Phóng sự - Ký sự

Hàng lậu tràn đồng mùa nước nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mùa lũ là mùa những cánh đồng nước giáp biên giới Campuchia nhộn nhịp như cái chợ. Những vỏ lãi lướt vun vút, tung bọt trắng xóa, rú rầm trời chạy tẹt ga đưa hàng lậu vào nội địa Việt Nam.

Nước trắng đồng, chỗ nào cũng có thể là đường đi của những chiếc vỏ lãi này.

Buôn lậu suốt ngày đêm

Cảnh buôn lậu tại điểm nóng dọc tuyến sông Sở Thượng thuộc hai xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp những ngày này tấp nập.

 

Các đối tượng buôn lậu chở thuốc lá từ Campuchia về Việt Nam bằng vỏ lãi chạy hết tốc lực trên kênh Vĩnh Tế (phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Đứng bên này sông Sở Thượng nhìn qua bên đất bạn thấy mồn một các đầu nậu đang cho người vác các bao hàng xuống xuồng. Đó là đường cát trắng. Đầy hàng, các xuồng nổ máy và chỉ chưa đầy 5 phút, những chiếc xuồng chở đầy đường đã tấp bên đất liền Việt Nam.

Tại đây, hàng chục thanh niên khỏe mạnh túc trực sẵn để đưa đường lên bờ. Rất lạ là không thấy bóng dáng lực lượng chức năng Việt Nam.

Ông Phong, người dân khu vực này, cho biết: "Buôn lậu vào mùa rồi, hàng lậu chở suốt ngày đêm. Chú nhìn bên kia sông kìa, đường chất như núi.

Chỉ cần đợi khi người canh đường bên này báo an toàn là họ chở sang. Cứ khi nào chuẩn bị có lực lượng chức năng ra quân là họ dừng. Tôi nghèo thiệt nhưng có chết đói cũng không tham gia mấy vụ này".

Sau điểm tập kết này, chúng tôi tiếp tục xuôi dòng xuống hạ lưu kênh Vĩnh Tế, thuộc ấp Bài Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang.

Ở đây, các nhóm buôn lậu tuồn hàng vào Việt Nam một cách... thoải mái. Hàng lậu ở đây phần nhiều là thuốc lá nhãn hiệu Hero, Jet. Sau khi tới Việt Nam, thuốc lá được đưa về các nhà sàn dọc kênh Vĩnh Tế thuộc phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc.

Nhóm buôn lậu tại khu vực cầu Vĩnh Ngươn rất chuyên nghiệp. Chỉ cần thấy xe lạ đi qua là các đối tượng này theo sát. Thậm chí còn tra hỏi như: Vào khu vực này làm gì? Đi với ai?...

Khi vừa thấy chúng tôi dừng xe trên cầu Vĩnh Ngươn, hai thanh niên xăm trổ đầy mình vỗ vai: "Đi đâu đây mày? Đi du lịch thì qua chợ Gò hoặc về núi Cấm, lảng vảng khu này chụp hình thì bầm mình".

Không chỉ hai điểm trên mà đường tỉnh 955A hướng Châu Đốc - Tịnh Biên cũng là một điểm nóng về buôn lậu. Cứ chập choạng tối, tại các ngã ba, ngã tư ở khu vực này xuất hiện "chim mồi" giăng võng nằm canh. Khi có lực lượng chức năng hoặc người lạ mặt xuất hiện sẽ lập tức cảnh báo cho nhóm. Lúc này, nhóm buôn lậu sẽ tìm nơi giấu hàng.

Hiện tại khu vực ấp Bài Bài, xã Vĩnh Tế có ba kho đường do ông V., ông T. và ông P. quản lý.

Thời gian hoạt động của ba kho này thường bắt đầu từ 14h hằng ngày đến 1h sáng hôm sau. Kho đường ông V. có 6 vỏ lãi, ông T. có 9 vỏ lãi và ông P. có 7 vỏ lãi chuyên chở đường cát trắng từ bên kia biên giới sang Việt Nam (cách khoảng 2 km).

Từ 20 giờ, các vỏ lãi chở hàng lậu bắt đầu hoạt động mạnh. Càng về khuya vùng biên giới xã Vĩnh Tế tràn ngập tiếng vỏ lãi với tốc độ cao tấp nập trên cánh đồng lũ biên giới. Nếu ở đường tỉnh 955A vắng vẻ thì trên cánh đồng lũ, hàng lậu chạy loạn xạ.

 

Chiếc xe tải khủng chở đường cát trắng tập kết phía đất bạn Campuchia để vận chuyển từng bao đường xuống xuồng đưa sang Việt Nam.

Từng đoàn vỏ lãi chạy tung tóe nước. Quy mô buôn lậu ở An Giang lớn hơn so với nhóm buôn lậu tại Đồng Tháp, sử dụng cả xe tải trọng 15-20 tấn để chuyển hàng.

Có hay không sự tiếp tay?

Lý giải vì sao buôn lậu đường cát Thái Lan rầm rộ giữa ban ngày mà không có bóng dáng lực lượng chức năng, ông Nguyễn Văn Khơi - chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) - giải thích: mùa lũ nước mênh mông nên nhóm buôn lậu đi đường nào cũng được và vận chuyển số lượng tăng gấp nhiều lần so với bình thường nên rất khó bắt giữ.

Khi đặt vấn đề có hay không các xã ngó lơ và bị mua chuộc, ông Khơi nói: "Vấn đề mua chuộc cán bộ thì mình chưa tìm được chứng cứ. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi vấn đề đó...".

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trong quý 3 đã phát hiện 501 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2016.

Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 12 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2016. Trong đó, thuốc lá nhập lậu bắt giữ trên 337.000 gói, đường cát nhập lậu bắt giữ gần 210 tấn.

Riêng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng An Giang bắt được 50 vụ buôn lậu. Chúng tôi đặt vấn đề tại sao chốt gác của đồn biên phòng Vĩnh Ngươn rất gần khu vực ba lò đường ở ấp Bài Bài mà lực lượng không bắt giữ?

Có hay không cán bộ tiếp tay? Đại tá Phan Minh Huyền - trưởng Phòng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng An Giang - nói: "Cho đến thời điểm này chưa phát hiện nhưng trong dư luận vẫn có cán bộ biên phòng tiếp tay. Bộ chỉ huy sau khi nghe thông tin đã điều chuyển nhiều anh em".

Hung hãn

Nói về tình trạng buôn lậu mùa lũ này ở địa bàn, đại tá Phan Minh Huyền - Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng An Giang - cho biết trên các tuyến hàng lậu đi qua, các nhóm buôn lậu đều bố trí hàng chục đàn em canh gác hoặc thậm chí nếu cần, chúng hung hãn ra tay đánh đập, khống chế, hù dọa, buộc xóa nếu có ghi hình ảnh...

Thậm chí, đại tá Huyền còn cho biết: "Nhóm buôn lậu còn cho người lảng vảng ở các cơ quan chống buôn lậu, đồn biên phòng, công an nên khi biết sắp ra quân là các nhóm buôn lậu lặn hết.

Nhiều lúc lực lượng phải đánh lạc hướng và bao vây trên cánh đồng lũ, nhưng đến khi bí đường thì chúng nhận chìm cả xuồng".

Sẽ xử lý hình sự

Ban chỉ đạo 389 An Giang cho biết các nhóm buôn lậu coi từ nay đến hết năm là cơ hội để làm ăn. Trong đó, đáng chú ý là mặt hàng thuốc lá.

Ông Phan Lợi - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường An Giang kiêm phó Ban chỉ đạo 389 - phân tích: "Nhóm buôn lậu biết hiện giờ vận chuyển thuốc lá lậu không xử lý hình sự được bởi Luật đầu tư và Luật thương mại "đá" nhau.

Quốc hội đã điều chỉnh lại vấn đề này rồi nên bắt đầu từ ngày 1-1-2018, vận chuyển từ 500 bao thuốc lá lậu trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Còn bây giờ là giai đoạn cuối năm và cũng rơi vào mùa lũ nên họ sẽ vận chuyển nhiều hơn".

Bửu Đấu - Hữu Khoa/tuoitre

Có thể bạn quan tâm