhiệm kỳ. Trong đó, xác định đột phá vào công tác giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn dưới 17%. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề bởi Hà Tây là xã đặc biệt khó khăn của huyện, với 98% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, gần 100% theo đạo Thiên chúa, cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.

Nhằm phát triển kinh tế bền vững để giảm nghèo hiệu quả, xã đã xác định một số loại cây mũi nhọn định hướng cho nhân dân gieo trồng như: lúa, mì, bời lời, cao su tiểu điền. Theo đó, một mặt Đảng ủy chỉ đạo UBND xã thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, tiếp tục thực hiện tốt công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Mặt khác, chỉ đạo các đảng ủy viên được phân công về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ cùng cấp ủy phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể của xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không sang nhượng đất sản xuất, tránh trường hợp thiếu đất lại đi phá rừng.

Đồng thời, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư tăng năng suất trên một đơn vị diện tích cây trồng để có giá trị kinh tế cao. Đối với cây lúa, tăng diện tích lúa Đông Xuân để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Với cây cao su, tiếp tục giữ và chăm sóc diện tích cao su tiểu điền hiện có. Vì trên thực tế 120 hộ dân được vay vốn chương trình đa dạng hóa nông nghiệp của tỉnh để trồng cây cao su tiểu điền từ năm 2004 rất hiệu quả. Cây phát triển tốt, lượng mủ nhiều. Nhờ trồng cao su tiểu điền, bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Những năm giá mủ chưa xuống thấp, nhiều hộ có của ăn, của để, tích lũy mua sắm vật dụng, sửa chữa nhà ở, thậm chí có hộ xây nhà mới rất khang trang.

Đặc biệt, cây bời lời được ví là “cây người nghèo” bởi đặc tính dễ trồng, không cần nhiều vốn, không đòi hỏi kỹ thuật cao và không tốn công chăm sóc, lại sử dụng được đất bạc màu qua quá trình trồng mì nhiều năm và hiệu quả kinh tế rất cao. Bình quân 1 ha thu hoạch lần đầu (sau 4 năm) có giá trị từ 180 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Thời gian thu hoạch cây tái sinh so với lần đầu ngắn hơn 2 năm và giá trị kinh tế cao hơn... Ngoài ra, xã cũng tuyên truyền, vận động nhân dân trồng thí điểm cây hồ tiêu, nếu có hiệu quả sẽ nhân ra diện rộng. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 1.271 ha, trong đó cây lương thực 355 ha, cây tinh bột có củ 180 ha, cây thực phẩm 40 ha, cây công nghiệp dài ngày 696 ha (hồ tiêu 4 ha, cao su tiểu điền 270 ha, bời lời 350 ha và cây lâu năm khác 72 ha).

Bên cạnh đó, xã tiếp tục tuyên truyền để nhân dân đồng thuận trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. “Với một xã nghèo như Hà Tây thì quá trình vận động nhân dân đóng góp kinh phí là rất khó. Vì vậy, xã chủ trương với các hộ nghèo chỉ huy động sức lao động. Đồng thời, tiếp tục lồng ghép với các Chương trình 135, 167 nhằm tạo sự chuyển biến về cơ sở hạ tầng, tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên nhân dân rất đồng tình và tích cực hưởng ứng”- nguyên Chủ tịch UBND xã Đinh Sưk chia sẻ.

Hy vọng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chủ động của nhân dân, công tác giảm nghèo của Hà Tây sẽ nhanh hơn và bền vững hơn.

Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm