Hành trình tìm kiếm những cứ liệu lịch sử về Báo Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quá trình đi thu thập tài liệu phục vụ cho Đề tài Lịch sử Báo chí cách mạng Gia Lai giai đoạn 1945-2010, chúng tôi những người thực hiện phải “hành quân” từ Nam chí Bắc, vào các bảo tàng, thư viện, lặn lội ở các chiến khu xưa… gặp gỡ các nhân chứng, người dân để mong tìm được những di vật, đặc biệt là những tờ báo xuất bản trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Qua những nhân chứng là các đồng chí cán bộ cách mạng như : Đỗ Hằng, Nguyễn Khoa, Ngô Thành, Nguyễn Thái Thưởng, Ngô Sỹ, Nguyễn Văn Bồng… chúng tôi tìm ra một số manh mối nhưng chưa phải là đầu mối để lần ra sự thật.
 

 Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Tất cả những cái tên trên măng-set các tờ tin, tờ báo, nội san trong từng thời kỳ chiến tranh lần lượt được xác định tương đối chính xác như: Thông tin Gia Lai, báo Sáng, Nỗ Lực, Vững Tiến, Quyết Tiến, Thống Nhất, Giải Phóng… Bên cạnh đó còn có tờ văn nghệ Tiếng Cồng hồi đầu kháng chiến chống Pháp của anh chị em văn nghệ sĩ Liên khu. Có một nguyên tắc mà người làm khoa học lịch sử phải tôn trọng là sự thật qua các tư liệu, hiện vật để chứng minh những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ là đúng như nó diễn ra. Những tư liệu chưa đủ hoặc còn non thì chưa thể đưa ra kết luận hay nhận định gì. Điều đó khiến nhóm sưu tầm tư liệu quả là đau đầu vì thiếu những di vật trực tiếp, đó là những tờ báo thời ấy; chúng đã biến mất hẳn, không còn lại dấu tích gì ở các nơi lưu trữ hay cất giữ bởi cá nhân nào, chỉ được nghe nhắc lại qua trí nhớ mong manh của những nhân chứng sống làm ra sản phẩm ấy hoặc những cán bộ kháng chiến đã từng được đọc nó trong chiến tranh. Ngay chính tờ báo Sáng và tờ Thông tin Gia Lai được xác định là những tờ báo đầu tiên của tỉnh trong kháng chiến chống Pháp sau 1945, có ghi trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai 1945-2005 của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia năm 2009 và Lịch sử Công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2010), cũng chỉ là “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”; các kho tư liệu từ địa phương đến trung ương không còn lại dấu vết nào.

Có lẽ qua các nhân chứng trực tiếp là những người lãnh đạo và thực hiện như: đồng chí Phan Thêm (nguyên Bí thư Tỉnh ủy), đồng chí Phan Bá (Võ Đông Giang)-nguyên Tỉnh ủy viên, Chủ bút tờ báo Sáng và đồng chí Nguyễn Thái Thưởng-người trực tiếp viết chữ và in li-tô tờ báo Sáng… nên chúng ta có cơ sở để khẳng định có một tờ báo Sáng ra đời vào thời điểm đầu năm 1947. Trong cuốn Lịch sử công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Gia Lai 1945-2010 đã ghi: “Để tăng cường công tác tuyên truyền cổ động qua báo chí, ngoài tờ Thông tin Gia Lai có từ tháng 9-1946, nay tăng kỳ, Đảng bộ còn ra tiếp tờ báo Sáng lấy danh nghĩa là cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin của tỉnh Gia Lai. Số báo Sáng đầu tiên ra ngày 16-3-1947, khổ A5, từ 12 đến 16 trang, mỗi tháng 2 kỳ. Tháng 9-1947 theo sự thống nhất giữa tỉnh và Trung đoàn 120, tờ Thông tin ngừng hoạt động và các cơ quan dân quân chính tỉnh cùng ra chung tờ báo lấy tên là Nỗ Lực, mỗi tháng 2 kỳ, 4 trang, khổ giấy A3” (tr. 63).

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Riêng trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, chỉ ghi vắn tắt: “Để tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, Tỉnh ủy cho phát hành tờ Thông tin Gia Lai, tiếp theo là tờ báo Sáng, cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy, nhằm phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, các chủ trương của Đảng bộ tỉnh và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, động viên đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sản xuất, chiến đấu” (tr.168). Căn cứ vào 2 tài liệu lịch sử chính thức này, chúng ta nhận thấy có các thông tin sau: Tờ Thông tin Gia Lai ra đời đầu tiên, trước tờ báo Sáng; cho đến khi tờ báo Sáng được phép xuất bản thì đồng thời tờ Thông tin Gia Lai vẫn tồn tại song hành. Cả hai tờ báo trên đều là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh mặc dù lấy danh nghĩa của các tổ chức khác. Cho đến quý IV-1947 thì có một tờ báo mới ra đời mang tên Nỗ Lực thuộc Trung đoàn 120 (trước đó là Trung đoàn 210) và các tờ báo thuộc Tỉnh ủy phải đình bản.

Hiện nay, Báo Gia Lai lấy ngày 16-3 hàng năm làm Ngày truyền thống của mình trên cơ sở trước đây các vị tiền bối cách mạng xác định ngày 16-3-1947 là ngày xuất bản số đầu tiên của tờ báo Sáng. Từ đây, khi chúng tôi đi thực tế để làm tư liệu thì phát sinh ra nhiều vấn đề xung quanh việc xác định ngày tháng ra đời của tờ báo Gia Lai đầu tiên. Chính vì các tờ báo đầu tiên này bị thất lạc không còn trong các kho lưu trữ nên việc tìm ra sự thật của sử liệu chỉ còn cách duy nhất là thông qua trí nhớ của các cán bộ trực tiếp và gián tiếp làm ra sản phẩm báo chí lúc bấy giờ. Vì thời gian quá dài mà lịch sử cách mạng qua nhiều thời kỳ đầy biến động với lớp lớp sự kiện, bên cạnh lớp cán bộ thời kháng chiến chống Pháp còn lại rất ít, nhất là số người có tham gia làm báo ở thời ấy, còn sống rất hiếm, hầu hết đến nay đều tuổi cao sức yếu, ký ức bị bào mòn theo năm tháng. Do vậy, để có một ngày tháng cụ thể, chính xác diễn ra các sự kiện lúc bấy giờ thì quả là một vấn đề nan giải. Chúng tôi phải sàng lọc qua nhiều nguồn thông tin, chắp nối các sự kiện liên quan trong cùng một thời gian, không gian nhất định để đưa ra những dự đoán có căn cứ và xác định các mốc thời gian của sự kiện lịch sử đã diễn ra. Đó là một cách làm có khoa học nhưng đòi hỏi phải có thời gian, kiên trì và tỉ mỉ mới có thể cho ra kết quả đáng tin cậy. Chính vì thế, chúng tôi phải đến Huế 2 lần để gặp một nhân chứng quan trọng và có lẽ là người duy nhất còn lại khá minh mẫn của lớp cán bộ chống Pháp, bấy giờ được giao nhiệm vụ trực tiếp in ấn tờ Thông tin Gia Lai và tờ báo Sáng, đó là bác Nguyễn Thái Thưởng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, hiện đang sống tại huyện Phú Lộc-Thừa Thiên Huế. Bác Thưởng thời ấy còn là một thanh niên được học hành và viết chữ đẹp nên các đồng chí lãnh đạo như Phan Thêm, Phan Bá tin tưởng sử dụng như một thư ký giúp việc. Và khi có chủ trương hình thành các tờ báo cách mạng đầu tiên, bác Thưởng được giao nhiệm vụ phụ trách việc in li-tô thuộc cơ quan Tỉnh ủy. Theo ý kiến của bác Thưởng thì tờ Thông tin Gia Lai ra đời và tồn tại 14 tháng (từ 15-9-1946 đến tháng 11-1947).

Về nội dung và hình thức, tờ Thông tin mang đầy đủ tính chất của một tờ báo chính trị-xã hội, có xã luận sát hợp với từng thời điểm, từng sự kiện xã hội, có tuyên truyền đường lối chính sách, có điểm thời sự, có hướng dẫn công tác… chứ không phải chỉ là một bản tin như một số người hiểu. Báo do cơ quan Việt Minh đứng tên, thực chất là của Đảng bộ tỉnh đảm nhiệm, cũng giống như báo Sáng, trên danh nghĩa là cơ quan của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin. Bác Thưởng đề nghị cần nghiên cứu lại và nên lấy ngày 15-9-1946 làm Ngày truyền thống Báo chí cách mạng Gia Lai-ngày phát hành số báo Thông tin Gia Lai số 1. Bác đã khẳng định với chúng tôi là ngày ra tờ báo Sáng số 1, chắc chắn không phải là ngày 16-3-1947 (chỉ sau trận Tú Thủy vài ngày). Vì do thất bại của ta trong trận Tú Thủy, bọn Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố và càn quét cả vùng Định Quang, bên hữu ngạn sông Côn đối diện với Vĩnh Thạnh-Bình Định, nơi Tỉnh ủy Gia Lai tạm đóng. Để đảm bảo an toàn, các cơ quan tỉnh phải di chuyển về Bình Phú-Bình Thành, lo ổn định chỗ ở, nơi làm việc. Như vậy trong thời gian này không thể ra báo Sáng được mà phải sau đó, ít ra là đầu tháng 4-1947.

Chúng tôi cho đây là ý kiến đầy trách nhiệm cần xem xét một cách nghiêm túc.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm