Thời sự - Bình luận

Hãy thôi làm bẩn mắt mình!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi pháo hoa vút lên bầu trời cũng là lúc bên dưới, rác tiếp tục bị ném xuống những điểm sinh hoạt công cộng...

Khuya 31-12-2022, các đường phố trung tâm quận 1 của TP HCM rộn rã. Từ trẻ nhỏ, nam thanh nữ tú đến ông già bà cả náo nức dạo tết, tham gia màn đếm ngược (countdown) và chờ đợi khoảnh khắc bầu trời tỏa sáng rực rỡ bởi màn pháo hoa.

Đường phố mỗi lúc mỗi đông. Trong đó, phố đi bộ Nguyễn Huệ, những con đường gần đó như Tôn Đức Thắng, Hồ Tùng Mậu, Hàm Nghi, Ngô Đức Kế… chật như nêm… Một cô bé chừng 8 tuổi hét lên "Mẹ ơi, trà sữa chỉ còn nước đá. Cầm giùm con, mỏi tay quá". Người mẹ có lẽ cũng mệt mỏi vì chen lấn, sẵng giọng đáp mà như mắng: "Uống hết rồi thì bỏ đi!" và cô bé làm theo, ném ly trà sữa xuống chân những người đi bên cạnh.


 

Rác bị tùy tiện xả dưới những bước chân điềm nhiên của nhiều người - Ảnh HOÀNG TRIỀU
Rác bị tùy tiện xả dưới những bước chân điềm nhiên của nhiều người - Ảnh HOÀNG TRIỀU



Đó là một chi tiết trong khoảng 10 phút than vãn của bạn tôi về cái đêm "ngập rác" đó. Bạn kể những địa điểm bạn đi qua ban ngày thường tráng lệ, sạch sẽ thì trước và sau thời điểm năm mới bước sang đã xuất hiện cơ man vỏ lon, vải bạt, thức ăn thừa…

Và đúng như vậy. Ngay trong đêm đó và sáng hôm sau, Internet tràn ngập thông tin về rác tại những điểm công cộng.

Tôi không ngạc nhiên về cách làm gương xấu cho con của một số bậc cha mẹ. Tôi không ngạc nhiên về tình trạng mỗi khi một sự kiện vui chơi, giải trí qua đi luôn là sự xâm lấn của rác thải. Tôi chỉ rất không hiểu tại sao hiện tượng này mãi không giảm dù là "vấn nạn" kéo dài từ năm này qua năm khác!.

Những nơi đó không thiếu thùng đựng rác, những nơi đó không thiếu các bảng cấm đổ rác, những nơi đó càng chưa bao giờ vắng bóng lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nhắc nhở, xiển dương sự văn minh… nhưng, sự văn minh không được đáp lại?

Nguyên nhân ai cũng có thể nghĩ tới đầu tiên đó là sự thiếu ý thức của một số người. Nhưng cần hiểu, ý thức được hình thành từ giáo dục, tuyên truyền, nêu gương và quá trình thẩm thấu những chuẩn mực xã hội.

Trong khoa học về tâm lý đám đông, nếu thấy ai đó ném vỏ kẹo cao su xuống đường mà không ai có ý kiến thì tự động người này bắt chước người kia và vỏ bao thuốc lá, bịch nước uống chưa hết, thức ăn thừa… sẽ dồn dập "đổ bộ". Từ đó, một đám đông thanh lịch bỗng chốc biến thành những cá nhân ích kỷ, thiếu kỹ năng, vô tổ chức.

 

Hình ảnh rác ngập ngụa không chỉ làm bẩn con mắt của bạn. Nó còn khiến bạn trở nên xấu xí trong văn hóa, trong mắt bạn bè nếu là một thành viên tham gia vào việc xả rác bừa bãi - Ảnh HOÀNG TRIỀU
Hình ảnh rác ngập ngụa không chỉ làm bẩn con mắt của bạn. Nó còn khiến bạn trở nên xấu xí trong văn hóa, trong mắt bạn bè nếu là một thành viên tham gia vào việc xả rác bừa bãi - Ảnh HOÀNG TRIỀU


Nên, các yếu tố giáo dục, tuyên truyền, nêu gương, tác động những các chuẩn mực văn minh phải được áp dụng đồng bộ và hiệu quả hơn nữa. Nhiệm vụ ấy trước tiên thuộc về gia đình, nhà trường. Đồng thời với đó, cơ quan chức năng ngoài việc xử lý thì phải có sự tác động một cách vừa dứt khoát, vừa khoa học nhằm tăng cao sức đề kháng của cá nhân trước những hiện tượng xấu.

Khi pháo hoa vút lên bầu trời cũng là lúc bên dưới, rác tiếp tục bị ném xuống những điểm sinh hoạt công cộng. Câu chuyện này nên được viết lại để bầu trời và mặt đất đều đẹp. Điều đó phụ thuộc vào chúng ta.

Hãy nhớ, hình ảnh rác ngập ngụa không chỉ làm bẩn con mắt của bạn. Nó còn khiến bạn trở nên xấu xí trong văn hóa, trong mắt bạn bè nếu bạn là một thành viên tham gia vào việc xả rác bừa bãi.

Nên là người có trách nhiệm với chính tư cách của mình, thưa các bạn.

https://nld.com.vn/thoi-su/hay-thoi-lam-ban-mat-minh-20230102103456479.htm
 

Theo TUẤN ANH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm