Phóng sự - Ký sự

Hành trình tìm loài cá đắng trên dãy Hoàng Liên Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong chuyến vượt dãy Hoàng Liên Sơn, cùng quân và dân xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) tuần tra biên giới, bên cạnh sự cảm phục dành cho những cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng, dân quân, nhân dân xã Sin Suối Hồ, được chiêm ngưỡng vô vàn điều kỳ thú của chốn thẳm xanh kỳ vĩ, chúng tôi còn được biết về một loài cá cực kỳ quý hiếm mà theo người dân nơi này chỉ có ở dãy Hoàng Liên Sơn.

Loài cá này không chỉ đặc biệt ở nơi sinh sống mà còn được bà con coi là một vị thuốc đại bổ bởi vị đắng mà chỉ những chú cá được thiên nhiên ưu đãi mới có.

 

Thượng nguồn suối Chảng Phàng - nơi loài cá đắng sinh sống.
Thượng nguồn suối Chảng Phàng - nơi loài cá đắng sinh sống.

Hoàng Liên Sơn - dãy núi được mệnh danh là “nóc nhà Đông dương”, cao vút và hiểm trở luôn là thách thức của bất kỳ ai muốn chinh phục. Trong chốn hoang nguyên ấy luôn có những bí mật mà khi khám phá bất kỳ ai cũng phải trầm trồ, ngả mũ trước sự kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên.

Anh Lý Vần Xiên - Chủ tịch HĐND xã Sin Suối Hồ - giải thích: Có nhiều cách lý giải cho cái tên Hoàng Liên Sơn nhưng theo nhận định của người dân chúng tôi do dãy núi này có nhiều cây hoàng liên (một loại cây thuốc quý) nên từ tên một ngọn núi mà người ta gọi chung cả dãy núi là Hoàng Liên.

Ngày nay, do sự thu mua của thương lái trong và ngoài nước, cây hoàng liên “chảy máu” rất nhiều nên những dãy núi trước kia bạt ngàn hoàng liên thì nay đã chỉ còn lác đác. Người già kể rằng, ngày xưa có những khe núi chảy qua những trảng bạt ngàn cây hoàng liên nên nước khe, rêu đá cũng có vị đắng và đặc biệt có một loại cá ăn thứ rêu đá, nước khe ấy nên thịt cũng có vị đắng.

Quyết tâm chứng thực chuyện cá đắng Hoàng Liên Sơn, chúng tôi trở lại xã Sin Suối Hồ vào một ngày cuối năm đẹp nắng. Sin Suối Hồ hôm nay đã khởi sắc hơn nhiều, được sự đầu tư của Nhà nước, sự đồng lòng nhất trí của bà con trong xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng vùng biên cương vững mạnh nói riêng, từ đường ống nước, đường dây diện, đến con đường, trạm y tế... tất cả đều được xây dựng kiên cố và bề thế.

 

Đường cổ giữa đại ngàn.
Đường cổ giữa đại ngàn.

Đến đây, tôi còn được nghe “kỳ tích” của bà con bản Sin Suối Hồ khi họ đồng lòng nhất trí góp hơn một vạn ngày công để mở đường, khai thác vật liệu và làm tuyến đường liên bản để hôm nay, bản Sin Suối Hồ đã có một con đường bê tông sạch đẹp chạy uốn lượn qua những nếp nhà truyền thống của người Mông, chạy qua những vườn địa lan đang ôm nụ căng tràn như đưa du khách bước vào vườn thượng uyển.

Đón chúng tôi tại khu chợ mới mở, trưởng bản Vàng A Chỉnh khơi khơi kể về chuyện người dân nơi đây làm du lịch, về nguồn gốc giống địa lan làm nên tên tuổi nơi này, hay những chuyện mừng về việc Thác Trái Tim của bản trở thành di tích cấp tỉnh (di tích danh lam thắng cảnh), rồi chuyện người dân nơi đây “đổi đời” như thế nào khi Nhà nước hỗ trợ giống lúa mới, ngô mới...

Khi được hỏi về loài cá đắng, vị trưởng bản người Mông này ngớ người như “bị chạm nọc”. Hóa ra loài cá này hầu như chỉ có người già nơi đây mới biết và cũng chỉ có người dân nơi đây mới biết cách bắt loại cá này và cũng quý lắm người dân nơi đây mới đồng ý đưa nhà báo đi tìm loài cá mà bà con nơi đây coi là bảo vật này.

Sáng sớm miền biên viễn, ánh sáng mặt trời không thể xua tan lớp sương mù dầy như vơ được. Trong cái rét “dịu dàng” và thơ mộng chốn núi rừng này người ta chỉ muốn kéo chăn kín đầu mà nằm nướng cho đến giữa buổi nhưng ngoài cửa chúng tôi đã nghe tiếng trao đổi rì rầm giữa trưởng bản và mấy giọng thanh niên.

Ra là trưởng bản đã bố trí 3 chàng thanh niên thuộc hạng lực điền đưa chúng tôi đi tìm cá đắng. Theo lời kể của anh Lý Vần Xiên, loại cá đắng này chỉ sống ở hai con suối là Hoàng Chù Van và Chảng Phàng. Muốn đến được nơi ấy chúng tôi phải đi xe máy luồn rừng mất cả tiếng đồng hồ đánh vật với cua tay áo, ổ gà, vực sâu nhưng khi đến chân cầu treo Chảng Phàng, người thanh niên dẫn đường tên là Vàng A Của lại tiếp tục rồ ga, vượt dốc đi tiếp.

 

Bản cổ Sàng Mà Pho.
Bản cổ Sàng Mà Pho.

“Cá đắng phải ở nơi có nước đắng, nước đắng thì phải vào rừng sâu” - A Của giải thích khi những cành cây bên đường cứ vun vút quất vào mũa bảo hiểm, ba lô của chúng tôi. Cả đoàn “thực khách” dừng xe tại bản Sàng Mà Pho. Đây là một bản làng cổ, người dân đã sống ở đây từ rất lâu rồi dù là bản gần biên giới nhưng bà con nơi đây luôn bảo nhau bám đất, bám biên, bám bản để giữ gìn hương hỏa cha ông và cũng là giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Bản cổ này rất đẹp với những nếp nhà của người Mông nằm lẩn khuất giữa những tán đào, tán cây cổ thụ và những khối đá khá to nhưng thơ mộng... Trưởng bản Lý A Dế đón chúng tôi bằng cái cười rất thật. Ông càng thật thà hơn khi huyện chúng tôi không nên đi tìm cá đắng mùa đông vì đường xa, nước lạnh mà cá thì ngày một hiếm.

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, người dân nơi đây quan niệm loại cá này được bà con ví von là cá sâm, cá thuốc, chả thế mà mấy năm trước thương lái phía Trung Quốc vào tận xã, tận bản đặt mua. Rồi còn có cả những kẻ gian vượt biên sang đất Việt Nam để bắt trộm cá. Bởi vậy đến nay, tìm được con cá đắng là cả một gian nan mà chưa chắc ai đi cũng gặp...

Rời bản cổ Sàng Mà Pho chúng tôi đi trên con đường cổ ngược núi tìm đến nơi có loài “cá sâm” quý hiếm. Nói là đường cổ vì con đường này được lát đá nối dài từ xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) đến tận hết xã Sàng Ma Sáo (Bát Sát - Lào Cai). Đây là con đường mà thực dân Pháp đã bắt phu phen của ta xẻ đá kè đường vượt qua dãy Hoàng Liên Sơn để chúng chuyển quân và thu mua thuốc phiện.

Nay đường cổ đã chỉ còn là di tích, nhiều đoạn bị sạt, bị trôi, bị vùi lấp nhưng những dấu tích về sự ác ôn, về nỗi thống khổ thì vẫn còn vẹn nguyên trên từng đường rãnh tời kéo đá. Đường cổ dẫn chúng tôi vào thung sâu ngút ngàn, qua những nương thảo quả của người dân thơm nồng, qua những đoạn đường có cả trảng rừng đào chuông rất đẹp. Nơi đây, anh Xiên đã chỉ cho chúng những nơi trước kia vốn là nương thuốc phiện thì nay rừng đã mọc xanh và thay vào đó là nhưng trảng thảo quả bạt ngàn...

Đoàn chúng tôi cứ đi mãi vào chốn hoang nguyên của núi rừng Hoàng Liên. Càng lên cao, núi rừng càng kỳ vỹ, phong cảnh thì kỳ thú. Rừng này có rất nhiều loại lan đẹp và quý. Hoàng thảo đùi gà, hạc vỹ, kiều, van đa... và đặc biệt trên những thân cây cổ thụ vẫn có lác đác vài khóm hoàng thảo kèn - loại lan sắp tuyệt chủng trong tự nhiên và chỉ còn núi rừng Lai Châu là vẫn còn nhưng đang bị khai thác ở mức tận diệt.

Đi trong rừng già, thi thoảng chúng tôi vẫn gặp nhưng khóm hoàng liên nho nhỏ. Người dẫn đường Vàng A Của bảo: Trước đây cây hoàng liên ở núi này nhiều lắm nhưng nay thương lái đến lùng sục nên cây này cũng vãn và vì thế muốn kiếm được con cá đắng cũng rất kỳ công.

Đến độ cao khoảng 2.300m thì cả đoàn dừng lại bên khe suối. Đây là thượng nguồn suối Chảng Phàng. Ở độ cao này dù là giữa trưa nhưng nước vẫn lạnh như vừa lấy ra từ tủ lạnh. Bằng còn mắt “nhà nghề” Vàng A Của khẳng định ở đây có cá đắng. Vậy là người dựng lều, người đắp đập người vào rừng lấy vỏ cây.

Vàng A Của giải thích: Loài cá đắng rất khôn nên khó mà câu được, hơn nữa hiện nay số lượng loài cá này sụt giảm nên việc cắn câu là rất ít. Nếu dùng lưới thì có thể bắt được nhưng phải xua cá từ các hang, hốc đá ra mà với một khe suối hiểm trở như nơi này thì hầu như không thể. Muốn bắt được cá đắng phải làm theo cách của người Mông...

Câu nói bỏ lửng của chàng thanh niên khiến chúng tôi hết sức tò mò nhưng khi hỏi thì cậu ta chỉ cười và bảo các anh cứ nhìn sẽ biết. Chẳng còn cách nào khác chúng tôi đành ngồi im nhìn những thanh niên này đắp đập, be bờ, đổi hướng dòng suối. Bằng sức khỏe phi thường, các chàng trai người Mông vần đá, khơi dòng, bắt dòng suối phải đổi hướng sang nhánh khác.

Suối ở đây khá dốc nên khi đã bị nắn dòng, lòng suối chính nhanh chóng cạn nhe, chỉ còn là một dòng khe róc rách khá nhỏ. Đang mải theo dõi việc đắp đập chúng tôi chợt nghe có tiếng bồm bộp bên kia bờ suối. Hóa ra thanh niên vào rừng lấy vỏ cây đã về và đang dùng đá làm chầy giã nhỏ một loại vỏ cây có mầu đỏ thẫm.

Sau khi giã nhuyễn, loại bột vỏ cây ấy được hòa vào dòng suối đã cạn trơ do bị nắn dòng từ đầu nguồn. Loại vỏ cây kia hòa vào nước tạo thành màu đỏ sẫm như máu nhanh chóng lan khắp dòng chảy róc rách của con dòng nước xuôi dòng. Chỉ vài phút sau khi nước vỏ cây ngấm khắp lòng suối mặt nước bắt đầu quẫy động và đầu tiên là những chú cá mút đá ngoi nhao lên khỏi mặt nước trước. Hóa ra cách của người Mông là làm cho cá bị say bằng loại nhựa cây này.

“Loại nhựa cây này vừa dễ tìm, dễ làm, độc tính không cao nên không mang tính chất tận diệt, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn cá, khi nước trong trở lại cá sẽ hồi tỉnh” - Vàng A Của giải thích. Cứ mỗi chú cá mút đá nhao lên là bị các thanh niên cầm vợt chờ sẵn để bắt. Chúng tôi bắt được khá nhiều loại cá này nhưng cá đắng thì vẫn chưa thấy.

Những người đưa đường bảo: Loại cá này nó ăn nước sâm hoàng liên nên rất khỏe, còn lâu mới say, phải kiên nhẫn chờ cá ngấm thuốc thì mới bắt được. Chừng 15 phút sau đó mới có chú cá đắng đầu tiên ngoi ra khỏi hốc đá và bị tóm. Khác với hình dung của tôi, loại cá này chỉ to bằng ngón tay. Thoạt nhìn thì giống cá bống nhưng là loài cá có vẩy và trông như chú cá trôi nhỏ, nhưng đặc biệt vây của chúng có sọc đỏ, bụng mầu trắng đến vàng còn lưng thì màu đen óng.

Sau cả buổi hì hục cuối cùng chúng tôi cũng bắt được hơn chục chú cá nhỏ bé này và đương nhiên, thưởng thức thứ đặc sản của dãy Hoàng Liên ngay trên dãy Hoàng Liên thì còn gì bằng. Với sự tháo vát của những người dẫn đường một nồi rau rừng lõng bõng và hơn chục chú cá đắng được bắc lên bếp. Củi đượm, lửa to, chẳng mấy chốc mà bữa cơm dã chiến được dọn lên.

 

Những chú cá đắng đầu tiên mà đoàn chúng tôi bắt được.
Những chú cá đắng đầu tiên mà đoàn chúng tôi bắt được.
Thưởng thức món cá đắng nướng giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn.
Thưởng thức món cá đắng nướng giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn.

Nhìn cái cách mà các chàng trai người Mông trịnh trọng, cẩn thận múc từng con cá cho vào bát của khách chúng tôi cũng đoán được hẳn phải là quý lắm họ mới mời nhau như vậy. Và đúng là cá đắng, khi ăn con cá tôi cảm nhận rõ vị đắng dịu ở phần thịt cá (hoàn toàn không phải phần mật cá vì ruột cá đã được bỏ đi rồi).

Cái vị đắng dịu ấy hòa cùng mùi vị của rau rừng tạo nên một vị ngon vô cùng đặc biệt và rất khó tả. Anh Lý Vần Xiên bảo: Ruột cá đắng thì con nào chẳng vậy nhưng thịt cá đắng thì chỉ ở Hoàng Liên Sơn này mới có.

Hành trình hai ngày đường ăn rừng ngủ núi chỉ để được thưởng thức loại cá đặc biệt của Hoàng Liên Sơn âu cũng là cái thú. Loại cá đặc biệt, công dụng đặc biệt, đánh bắt đặc biệt và thưởng thức cũng đặc biệt. Thiên nhiên quả là lắm điều kỳ thú và hẳn là trong dãy Hoàng Liên Sơn vẫn còn vô vàn điều bất ngờ chờ được khám phá. Hãy đến với Lai Châu để một lần được trải nghiệm những điều đặc biệt đó.

Phóng sự của Khánh Kiên/tienphong

Có thể bạn quan tâm