Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Hàng trăm công nhân ngưng làm việc để đòi hỏi quyền lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 19-8, hơn 300 công nhân làm việc ở khâu vỏ lụa tay (lột vỏ hạt điều) của Công ty TNHH OLam, Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku đã ngưng làm việc tập thể và tập trung trước trụ sở Công ty để phản đối việc Công ty trả lương quá thấp, không đảm bảo cho cuộc sống và cắt giảm các chế độ của công nhân trong một thời gian dài.

Ảnh: Lê Anh
Ảnh: Lê Anh

Theo phản ánh của đại diện các công nhân (xin giấu tên): Từ trước đến nay, Công ty TNHH OLam trả lương cho công nhân ở khâu vỏ lụa tay hạt điều tính theo sản phẩm làm được trong tháng. Theo đó, 1 kg hạt điều được bóc vỏ (còn nguyên hạt) sẽ được tính công với giá 13.350 đồng (có trợ giá theo bậc thang nếu năng suất làm việc tăng, mức trợ giá cao nhất 1.200 đồng/kg). Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, sau khi Công ty cho hạt điều qua nhiều lần vỏ lụa máy (lột vỏ bằng máy), số hàng còn lại đưa về khâu vỏ lụa tay có vỏ quá sát hạt, trong quá trình làm thường bị vỡ hạt (không tính công), nên công nhân không thể đảm bảo năng suất lao động. Nếu thời gian trước, mỗi ngày công nhân có thể bóc được từ 11 kg đến 13 kg hạt điều, thì hiện nay chỉ còn từ 5 kg đến 7 kg, nhưng Công ty không tăng giá tiền công, nên mức lương của công nhân chỉ còn từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng, khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, không hiểu lý do gì, Công ty cũng cắt luôn phần hỗ trợ sữa của công nhân từ 6 bì/tuần xuống còn 3 bì/tuần và rất nhiều công nhân dù ký hợp đồng lao động nhưng không được đóng bảo hiểm theo quy định… Dù đã nhiều lần công nhân đề đạt ý kiến lên Ban Giám đốc Công ty, nhưng không được trả lời thỏa đáng, nên họ ngưng làm việc để đòi hỏi quyền lợi của mình.

Từ những ý kiến phản ánh của công nhân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Dung-Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH OLam về sự việc trên thì bà cho biết: “Hiện nay, toàn Công ty có 1.050 công nhân, trong đó chỉ có 350 người đóng bảo hiểm theo quy định, những công nhân còn lại (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) chúng tôi cũng đã vận động nhưng họ không muốn đóng và có ký cam kết với Công ty. Còn việc cắt giảm chế độ sữa của công nhân thì mới chỉ bắt đầu từ ngày 1-8, do Công ty vừa bỏ nguồn kinh phí lớn để sửa chữa nhà máy, hiện gặp khó khăn về kinh tế nên tạm thời cắt giảm chế độ hỗ trợ sữa. Ngoài ra, công nhân phản ánh về năng suất lao động thấp thì một phần do ý thức lao động của một số công nhân chưa cao, trong quá trình nhập hàng đôi khi cũng có những lô hàng xấu và chúng tôi ghi nhận điều này. Tuy nhiên, quá trình vỏ lụa máy nhiều lần mới chỉ thí điểm từ chiều 18-8, chứ không có chuyện từ đầu năm đến nay. Trong ngày 20-8, Ban Giám đốc Công ty sẽ họp để thống nhất hướng giải quyết và thông báo cụ thể đến các công nhân của Công ty…”.

Được biết, trong ngày 19-8, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng có đoàn công tác đến để ghi nhận ý kiến của công nhân và làm việc với Công ty TNHH OLam để giải quyết sự việc, nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân và công ty.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm