Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Hết lòng vì sức khỏe người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, các thế hệ thầy thuốc ở Trạm Y tế xã Hà Tây (huyện Chư Pah) đã không ngừng nỗ lực để nơi đây trở thành điểm đến tin cậy cho nhân dân trong xã mỗi khi ốm đau.

Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu

Xã Hà Tây cách trung tâm huyện Chư Pah hơn 40 km. Đây là xã đặc biệt khó khăn với 98% dân số là người dân tộc Bahnar. Nhiệm vụ trọng tâm của trạm là chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và làm công tác dự phòng nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

 

Khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Hà Tây. Ảnh: H.S

Nhân lực tại Trạm Y tế xã Hà Tây hiện có 6 người, gồm: 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 điều dưỡng, 1 dược sĩ và 2 nữ hộ sinh. Trong đó, biên chế của trạm là 4 người. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã điều chuyển thêm 1 nữ hộ sinh và 1 dược sĩ tăng cường cho Trạm Y tế xã Hà Tây để có thêm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ban đầu của nhân dân trong xã.

Dù đứng chân tại xã đặc biệt khó khăn và cách xa trung tâm huyện nhưng đội ngũ y tế tại trạm luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo thống kê, mỗi năm, Trạm Y tế xã Hà Tây đã khám, điều trị cho gần 3.000 lượt bệnh nhân. 100% bệnh nhân khi đến thăm khám tại trạm đều có thẻ bảo hiểm y tế. Từ đầu năm đến nay, trạm đã khám, điều trị cho gần 1.000 lượt bệnh nhân. Các bệnh mà người dân mắc phải chủ yếu là viêm đường hô hấp trên, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, da liễu…

“Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của y-bác sĩ, Trạm Y tế xã Hà Tây đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong xã. Cách đây khoảng 10 năm, Hà Tây là xã trọng điểm của sốt rét với số bệnh nhân mắc rất cao nhưng đến nay đã giảm rõ rệt. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2018 chưa ghi nhận trường hợp sốt rét nào. Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên ý thức của người dân đã được nâng cao; khi ốm đau, bà con đến trạm hoặc cơ sở y tế để được thăm khám, không còn tình trạng cúng bái như trước đây; chị em phụ nữ đã biết đến trạm để được theo dõi sức khỏe trong thai kỳ. Tỷ lệ trẻ em tham gia các chương trình tiêm chủng đạt cao”-bác sĩ Nguyễn Đinh-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hà Tây, chia sẻ.  

Địu con gái 2 tuổi đến khám khi trời đã đứng bóng, chị Y Em (làng Kon Sơ Lăh) bộc bạch: “Lúc nãy ở trên rẫy, thấy con quấy khóc, khó thở, mệt mỏi, sờ người thấy bé rất nóng nên mình chở con về khám và xin thuốc. Bác sĩ bảo con gái mình bị cảm nên cấp thuốc và hướng dẫn cách uống rồi. Mỗi lần có người đau, mình đều đưa đến trạm”.

Theo bác sĩ Nguyễn Trà-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pah: Trạm Y tế xã Hà Tây đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Từ năm 2012 đến nay, sau khi được Trung tâm điều chuyển 1 bác sĩ từ trạm khác sang làm Trưởng trạm, công tác khám-chữa bệnh và việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế cũng như công tác dự phòng triển khai có hiệu quả hơn.

Còn đó những khó khăn

Hà Tây là xã đặc biệt khó khăn với dân số hơn 4.600 người thuộc 9 làng. Bà con chủ yếu làm nông nghiệp, ít sống ở làng mà thường sống tại nhà rẫy (cách xa làng có khi đến 20 km) nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác y tế dự phòng. Tình trạng sinh nhiều con còn phổ biến cũng khiến việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về dân số, kế hoạch hóa gia đình gặp khó. Một số gia đình khi có sản phụ sắp sinh nở thường gọi nữ hộ sinh đến tận nhà đỡ đẻ. Và dù chưa xảy ra các trường hợp tai biến sản khoa do sinh tại nhà nhưng cũng gây không ít khó khăn cho đội ngũ y tế tại trạm.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang-thiết bị y tế còn thiếu thốn. Trạm được xây dựng đã hơn 20 năm, cơ sở vật chất hạ tầng hiện đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của trạm. “Nhất là vào mùa mưa, nước ngấm tường và dột rất nhiều. Mấy phòng ở phía sau làm chỗ ở tạm thời cho anh chị em cũng bị hư hỏng, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Trạm có 6 người thì cả 6 đều ở xa, nhưng xã không có phòng trọ để thuê. Chúng tôi mong muốn các cấp quan tâm sửa chữa hoặc xây mới và hỗ trợ thêm các thiết bị máy móc để công tác khám-chữa bệnh cho người dân ở xã được tốt  hơn”-bác sĩ Nguyễn Đinh cho biết thêm.

Một trong những khó khăn mà những thầy thuốc tại xã còn gặp phải là thiếu nước sạch. Giếng nước thường cạn vào mùa khô, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh và các hoạt động của đơn vị. Ngoài ra, trạm cũng chưa có hệ thống xử lý rác thải y tế. Phương pháp xử lý rác thải hiện vẫn là cho xuống hố rác và đốt, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm