Phóng sự - Ký sự

"Hậu phương" trên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không hẳn là trụ cột chính, nhưng tập quán của chế độ mẫu hệ đã giúp cho chị em phụ nữ dân tộc Jrai trở thành người có tiếng nói quyết định trong gia đình. Từ lợi thế rất lớn này, các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nhằm xây chắc hơn nữa “hậu phương” trên biên giới...

Gần trọn đời lính đồng hành với phụ nữ

Có thể nói, trên địa bàn tỉnh, chương trình phối hợp giữa BĐBP với Hội Phụ nữ là một trong những chương trình hành động hiệu quả và mang tính bền vững nhất. Các Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn 3 huyện biên giới đã phối hợp với Hội Phụ nữ huyện, xã xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội ở cơ sở, duy trì nền nếp sinh hoạt thường xuyên, phối hợp triển khai có hiệu quả các phong trào như: xóa mù chữ cho chị em hội viên, vận động phụ nữ xã biên giới giúp nhau làm kinh tế, định canh, định cư, chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, bỏ học, chăm lo xây dựng tình đoàn kết ở địa phương... Gần 30 năm đồng hành với chương trình phối hợp, nhiều người trong số họ giờ “tóc đã nhuộm sương” nhưng lòng nhiệt huyết vẫn còn cháy bỏng.

 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: T.K.N

Câu chuyện vui “ông làm bà được khen” của Trung tá Nguyễn Hồng Tươi là một minh chứng. Tròn 25 năm công tác tại địa bàn xã Ia Mơr (huyện Chư Prông), không nơi nào là không có dấu giày của người cán bộ này, từ vườn điều ở làng Krông đến ruộng lúa nước ở làng Klả, từ mô hình luân chuyển bò giống giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo đến “chiến dịch” tuyên truyền vận động tái định cư vùng lòng hồ thủy lợi Ia Mơr. Cùng với nữ già làng Ksor H’Lâm, anh miệt mài đồng hành với chị em phụ nữ trong vai trò là người hướng dẫn trợ giúp. Những đóng góp tích cực của anh Nguyễn Hồng Tươi đã được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá rất cao. Trong một dịp tổng kết công tác phối hợp với Hội Phụ nữ, do cái tên có phần... nữ tính nên anh đã “nhận nhầm” giấy khen của “bà” Nguyễn Thị Hồng Tươi!

Và, còn rất nhiều những người thầy giáo, thầy thuốc, cán bộ tuyên truyền văn hóa “mang quân hàm xanh” như Trung tá Vũ Văn Dương-cán bộ tăng cường xã Ia O (huyện Ia Grai), Thiếu tá Lê Duy Toàn-Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơr, Thiếu tá Vũ Văn Hoằng-cán bộ tăng cường xã Ia Dom (huyện Đức Cơ)... Họ đã đồng hành cùng chương trình phối hợp với Hội Phụ nữ từ những ngày đầu mới triển khai và đã dành trọn cả đời lính của mình đóng góp cho địa bàn biên giới.

Khắc phục khó khăn

Đời sống kinh tế của chị em hội viên phụ nữ ở các xã biên giới trong tỉnh mặc dù đã được cải thiện nhưng so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh thì vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn. Tại nhiều thôn làng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn trên 50%, gần 100% chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) làm nông nghiệp, quanh năm suốt tháng vất vả với cuộc mưu sinh. Đất sản xuất và nhân lực lao động không thiếu, cái cần của chị em hội viên là mô hình kinh tế và nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Theo số liệu mới nhất, tính đến cuối năm 2017, tổng dư nợ từ việc tín chấp cho hội viên phụ  nữ các xã biên giới vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội là trên... 230 triệu đồng. Nếu chia đều cho số hội viên phụ nữ hiện có của 7 xã biên giới thì mỗi người được vay khoảng gần... 50 ngàn đồng. Dư nợ ít một phần do chủ thể chính không mặn mà với việc giao dịch với ngân hàng và thiếu những mô hình kinh tế hiệu quả.

Chất lượng hoạt động công tác Hội ở các thôn làng biên giới cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm. Mặc dù tất cả thôn làng đều đã thành lập chi hội phụ nữ, nhưng vẫn còn gần 60% số chị em không phải là hội viên. Do nằm ngoài cuộc nên công tác tuyên truyền vận động chị em thực hiện các phong trào gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu báo cáo, trên địa bàn biên giới hiện có tới 47 trường hợp là người DTTS kết hôn với người Campuchia nhưng không đăng ký kết hôn do chưa nhập quốc tịch, 6 hộ không đăng ký giấy khai sinh cho con. Cùng với đó là những quyền lợi của chị em bị bỏ ngỏ do họ không mặn mà tham gia hoạt động Hội.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, các cấp Hội Phụ nữ đã tăng cường phối hợp với BĐBP tỉnh tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội cơ sở. Các đồn biên phòng quản lý địa bàn chủ động phối hợp với Hội Phụ nữ xã xây dựng các mô hình kinh tế giúp chị em phụ nữ xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh tuyên truyền thu hút chị em tham gia hoạt động Hội. Phong trào giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như: phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, kết nghĩa thôn làng, kết nghĩa hộ gia đình người Kinh với gia đình DTTS, hộ gia đình khá giả trợ giúp hộ nghèo.

Song song với đó, 2 lực lượng còn tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành, đơn vị doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, gắn với việc thăm hỏi tặng quà cho người nghèo, người già neo đơn không nơi nương tựa, gia đình chính sách, các cháu học sinh nhân ngày khai trường... Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao tay nghề, kỹ thuật sản xuất cho chị em cũng được các cấp Hội Phụ nữ và BĐBP quan tâm chăm lo. Trong 5 năm (2012- 2017), trên địa bàn biên giới đã có hơn 1.250 cuộc tập huấn với gần 35 ngàn lượt chị em được bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kỹ thuật canh tác, đào tạo nghề dệt thổ cẩm, khai thác mủ cao su..., góp phần nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ. Phong trào thực hành tiết kiệm 5.000 đồng/người/ngày cũng đã được chị em hưởng ứng, tham gia với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ cho 1.145 lượt chị được vay vốn phát triển kinh tế.

Bên cạnh việc triển khai các chương trình lớn như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Bò giống cho người nghèo”, “Nâng bước em đến trường”..., các đơn vị BĐBP trong tỉnh còn tập trung xây dựng những mô hình giúp dân như “Bếp ăn tình thương” ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, “Phòng khám sức khỏe cho người già” ở Đồn Biên phòng Ia Púch, “Cánh đồng lúa nước” ở Đồn Biên phòng Ia Mơr. Những đóng góp tuy nhỏ nhưng rất thiết thực này đã củng cố niềm tin đối với các mẹ, các chị-những người có tiếng nói quyết định trong gia đình, góp phần xây chắc hơn nữa “hậu phương” trên biên giới.

Thái Kim Nga

Có thể bạn quan tâm