Tôi gặp họ tại vườn sâm Việt tươi tốt ở Lạc Dương mấy lần. Nhưng lần nào tôi xin phép phỏng vấn hai nhà khoa học là GS-TS Park Jeong-hill (ĐH Quốc gia Seoul, nguyên Chủ tịch Hội Nhân sâm Hàn Quốc) và TS Yun-Hyun Yu (nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu tài nguyên sinh học của KT&G - Hàn Quốc, thực hiện các nghiên cứu về cả việc trồng nhân sâm và thuốc lá) để viết báo, song cả hai đều từ chối. Đến lần này thì họ đồng ý.
Duyên nợ với sâm Việt
GS Park và TS Yu tới VN để trồng sâm VN (SVN) là bởi cả hai có mối "thâm tình" với GS-TS Nguyễn Minh Đức (nguyên giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hiện công tác tại Khoa Dược - Trường ĐH Tôn Đức Thắng) và TS Lê Thị Hồng Vân (giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM). GS Park và GS Minh Đức là hai nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới về nghiên cứu sâm, cả hai gặp nhau từ năm 1998 và giữ mối liên hệ trong hợp tác nghiên cứu khoa học từ nhiều năm nay. Từ năm 2012, nhóm nghiên cứu Việt - Hàn đã thực hiện những chuyến đi khảo sát các vùng trồng SVN để hiểu hơn tình hình phát triển của dược liệu quý này. Với niềm đam mê bảo tồn và phát triển cây sâm "quốc bảo", các nhà khoa học đã thuyết phục TS Yu, người có kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu trồng nhân sâm, cùng tham gia dự án bảo tồn, di thực và phát triển trồng SVN.
GS-TS Park Jeong-hill và TS Yun-Hyun Yu tại vườn sâm Việt kết hợp với các nhà khoa học VN trồng tại Lâm Đồng |
"Đây là một thách thức đáng kể đối với TS Yu và các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu, bởi việc di thực SVN đến Lâm Đồng - một vùng đất xa lạ với họ và với phương pháp trồng trọt mới, đã khiến các thành viên trong nhóm cũng rất lo lắng về dự án này", TS Vân tâm sự.
Sự thành công trong việc trồng SVN trên vùng đất không phải là bản địa của nó là nhờ "team" nhà khoa học Việt - Hàn hội tụ đầy đủ tâm huyết, chất xám, kinh nghiệm trồng sâm... Họ đã xác lập kỷ lục chưa từng có: Lần đầu tiên SVN được trồng đại trà trên cánh đồng bằng phẳng với mái che nhân tạo, phân bố trồng sâm xa nhất về phía nam, gần đường xích đạo nhất (vĩ độ 12 độ bắc) của các loài Panax. Lần đầu tiên SVN được di thực và trồng lớn thành công tại Lâm Đồng, nơi có độ cao thấp (tương đương 1.400 m), nhiệt độ trung bình cao hơn và cách xa vùng sâm bản địa.
Cách đây khoảng hơn 3 năm, chúng tôi đã được thâm nhập vườn sâm "giấu" của họ. Dịp này, vườn sâm đến kỳ thu hoạch. Tôi đã rất ngỡ ngàng khi một công ty dược phẩm danh tiếng đã đến đây mua 88 kg củ sâm với giá hơn 6 tỉ đồng. Lúc đó, nhìn thành quả bước đầu ai cũng cảm xúc. Tôi thấy TS Yu, người đảm nhận hầu hết kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm ở vườn này, gương mặt rạng rỡ và nụ cười mãn nguyện. Tôi hỏi là một người Hàn và gần cả cuộc đời gắn bó với cây nhân sâm của nước mình, tại sao ông lại sang đây trồng sâm Việt, TS Yu tâm tình: "GS Park đã đề nghị tôi phát triển công nghệ trồng SVN vào năm 2012. Tôi nói với anh ấy tôi có thể làm điều đó sau khi quan sát khu vực trồng SVN và điều kiện môi trường. Ở nước tôi, trồng nhân sâm theo mô hình công nghiệp đã thành công rất lâu rồi. Nước bạn có sâm Việt là loại sâm quý nhưng chưa trồng và phát triển theo hướng công nghiệp. Một số người còn hoài nghi sâm Việt di thực khó thành công. Và tôi đến đây để thử thách và chứng minh điều ngược lại. Nói cách khác là tôi có duyên nợ với sâm Việt".
GS Park (trái) và TS Yu tại vườn sâm Việt ở Lâm Đồng |
Còn GS Park có chia sẻ thú vị: "Tôi đã nghiên cứu sâm từ rất lâu. Tôi đã bất ngờ khi lần đầu tiên phân tích hàm lượng saponin của SVN (sâm Ngọc Linh - PV), và thấy hàm lượng saponin cao hơn rất nhiều so với các loài sâm (Panax) khác. Năm 2012, TS Yu và tôi, cùng hai nhà khoa học VN gồm GS Đức và TS Vân, đã thăm vườn trồng SVN tại núi Ngọc Linh. Từ đó, chúng tôi quyết định hợp tác và phát triển SVN thành một sản phẩm hàng đầu thế giới đại diện cho VN, giống như nhân sâm Hàn Quốc".
Vị tiến sĩ đáng kính
Vườn sâm Việt của tình hữu nghị Việt - Hàn thành công hơn cả mong đợi có sự đóng góp của bộ tứ các nhà khoa học. Tuy nhiên, công lao lớn nhất phải nói đến ngài tiến sĩ về hưu Yun-Hyun Yu. Có thể lần đầu tiên, ông Yu xuất hiện trên truyền thông VN, nhưng câu chuyện ông "xa xứ" sang VN để kết duyên với sâm Việt đã gần 10 năm rất đáng ngưỡng mộ.
Gần 10 năm, tại thung lũng hoang vắng nằm ở xã Đạ Sar (H.Lạc Dương, Lâm Đồng) có một ông "quốc bảo" nhân sâm cặm cụi trồng sâm Việt. Bên ông có một vài kỹ sư và nhân viên người Việt phụ việc và mấy con chó canh giữ vườn sâm quý. Gần 10 năm, trên một khoảnh đất ban đầu rộng chừng 3.000 m2 dùng phương pháp nghiên cứu trồng sâm Việt, nay đội ngũ các nhà khoa học trồng sâm đã bắt đầu phát triển mô hình này với diện tích lên đến 50.000 m2 và "chủ xị" kỹ thuật trồng, chăm sóc vẫn là TS Yu. "Ở bên Hàn, TS Yu là người thành công, rất nổi tiếng và đủ đầy về kinh tế, nhưng ông vẫn chấp nhận đến đất nước xa xôi này, chấp nhận xa gia đình và cuộc sống tiện nghi vì cây SVN. Thật đáng quý!", TS Vân cảm động nói.
Vài lần được GS Minh Đức và TS Hồng Vân mời lên tham quan vườn sâm, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhìn các luống sâm con mọc lên như giá. Cạnh đó là những luống sâm nhiều tuổi hơn xanh mướt. Đã mắt nhất là nhìn những luống sâm đang đơm hoa, kết quả. Những chùm ken kín quả đỏ, điểm chấm đen đặc trưng của sâm Việt khoe sắc khiến ai cũng thích thú. Thật sự, chúng tôi cũng đã đến những vùng bản địa trồng sâm Việt (sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu), nhưng chưa thấy ở đâu sâm Việt lại phát triển tốt và có tỷ lệ hạt trên mỗi chùm cao đến vậy.
"Năm 2014, TS Yu đã có mặt tại đây. Lúc đó bắt đầu mua hạt sâm giống Việt về trồng, kết quả nảy mầm phát triển chồi lá đạt hơn 80%. Tiếp tục chăm sóc đến năm thứ 3, sâm lần lượt nở hoa, ai cũng mừng, còn tôi như muốn khóc. Được vậy phần lớn là nhờ TS Yu", TS Vân bồi hồi kể lại.
Đến vườn sâm Việt của nhóm nhà khoa học Việt - Hàn, chứng kiến TS Yu, nay đã ngoài 70 tuổi cẩn trọng, tỉ mỉ chăm sóc từng cây sâm, chúng tôi có cảm nghĩ rằng dường như ông xem hàng trăm ngàn cây sâm Việt kia như con, lắng nghe từng cơn nóng lạnh của thời tiết, biết được "sức khỏe" của nó để chăm sóc…