Phóng sự - Ký sự

Hành trình truyền chữ giữa đại ngàn thăm thẳm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những giáo viên cắm bản ở miền rẻo cao Tương Dương, Quế Phong (Nghệ An) bao năm qua lặng lẽ “cắm bản”, cõng chữ lên rừng, chịu bao khó khăn, thiếu thốn. Hành trình truyền chữ giữa đại ngàn thăm thẳm nhọc nhằn, vất vả, nhưng không hề đơn độc.

Lên rẫy tìm trò

 

Cô giáo lên rẫy vận động học sinh trở lại trường.
Cô giáo lên rẫy vận động học sinh trở lại trường.

Từ trung tâm huyện biên giới Tương Dương đến Trường Tiểu học Lượng Minh (xã Lượng Minh) khoảng 50km đường núi. Ở miền rừng, đôi khi thấp thoáng nhà sàn, ngôi trường ẩn hiện phía trước nhưng bước chân cứ xa lơ xa lắc. Con đường mòn vắt vẻo, uốn lượn giữa vách núi dựng đứng và vực sâu hun hút. Gió mùa thổi về từng đợt se lạnh kèm theo mưa phùn khiến chặng đường hun hút xa thêm. Thầy giáo Vi Xiêng May - Phó Hiệu trưởng nhà trường nói với chúng tôi rằng đi qua cung đường này phải học tập các cô giáo sự bền bỉ, dẻo dai.

Qua bao nhiêu năm trèo đèo lội suối, những thân hình nhỏ nhắn ấy cứ thoăn thoắt, miệt mài như không hề biết mệt. Trong cơn mưa, những điểm sạt lở xuất hiện ngày càng nhiều, bùn đất tràn ra đường, cây cối ngả nghiêng chắn lối. Men theo sát phần đường taluy âm ngổn ngang sỏi đá tránh núi lở khiến ai nấy đều vã mồ hôi lo lắng. “Đối với giáo viên cắm bản, vì công việc nên nhiều hôm thời tiết khắc nghiệt nguy hiểm hơn nhưng các cô giáo trẻ vẫn phải vượt rừng đến trường”, thầy Vi Xiêng May nói.

Chăm Puông thuộc Trường Tiểu học Lượng Minh là điểm trường xa nhất vùng này, có 98 học sinh. Cơ sở vật chất vẫn còn tạm bợ, nhà trường phải dùng một phòng nội trú của giáo viên để làm nơi dạy học cho các em. Bữa cơm thường đạm bạc với măng rừng, rau đắng, sang hơn thì có tí thịt mua từ trung tâm xã. Cô giáo Vi Thị Miền (SN 1991) chia sẻ: “Em ra trường đã lâu nhưng hiện vẫn đang nằm trong diện hợp đồng của trường. Chỉ vì yêu nghề, yêu trẻ mà cố gắng bám trụ lại với mảnh đất này. Vào mùa thu hoạch lúa, học sinh ở nhà không có ai chăm sóc nên đi theo bố mẹ lên rẫy. Những lúc như vậy bọn em lại phải băng rừng vượt suối đi tìm để kéo các học sinh trở lại trường”.

Hôm qua vừa dạy xong buổi học, cô giáo lại vội vàng mang theo ít cơm đùm trong lá chuối vào rừng tìm trò. Em Lữ Thị Như đã vắng 4 buổi học khiến cô lo lắng bởi nếu không đến trường Như sẽ không theo kịp các bạn. Hơn 2 giờ đồng hồ băng rừng vượt suối mồ hôi ướt đẫm, Miền mới tới được khu chòi nhỏ nơi gia đình học sinh thu hoạch lúa. Sau một hồi vận động, thuyết phục, bố mẹ Như đã đồng ý để cô giáo dắt con mình về trường. “Đói hoa mắt, chân tay rụng rời chỉ muốn nằm ngủ một giấc nhưng nghĩ đến cảnh đưa được học sinh trở lại trường mà thấy vui”, cô Miền tươi cười nói.

Thầy Nguyễn Hữu Cơ điểm trường Chăm Puông bảo, sau bữa cơm các thầy phải tranh thủ lên rẫy đưa học sinh về. Rẫy của gia đình này ở xa nên phải đi sớm. Thấy thầy giáo đến, Cụt Văn Dần cùng đứa em đang chơi bên căn chòi nhỏ chạy nép vào một góc líu ríu chào. Anh Cụt Văn Thuể đang cùng vợ nhặt lúa dừng tay vào chòi rót nước mời khách. Sau khi nghe thầy giáo trình bày, anh Thuể thở dài nói: “Gia đình neo người nên con cái không gửi cho ai được, để ở nhà thì chúng kiếm được gì ăn nấy. Nhiều hôm lo lắng chạy vội từ rẫy về thấy con nhếch nhác mà thương quá nên đành cho chúng nghỉ học vào rẫy cùng bố mẹ”. Thầy Cơ vội rút ra mấy tờ tiền trao cho anh Thuể để mua thức ăn dự trữ cho con. Sau câu chuyện, chúng tôi cùng học sinh hành trình xuống núi. “Thế đấy, đồng lương chẳng là bao nhưng thỉnh thoảng phải trích ra một ít hỗ trợ gia đình các em, mong các em có thức ăn, ấm cái bụng mà đến trường. Đành vậy thôi”, thầy Nguyễn Hữu Cơ nói.

Thắp đèn tìm chữ

 

 

Bản Minh Thành về đêm tĩnh lặng, các gia đình tắt đèn đi ngủ sớm, đời sống còn khó khăn nên tiết kiệm tối đa từng giọt dầu. Tiếng trống trường bỗng vang lên từ bên kia khe Mạt, xé tan không gian tĩnh mịch nơi núi rừng hoang liêu. Những đứa trẻ í ới gọi nhau thắp từng ngọn đèn dầu vượt suối đến lớp, màn đêm chợt bừng sáng. Nhét mấy miếng lá khô vào tẩu thuốc, trưởng bản Lô Văn Mằn cho hay: “Đêm nào cũng như đêm nào, các thầy cô đều đánh trống để học sinh đến lớp học. Chẳng tiền nong gì cả, các cô giáo cắm bản ở đây tuổi đời còn rất trẻ nhưng không ngại vất vả kèm cặp cho các em cả ngày lẫn đêm”.

Theo chân đám trẻ về phía trường tiểu học, chúng tôi thấy các cô giáo đã đứng đợi ở bên suối để dẫn từng em học sinh qua. Từng người, từng người một an toàn qua suối, ân cần. Trong phòng học mỗi cô phụ trách một lớp, hướng dẫn tỉ mỉ từ cách đánh vần đến viết chữ, làm phép tính. Trong không gian đượm mùi dầu hỏa bốc lên từ ngọn đèn được làm bằng vỏ lon bia, những mái đầu vẫn cặm cụi, miệt mài bên trang vở. Cô Kha Thị Thư (SN 1990) tâm sự: “Không có điện thì các cô mua nến, hết nến thì nhờ phụ huynh góp dầu để các cháu được đến trường học. Để ở nhà sợ bố mẹ không bày dạy được vì cả ngày phụ huynh vất vả trên rẫy, nên các em đến đây để các cô quản lí và hướng dẫn học bài. Nhờ vậy mà chất lượng học tập được nâng cao”.

Điểm trường tiểu học bản Minh Thành có 4 lớp với 36 học sinh nhưng chỉ có 4 cô giáo trẻ, sinh năm 1990 tới 1995 phụ trách. Cuộc sống vất vả, xa xôi cách trở với miền xuôi, nhiều lúc chạnh buồn thân phận nhưng nhìn những gương mặt trẻ thơ các cô lại có thêm nghị lực để cống hiến. Trần Thị Quỳnh Trang, cô giáo 22 tuổi mới ra trường được phân về bản Minh Thành, nói:  “Lúc đầu nhận nhiệm vụ vượt đường rừng một mình đến trường người cứ run bần bật.

Điện không, sóng điện thoại lúc có lúc mất, 4 chị em chen chúc nhau trong một căn phòng nhỏ. Lúc ấy em chỉ muốn bỏ nghề cho rồi nhưng cứ nghĩ nếu ai cũng như mình thì các cháu sẽ ra sao. Vậy là lại tiếp tục công việc”. Chúng tôi rời Trường Tiểu học Lượng Minh về nhà trưởng bản, sau lưng là tiếng ê a học bài của đám trẻ vang vọng trong đêm tối bên ánh đèn dầu leo lét.

Trở lại với “Tột cùng Nậm Tột”

 

Học sinh Tri Lễ 4.
Học sinh Tri Lễ 4.

Hai năm trước, báo Tiền Phong đăng phóng sự “Cắm chữ chốn thâm sơn cùng cốc” phản ánh những khó khăn, thiếu thốn của “Ngôi trường độc nhất vô nhị”. Trên chóp núi mờ sương, không có bóng dáng cô giáo, Trường Tiểu học Tri Lễ chỉ có 46 giáo viên nam. Tri Lễ 4 là trường khó khăn nhất của huyện Quế Phong, nằm giữa bản làng người Mông. Mỗi lần nhắc tới Mường Lống, Nậm Tột, Huổi Mới ai cũng thấy ngao ngán. Con đường độc đạo từ xã vào bản, dốc Đỏ huyền thoại trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các giáo viên dạy học nơi đây.

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có 29 lớp học, 378 em học sinh, 46 giáo viên đứng lớp ở 6 điểm trường gồm Huổi Mới 1, Huổi Mới 2, Mường Lống, Huồi Xai 1, Huồi Xai 2 và Nậm Tột. Không điện thắp sáng, không sóng điện thoại, không trạm y tế,  một thời gian dài thầy trò học chữ dưới ánh đèn dầu, nhiều lúc các thầy giáo phải treo đèn pin lên xà nhà dọi xuống lấy ánh sáng. Khí hậu lạnh giá, sương mù bao phủ suốt mùa đông càng khiến cho hành trình gieo chữ nơi thâm sơn cùng cốc Nậm Tột, Huổi Mới, Huồi Xai càng vất vả, gian nan.

Thắp đèn học chữ, vạch sương mù băng rừng lội suối đến từng căn nhà sàn vận động, thuyết phục từng gia đình cho con em của họ trở lại lớp là công việc thường ngày của giáo viên “cắm bản”. Sau phóng sự “Tột cùng Nậm Tột” đăng trên Tiền Phong, thầy giáo và các em học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đã nhận được nhiều sẻ chia, hỗ trợ của cộng đồng. Tỉnh đoàn Nghệ An huy động hơn 1.000 thanh niên lên núi sửa đường; các doanh nghiệp giúp đỡ nhà trường hơn 200 triệu đồng mua hàng trăm chiếc chăn, áo ấm, đồ dùng học tập, lắp 6 giàn pin năng lượng mặt trời kéo ánh sáng xuống điểm cao Huổi Mới, Huồi Xai, Nậm Tột.

Quang Long-Cảnh Huệ/tienphong

Có thể bạn quan tâm