(GLO)- Sớm qua, tôi nhận được một cuộc điện thoại của người bạn, hiện là giáo viên một trường THCS ở huyện Chư Pah. Anh gọi, để chúc mừng nhân Ngày Gia đình Việt Nam. Lời anh phảng phất như một triết lý: “Em vẫn nhớ hai câu thơ Nhật Bản lay động lòng người này chứ: “Xuống đây chơi với mình/Hỡi con chim mất cha, mất mẹ”. Thế đấy, thật là hạnh phúc khi chúng ta có gia đình. Và, những người biết gìn giữ niềm hạnh phúc đó chính là những người thông minh nhất, khôn ngoan nhất…”.
Chiếc gương soi hạnh phúc
Miên man trong câu chuyện, chúng tôi dành phần lớn thời gian để luận bàn về hạnh phúc gia đình. Theo anh bạn tôi, hạnh phúc gia đình thì nhiều vô kể, bởi có những điều tưởng như rất nhỏ nhưng lại tạo nên nguồn vui rất lớn, ví như một ánh nhìn âu yếm của vợ, một lời tin cậy của con, một lời ân cần của mẹ… cũng đã nhân lên sức mạnh vun đắp sự bền vững của gia đình. Và, lúc ta cảm nhận được hạnh phúc nhiều nhất có lẽ là khi ta cùng gia đình quây quần bên mâm cơm ấm nồng hương vị cuộc sống-mà nói theo cái cách của anh, bữa cơm ấy chính là chiếc gương soi hạnh phúc của gia đình.
Một gia đình hạnh phúc là một gia đình có những bữa cơm thường xuyên đông đủ mọi thành viên và luôn tràn ngập tiếng cười. Như gia đình anh chẳng hạn, dù vợ chồng có thuận hòa đến mấy vẫn không tránh khỏi những giận hờn, va chạm, thậm chí là cãi vã; nhưng những “sóng gió” ấy lại lần lượt qua đi khi anh nhìn vợ cặm cụi nấu nướng với những món ngon nhất dành cho chồng con trong những bữa cơm ăm ắp lời quan tâm, chia sẻ ngọt ngào…
Thực tế cho thấy, trong các gia đình hiện nay, việc biểu hiện và cảm nhận hạnh phúc qua bữa cơm gia đình của mỗi người mỗi khác, tùy vào từng hoàn cảnh, từng công việc của mỗi thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, trong quan niệm của nhiều người, bữa cơm vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình.
Ông Nguyễn Ôn Cung (thôn Ia Ping, xã Ia Ly, huyện Chư Pah)-một người đã ở vào độ tuổi xưa nay hiếm, một người đã từng trải qua những khúc mắc, khó khăn trong cuộc sống gia đình, chia sẻ: Ngoài công việc, khi sum họp của gia đình, bữa ăn còn là lúc để hướng con trẻ cách sống và đạo đức làm người, ngay từ những điều nhỏ nhất như việc “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” đến chuyện lễ nghĩa với người trên, nhường nhịn người dưới… Các con tôi nay đã trưởng thành, có một công việc ổn định, có một gia đình nhỏ yên ấm và các cháu cũng lại học theo bố mẹ mình, dạy dỗ con cái ngay trong mỗi bữa ăn gia đình.
Vì nụ cười của con
“Bát đĩa còn có khi xô, nữa là vợ chồng, tuy nhiên nếu mỗi người vợ hoặc chồng biết sống cho nhau, sống vì nhau, sống xứng đáng với nhau và biết sống vì con cái thì chắc chắn sẽ có một mái ấm thực sự”-chị Hoàng Thanh Hương (tổ dân phố 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) tự tin khi trao đổi với tôi về “bí kíp” dựng xây nên hạnh phúc của gia đình mình. “Chỉ cần ích kỷ thêm một chút, ít bao dung độ lượng một chút là gia đình có thể bị tan vỡ và đó là tai họa lớn nhất của mỗi cuộc đời”-chị Hương nói thêm.
Sống vì nhau, đặc biệt là sống vì con cũng là phương châm sống của rất nhiều người mà tôi có dịp gặp gỡ, chuyện trò. Chị Hiền-một người quen của tôi không ngần ngại bày tỏ: “Mấy năm về trước, gia đình tôi luôn được đặt trong tình trạng “bên bờ vực thẳm” vì những bất đồng của hai vợ chồng. Cho đến khi tôi đọc được trên báo lời của một nhà giáo dục học nổi tiếng người Mỹ.
Ông ta cho rằng, tình trạng gia đình ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai của con cái nhiều hơn bất cứ yếu tố nào khác, kể cả chủng tộc, thu nhập và học vấn của cha mẹ. Không những thế, ông ta còn đi điều tra về tình trạng những đứa trẻ bị tan vỡ gia đình trong toàn nước Mỹ và cho chúng ta một bản thống kê ai đọc cũng giật mình, cụ thể: Những đứa trẻ trong các gia đình bị tan vỡ tự tử nhiều gấp 5 lần, bỏ nhà đi lang thang gấp 32 lần, bị đưa vào viện tâm thần nhiều gấp 9 lần, vào tù nhiều gấp 10 lần... Tôi đem những gì đã đọc nói lại với chồng; sau lần nói chuyện đó, cuộc sống của gia đình tôi khác hẳn. Chúng tôi dần bớt và chấm dứt những trận cãi vã thâu đêm, thay vào đó là sự quan tâm đến nhau, quan tâm đến con cái. Đúng là thật hạnh phúc khi ta có gia đình…”.
Thu Huế