Kinh tế

Nông nghiệp

Hà Tây: Thí điểm liên kết trồng sâm đương quy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để giúp người dân tiếp cận mô hình sản xuất nông nghiệp mới, UBND xã Hà Tây (huyện Chư Pah, Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Điền An Gia Lai triển khai thí điểm mô hình trồng sâm đương quy theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.

 

Người dân xã Hà Tây chăm sóc cây sâm đương quy. Ảnh: L.N

Hà Tây là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah. Hiện toàn xã có 9 thôn, làng với 955 hộ/5.005 khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp. Với sự hỗ trợ đó cộng với tinh thần nỗ lực tự vươn lên, đời sống của người dân Hà Tây từng bước được nâng cao. Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm hơn 5%, hiện còn 29%.

Để tiếp tục giúp người dân chuyển đổi cây trồng, đầu tháng 2-2020, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020, UBND xã Hà Tây phối hợp với Công ty cổ phần Điền An Gia Lai triển khai mô hình trồng sâm đương quy theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mô hình được triển khai cho 8 hộ dân, mỗi hộ 1 sào. Tham gia mô hình, các hộ được Công ty cổ phần Điền An Gia Lai hỗ trợ giống, phân bón và vôi để xử lý đất, chỉ phải bỏ công chăm sóc.

Anh Lê Đức Nhạn (làng Kon Băh) cho biết: Qua tuyên truyền của xã và Công ty về mô hình trồng sâm đương quy có giá trị kinh tế cao, gia đình đã đăng ký tham gia. Qua một thời gian trồng cho thấy, cây sâm đương quy phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên phát triển khá tốt. Sau khi thu hoạch, nếu có hiệu quả thì gia đình sẽ chủ động mở rộng thêm diện tích trồng loại cây này.

Cây sâm đương quy là một loại dược liệu quý, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 15-16 tháng. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, mỗi héc ta sâm đương quy có thể cho thu hoạch 20-25 tấn sản phẩm. Tuy nhiên, việc trồng sâm đương quy cũng đòi hỏi kỹ thuật rất kỹ từ khâu xử lý đất đến khâu chăm sóc để phòng ngừa bệnh. Nếu không xử lý đất kỹ khi trồng, cây dễ bị bệnh thối nhũn, nhiễm khuẩn làm giảm năng suất, thậm chí mất trắng. Ngoài ra, cây sâm đương quy rất phù hợp với khí hậu ẩm mát, có cây che bóng. Anh Phan Kưh (làng Kon Pơ Nang) cho hay: Đầu tháng 3-2020, tận dụng nguồn nước suối ở gần, gia đình đã trồng 1 sào sâm đương quy tại vườn nhà. Ngoài nguồn cây giống, phân bón được Công ty cung cấp, gia đình còn đầu tư hệ thống tưới bằng béc phun mưa để thuận tiện trong quá trình chăm sóc. Đến nay, diện tích sâm đương quy của gia đình phát triển rất tốt.

Mô hình trồng sâm đương quy trên địa bàn xã Hà Tây (huyện Chư Pah, Gia Lai). Ảnh: Lê Nam



Trao đổi với P.V, ông Trần Anh Hào-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây-cho biết: Từ trước đến nay, người dân trên địa bàn xã chủ yếu phát triển kinh tế dựa vào cây mì, bời lời, cao su và cây lúa nước. Tuy nhiên, do giá cả các mặt hàng nông sản trên đều giảm nên đời sống người dân còn khó khăn. Để giúp người dân tiếp cận với mô hình sản xuất mới, UBND xã đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Điền An Gia Lai triển khai mô hình sản xuất sâm đương quy theo chuỗi liên kết. Công ty cam kết thu mua sản phẩm cho người dân theo giá thị trường. Nếu giá thị trường xuống thấp, Công ty vẫn đảm bảo thu mua với giá 40.000 đồng/kg.

“Hiện diện tích sâm đương quy đang sinh trưởng, phát triển ổn định. Tuy nhiên, do là mô hình mới nên chưa thể đánh giá được hiệu quả. Sau khi mô hình kết thúc, chúng tôi sẽ đánh giá về hiệu quả kinh tế rồi mới định hướng cụ thể cho người dân trong việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn”-ông Hào nhấn mạnh.

 LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm