(GLO)- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được phát động hơn 5 năm nay và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, khi người dân có ý thức rõ ràng về những nguy hại cho sức khỏe mà hàng Trung Quốc có thể gây ra thì hàng Việt càng có chỗ đứng. Tuy nhiên, hàng Việt về nông thôn lâu nay vẫn đang dừng lại ở sự nghèo nàn về số lượng, chất lượng thì thường theo sau giá thành và mẫu mã sản phẩm.
Hàng Việt về nông thôn còn nghèo nàn về số lượng. Ảnh: Nguyễn Giang |
Chúng tôi dạo một vòng chợ Ia Nhin (xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) và nhận thấy cả khu chợ chỉ có vài ba gian hàng bày bán các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam như giày dép, quần áo, đồ gia dụng và nông cụ. Các gian hàng này đều vắng người mua. Điều đáng nói là nhiều mặt hàng tuy được người bán giới thiệu là hàng Việt Nam nhưng lại không có nhãn mác tên doanh nghiệp hoặc nơi sản xuất. Nhiều mặt hàng của Trung Quốc lẫn vào với mẫu mã bắt mắt hơn. Người bán giúp người mua nhận biết hàng Việt Nam qua mẫu mã sản phẩm với câu nói thật thà: “Cái nào nhìn không được đẹp lắm thì là của Việt Nam!”.
Chị Thủy, một người bán hàng thời trang ở chợ Ia Nhin đã nhiều năm nay cho biết: “Các mặt hàng của Việt Nam nếu lựa chọn được mẫu mã đẹp, chất lượng thì giá thành lại cao nên không thể tiêu thụ được ở vùng nông thôn. Chúng tôi chỉ dám lấy những loại hàng giá thành rẻ vì thế hàng thường bị một vài lỗi về đường may, màu sắc. Những lỗi ấy, khách hàng nông thôn lại ít để ý vì đa số họ chỉ quan tâm đến giá cả, khi giá cả chấp nhận được thì nhiều người dù có phát hiện ra lỗi cũng sẵn sàng bỏ qua”.
Cũng theo chị Thủy, hàng Việt Nam ở vùng nông thôn còn rất hạn chế về số lượng, chất lượng không đảm bảo nên chỉ đáp ứng được một bộ phận nhỏ người tiêu dùng dễ tính và có kinh tế hạn hẹp. “Nghe người ta nói về những độc hại của hàng Trung Quốc thấy sợ quá nên dù rẻ cũng không dám mua. Lâu nay tôi đã chuyển sang lựa chọn các mặt hàng của Việt Nam dù mẫu mã không được đẹp, chất lượng thấp nhưng điều đó mình phải chấp nhận vì giá cả của chúng rẻ. Tôi cũng rất thích những sản phẩm của Việt Nam có mẫu mã đẹp, chất lượng nhưng giá thành lại quá cao nên mình không thể mua nổi”- chị Hòe, chủ một hàng chè ở chợ Ia Nhin nói. Khi được hỏi thêm về cách nhận biết những mặt hàng được giới thiệu là hàng Việt Nam nhưng không có nhãn mác ghi nơi xuất xứ, chị Hòe nói thêm: “Thường thì mình sẽ tin vào lời người bán hàng nhưng cũng có cách để nhìn ra hàng Việt Nam thông qua mẫu mã, chất liệu, màu sắc. Hàng Việt về những vùng nông thôn như thế này thường không được bắt mắt như hàng Trung Quốc dù giá cả có thể tương đương”.
Ngoài các gian hàng cố định, hàng Việt Nam về nông thôn còn dưới hình thức hội chợ, triển lãm hay các gian hàng di động lâu lâu mới xuất hiện ở các chợ nông thôn. Các mặt hàng này thường là quần áo, giày dép, dụng cụ làm bếp, chăn, ga, gối, nệm... Hình thức kêu gọi người tiêu dùng của các gian hàng này là có khuyến mãi lớn như mua 3 tặng 1, thậm chí là mua 1 tặng 1. Giá thành của các mặt hàng này được chúng tôi ghi nhận là theo sau mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Tuy giá thành rẻ, chương trình khuyến mãi lớn nhưng nhiều người dân vẫn tỏ ra hờ hững với những mặt hàng này.
Chị Mai Thị Tiên (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) đã nhiều lần sử dụng các mặt hàng được bày bán như thế này nhận xét: “100% các mặt hàng này là hàng Việt Nam nhưng có chất lượng thấp, đa phần là hàng lỗi của các doanh nghiệp, nhà máy thải ra. Qua nhiều lần sử dụng thấy chất lượng không đảm bảo nên tôi không còn ham rẻ mà mua các mặt hàng như vậy nữa”.
Nguyễn Giang