Hân hoan trở lại trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm qua (4-5), học sinh bậc mầm non và tiểu học đã chính thức trở lại trường sau hơn 3 tháng phải tạm nghỉ để phòng-chống dịch Covid-19. Trước đó 1 tuần, học sinh bậc THCS và THPT cũng đã bắt nhịp trở lại với môi trường học tập. Thời điểm này, các cơ sở giáo dục đều đang tập trung ổn định tình hình và duy trì nền nếp dạy học theo chương trình quy định.

 


Đảm bảo an toàn trường học

Tại xã biên giới Ia Chía (huyện Ia Grai), tiết trời ngày 4-5 trong xanh, nắng đẹp. Hơn 400 học sinh Trường Tiểu học Cù Chính Lan, trong đó có khoảng 80% học sinh dân tộc thiểu số đã quay trở lại trường học tập. Sự háo hức hiện rõ trên từng gương mặt thơ ngây. Em Rơ Mah Chiêu (lớp 5A) hào hứng nói: “Được đi học trở lại, em vui lắm! Dù nhà gần trường nhưng em vẫn đến lớp sớm vì rất mong gặp lại thầy cô và bạn bè. Chúng em được đo thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang đúng cách để phòng ngừa dịch bệnh”.

Giáo viên Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: H.T
Giáo viên Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: H.T



Theo thầy Trần Văn Chương-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan, từ sáng sớm, tất cả giáo viên đã có mặt tại trường và cùng với phụ huynh tiến hành tổng vệ sinh khuôn viên, lớp học thêm lần nữa để đón học sinh. “Ngoài dung dịch rửa tay do nhóm tình nguyện Fly To Sky hỗ trợ, nhà trường mua thêm xà phòng Lifebuoy, khăn tay sạch cùng 100 chiếc khẩu trang y tế để phát cho học sinh nghèo và cận nghèo. Ngoài ra, nhà trường còn khuyến khích các lớp trích quỹ hoặc vận động phụ huynh tự mua khẩu trang cho con em mình, đảm bảo 100% học sinh đều đeo khẩu trang khi tới lớp; lắp đặt thêm 7 vòi nước sạch, nâng tổng số vòi nước trong trường lên 15 cái, cơ bản đủ để giáo viên và học sinh rửa tay thường xuyên”-thầy Chương thông tin.

Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku) cũng phun thuốc khử trùng, sát khuẩn 44 phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ và bồn rửa tay để đón 1.197 học sinh/31 lớp trở lại trường vào sáng 4-5. “Chúng em được cô giáo hướng dẫn rửa tay thật sạch; trong khi học, không được tháo khẩu trang và nếu có các biểu hiện như ho, sốt thì phải báo ngay cho cô biết để bảo vệ cho mình và các bạn trong lớp”-em Chu Ngọc Bảo An (lớp 32) bày tỏ.

Dù không còn phải chia tách lớp học để thực hiện giãn cách, song các trường vẫn phải thực hiện nghiêm các giải pháp phòng-chống dịch. Ảnh: Ngọc Thu
Dù không còn phải chia tách lớp học để thực hiện giãn cách, song các trường vẫn phải thực hiện nghiêm các giải pháp phòng-chống dịch. Ảnh: Ngọc Thu



Từ tuần học này, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường tổ chức lớp học như bình thường (không chia tách lớp như trước) song vẫn phải thực hiện các giải pháp phòng dịch. Thầy Nguyễn Trọng Ngoạn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah) cho hay: “Toàn trường có 21 lớp với 755 học sinh; trong đó khối lớp 1, 2, 5 học vào buổi sáng và khối lớp 3, 4 học vào buổi chiều. Ngoài triển khai các biện pháp phòng dịch cơ bản, nhà trường còn bố trí cho các em ra chơi lệch giờ để hạn chế tiếp xúc, đồng thời không tổ chức chào cờ tập trung mà chỉ sinh hoạt chung tại lớp. Tỷ lệ học sinh đến lớp trong ngày đầu tiên đạt trên 98%”.

Cũng trong ngày 4-5, các cơ sở giáo dục mầm non công lập lẫn tư thục trên toàn tỉnh nhộn nhịp không khí đón trẻ trở lại trường. Theo ghi nhận của P.V, hầu hết phụ huynh đều đeo khẩu trang cho con trước khi tới lớp. Việc đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cũng được các trường nghiêm túc thực hiện. Đáng chú ý, những bài hát liên quan đến dịch bệnh Covid-19, vũ điệu rửa tay, rèn luyện thân thể… vang lên khắp các lớp học và được các bé hào hứng đón nhận. Trước đó, các trường đã tổng dọn vệ sinh, khử khuẩn lớp học, đồ chơi, chăn màn và dụng cụ ăn uống cho trẻ. Cô Lê Thị Ngân-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Mai (TP. Pleiku) cho biết: “Trong ngày học đầu tiên, nhà trường đón khoảng 80% trẻ ở cả 2 cơ sở. Dù đã chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo môi trường học tập an toàn cho trẻ nhưng nhà trường vẫn phải tập trung cao độ công tác phòng dịch trong suốt thời gian trẻ đến lớp; bởi ở độ tuổi này, các cháu chưa thể tự ý thức được mà hầu như mọi thứ phải phụ thuộc vào cô giáo. Thêm vào đó, thời gian nghỉ học quá dài khiến không ít cháu trở nên rụt rè khi đến lớp, do vậy giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc giúp các cháu hòa nhập trở lại”.

Riêng khối THCS và THPT, sau thời gian trở lại trường học tập, mọi công tác đảm bảo an toàn phòng dịch vẫn được duy trì, tạo sự an tâm cho học sinh và phụ huynh. Trao đổi với P.V, thầy Nguyễn Đức An-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (thị xã Ayun Pa) cho biết: “Tuần trước, 975 học sinh của trường đã đi học lại. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã trang bị thêm 19 bồn rửa tay và yêu cầu học sinh phải mang theo bình, ly đựng nước cá nhân tới trường sử dụng nhằm đảm bảo vệ sinh. Thời gian đầu, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, trường đã chia mỗi lớp làm 2 nhóm, học theo thời gian xen kẽ nhưng giờ đã học tập bình thường. Tỷ lệ chuyên cần được duy trì ở mức 98,6%”.

Duy trì nền nếp dạy và học

Kỳ nghỉ dài ngày khiến không ít học sinh bị “lỗi nhịp” kiến thức dù nhiều trường đã tăng cường dạy học trực tuyến và triển khai các biện pháp ôn tập khác. Vì thế, khi học sinh trở lại trường, bên cạnh thực hiện theo chương trình học tinh giản mà Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn, các trường còn tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại học sinh theo môn học, lớp học để kịp thời xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên ôn tập, phụ đạo, kết hợp dạy ở lớp, dạy trực tuyến… nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Thầy Lê Văn Phương-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An-cho hay, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, chương trình của 15 tuần học đã được nhà trường xây dựng gói gọn lại trong 10 tuần học kể từ ngày 4-5 đến ngày 11-7. Trong thời gian tạm nghỉ học, nhà trường đã nỗ lực duy trì nền nếp cho học sinh tại nhà nên khi trở lại trường, ý thức học tập của các em tương đối tốt. Khi tới lớp, các em tiếp tục học bài mới, còn kiến thức cũ sẽ được giáo viên chủ nhiệm hệ thống lại và giao bài tập về nhà thông qua sự hỗ trợ, kèm cặp của phụ huynh.

 Các bé Trường Mầm non Hoàng Mai (TP. Pleiku) hào hứng với vũ điệu rửa tay để giữ gìn vệ sinh cá nhân trong ngày đầu tiên trở lại trường. Ảnh: H.T
Các bé Trường Mầm non Hoàng Mai (TP. Pleiku) hào hứng với vũ điệu rửa tay để giữ gìn vệ sinh cá nhân trong ngày đầu tiên trở lại trường. Ảnh: H.T



Trao đổi với P.V, cô Đinh Thị Loan-giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) chia sẻ: “Khi học sinh đi học trở lại, tôi cũng rất mừng vì việc truyền đạt các kiến thức cơ bản, cốt lõi sẽ được thực hiện thuận lợi hơn khi giảng dạy trực tiếp. Do thời gian học không còn nhiều nên chúng tôi chủ yếu tập trung vào các nội dung trọng tâm, còn lại sẽ hướng dẫn để các em về nhà tự tìm hiểu. Phương pháp dạy cũng được đổi mới để xốc lại tinh thần học tập, tạo hứng thú cho học sinh”.

Đối với các trường THPT, đây là khoảng thời gian để tăng cường kiến thức cho học sinh, nhất là khối 12, giúp các em vững tin bước vào kỳ thi quan trọng sắp đến. Riêng khối 10 và 11, học sinh cũng đã “bắt nhịp” học tập trở lại sau hơn 1 tuần đến lớp. Em Võ Thanh Trúc-học sinh lớp 11B (Trường THPT chuyên Hùng Vương) tâm sự: “Tuần qua, chúng em vừa ôn tập vừa lĩnh hội kiến thức mới. Vì chương trình đã được tinh giản nên việc học tập cũng nhẹ nhàng. Em sẽ cố gắng học thật tốt nhằm đạt kết quả cao vào cuối học kỳ, tạo đà vững chắc để lên lớp 12 vào năm học tới”.

Dẫu có nhiều nỗ lực song việc triển khai dạy học cho học sinh ở một số trường trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Thầy Trần Văn Chương cho hay: Vì nằm ở vùng biên với hơn 80% học sinh dân tộc thiểu số nên nhà trường không thể tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian các em nghỉ học mà chỉ ra đề cương ôn tập và phát tận nhà. Do đó, khi học sinh đi học trở lại, trường khá vất vả trong việc củng cố kiến thức cho các em, trong khi thời gian kết thúc năm học chỉ còn lại 10 tuần. Hầu hết học sinh lớp 1 đều quên cách đánh vần, phát âm tiếng Việt. Ban Giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên linh hoạt trong quá trình dạy, tập trung đi sâu vào hai môn Tiếng Việt và Toán để các em nắm kiến thức cơ bản; thậm chí có thể tăng thời gian học vào cuối tuần để phụ đạo, kèm cặp cho học sinh.

Giáo viên tập trung củng cố lại kiến thức cho học sinh sau kỳ nghỉ dài. Ảnh: Ngọc Thu
Giáo viên tập trung củng cố lại kiến thức cho học sinh sau kỳ nghỉ dài. Ảnh: Ngọc Thu

Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Khi học sinh toàn tỉnh đi học tập trung trở lại, Sở đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tổ chức đón học sinh, ổn định tình hình và duy trì nền nếp dạy học; tuân thủ các biện pháp phòng-chống dịch; phối hợp với phụ huynh quản lý chặt chẽ tình trạng sức khỏe của học sinh trước khi đến trường; đo thân nhiệt cho các em trước khi vào lớp; thực hiện giãn cách ở mức tối đa có thể khi ngồi trong lớp và hạn chế tiếp xúc gần lúc ra chơi. Cùng với đó, các trường cần tăng cường ôn tập lại kiến thức cũ cho học sinh, làm cơ sở để các em tiếp thu tốt bài mới”.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (thị xã Ayun Pa) cũng nêu khó khăn: “Tuần trước thực hiện giãn cách lớp học nên học sinh phải chia đôi, thời khóa biểu phải điều chuyển, chương trình dạy học có sự chênh lệch vì có lớp học 3 buổi, có lớp chỉ học 2 buổi. Giờ đây, khi nhập lại lớp học, kiến thức học chưa đồng bộ nên buộc giáo viên phải cố gắng nhiều hơn”.

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết: Tính đến ngày 4-5, học sinh toàn tỉnh đã trở lại trường học tập bình thường. Sở cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tình hình tại các cơ sở giáo dục. Qua thống kê sơ bộ, trong ngày học đầu tiên, tỷ lệ học sinh ra lớp bậc tiểu học đạt 97,6%, THCS đạt 91,2% và THPT là 96,7%. Riêng ở bậc mầm non, tỷ lệ đạt thấp hơn (63,6%), số trẻ vắng học rơi vào độ tuổi 3-4.

 HỒNG THI - NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm