Hàng thủ công, mỹ nghệ loay hoay tìm đầu ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 1 năm nay, hàng thủ công, mỹ nghệ của Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Nguyên (thôn Hoàng Ân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) không tìm được đầu ra cho sản phẩm khiến sản xuất trì trệ.

Chúng tôi ghé thăm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thảo Nguyên vào một ngày cuối tháng 4. Giữa cái nắng oi ả, cơ sở của HTX vắng lặng, yên tĩnh như không hề hoạt động. Không thể nhận ra nơi cách đây khoảng 2 năm trước lúc nào cũng đông đúc, ồn ã bởi tiếng cười nói, tiếng đan lát, đục đẽo của hàng trăm người đến từ khắp trong xã.

 

Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T

Thành lập từ năm 2004 với các nghề: trồng trọt, chăn nuôi, làm hàng thủ công đan lát (đan mây, đan chuối)... HTX từng thu hút được hơn 70 xã viên, nhưng bây giờ chỉ còn lại khoảng 30 xã viên với 15 lao động chính phụ trách chăn nuôi. Bà Trần Thị Anh Đào-Trưởng phòng Kinh doanh của HTX nhớ lại: “Khoảng năm 2007-2012 HTX hưng thịnh nhất bởi lúc đó mặt hàng đan lát vẫn đang có đầu ra ổn định. Khi ấy, HTX nhận làm hàng cho HTX Ba Nhất của TP. Hồ Chí Minh chuyên xuất đi nước ngoài.

Giá công làm cà phê khi ấy vẫn còn rất thấp trong khi đi đan lát, mỗi người có thể kiếm được 1-2 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn có thể nhận đem về nhà làm để tăng thêm thu nhập. Những năm đó, đi đâu cũng thấy già, trẻ, gái, trai cặm cụi ngồi đan từng cái làn, cái mẹt, làm từng mô hình nhà sàn, nhà rông, vui lắm”. Không chỉ vậy, thời gian đó, HTX còn cho chị em đồng bào dân tộc thiểu số mượn len để dệt thổ cẩm. Lúc ấy, nhà nào có phụ nữ là đều treo khung cửi để dệt thành từng cái áo, cái khố đem bán.

Thế rồi, vật giá lên cao đẩy ngày công lao động cũng tăng theo trong khi giá thành đặt hàng sản phẩm đan lát vẫn như cũ khiến HTX không đủ sức giữ chân người làm. Dần dần, đơn hàng đứt, người lao động cũng không còn thiết tha với việc ngồi đan bởi công làm thuê đã được 120.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày. Hàng dệt thổ cẩm cũng rơi vào tình trạng tương tự khi mặc dù kiểu dáng đẹp, chất lượng tốt nhưng giá thành quá cao. “Cái khó nhất của HTX chính là không tìm được nguồn hàng trực tiếp, chỉ có thể nhận qua trung gian nên không chủ động được giá cả cho sản phẩm”-bà Đào cho biết. Không dừng lại ở đó, HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên còn thử sức mình với hàng gỗ mỹ nghệ với các sản phẩm được sáng tạo bằng gốc cây cà phê-một nguyên liệu sẵn có, dễ tìm. Mặc dù có cố gắng, song các sản phẩm gỗ mỹ nghệ này cũng chỉ được làm dè dặt, thỉnh thoảng mới có đơn đặt hàng hoặc đem đi triển lãm, hội chợ để trưng bày.

 

Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T

Bên trong HTX, ngoài một số sản phẩm hàng gỗ mỹ nghệ đang nằm chờ người mua thì vẫn còn tồn rất nhiều hàng dệt thổ cẩm, các sản phẩm đan lát. Chị Trương Thị Thảo (thôn Hoàng Ân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông)-một xã viên của HTX bày tỏ: “Những năm trước hàng thủ công đan lát của HTX được tiêu thụ mạnh, đi khắp các tỉnh thành khác. Sau rồi giá đặt hàng vẫn giữ nguyên mà giá công làm lại cao nên không thể nào duy trì được nên đành tạm dừng. Hiện tại, HTX chủ yếu chú trọng sang chăn nuôi heo rừng lai, trồng cây mắc ca, cà phê... mà thôi”.

Dự định sắp tới, HTX sẽ thực hiện nuôi bò nhốt với quy mô lớn và sẽ tiếp tục kết nạp mới xã viên. Mặc dù vậy, bà Đào vẫn ngỏ ý muốn tiếp tục được quay lại và phát triển nghề thủ công đan lát. Bà chia sẻ:”Tôi vẫn mong cấp trên quan tâm, tạo điều kiện để HTX có đầu ra sản phẩm ổn định để những người lớn tuổi, người già hay lúc nông nhàn, mọi người ở đây vẫn có việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm