Thời sự - Bình luận

Hai vấn đề làm nóng nghị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tài nguyên đất và nước ví như đôi chân kiến tạo và phát triển vùng ĐBSCL.

Nếu như trước đây, người dân xứ này lo chạy lũ rồi biết chung sống với lũ thì nay nhiều người đang phải chạy lở, chạy tránh hạn, mặn. Khan hiếm nước, an ninh nguồn nước bị đe dọa, hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở đang trở thành thách thức lớn trong phát triển bền vững vùng ĐBSCL.Vấn đề này đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh ngày 4-6.

Nguyên nhân của tình trạng trên không khó để nhận diện. Việc các quốc gia đầu nguồn sông Mê Kông chặn dòng, xây đập thủy điện hay chuyển nước trên dòng chính ít nhiều làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng ĐBSCL, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng trên chính là những bất cập nội tại. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề. Bên cạnh đó, việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Trong khi công tác quản lý nhà nước về tài nguyên đất và nước còn nhiều bất cập, thiếu phối hợp, thừa chồng chéo.

Các đại biểu Quốc hội đã hỏi xoáy vào trách nhiệm của vị tư lệnh ngành tài nguyên - môi trường về công tác dự báo, dự phòng, các giải pháp gì để ổn định môi trường sống, bảo đảm sự phát triển bền vững vùng, việc tăng cường hợp tác với các nước đầu nguồn cũng như Ủy hội sông Mê Kông quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.

Khi "nước đói, đất khát" làm mất cân bằng hệ thống thì cần được nhận diện hệ thống với sự tiếp cận đa ngành, tăng cường phối hợp liên ngành. Cần một chiến lược tổng thể "cân bằng nước", nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên đất và nước bền vững. Thay đổi phương thức sản xuất và tiêu dùng nước theo hướng phát triển nền công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch đang là đòi hỏi bức bách.

Việt Nam nên thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vai trò thành viên của Ủy hội sông Mê Kông. Đây là tổ chức có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông.

Những giải pháp công trình là rất cần nhưng các giải pháp phi công trình là không thể thiếu. Chính quyền và người dân không thể ngồi chờ nhưng cũng không nên đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ. Bài toán cân bằng tổng thể và yêu cầu "chi phí - lợi ích" cần được đặt ra trước tiên cho bất kỳ quyết định đầu tư công trình vội vã nào.

Khoa học - công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Hiệu quả của việc chuyển giao công nghệ, tài chính khí hậu và nâng cao năng lực thích ứng của các chủ thể tham gia đóng vai trò quan trọng.

Có thể bạn quan tâm