Hiệu quả công tác dân vận trong đồng bào DTTS ở Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Phú Thiện có phần đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ làm tốt công tác dân vận nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đã được nâng lên đáng kể.

Phú Thiện là một huyện thuần nông nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, tổng dân số gần 80 nghìn người với 18 dân tộc anh em sinh sống tại 130 thôn, làng, tổ dân phố của 10 xã, thị trấn. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%. Hầu hết các hộ người dân tộc thiểu số có cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập không ổn định, trình độ dân trí thấp, ảnh hưởng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế. Điều này đã phần nào làm cho công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.
 

Giúp dân làng Pông xã Chư A Thai di dời nhà ở. Ảnh: Phương Nhi
Giúp dân làng Pông xã Chư A Thai di dời nhà ở. Ảnh: Phương Nhi

Luôn xác định rõ công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, các cấp ủy đảng ở Phú Thiện đã quan tâm đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, chú trọng việc đối thoại, tiếp xúc trực tiếp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó, có giải pháp xử lý phù hợp, đồng thời, đấu tranh phòng chống các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố, kiện toàn các tổ chức hội, đoàn thể của các thôn làng vùng dân tộc thiểu số. 100% thôn làng, tổ dân phố đồng bào dân tộc thiểu số đã thành lập được chi bộ, có 13/85 thôn làng dân tộc thiểu số đã có chi ủy, chiếm tỷ lệ 15%, có 863 đảng viên dân tộc thiểu số trong tổng số 2.319 đảng viên toàn huyện, chiếm tỷ lệ 37,2%.

Cùng với đó, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp huyện Phú Thiện đã thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như thực hiện các chính sách dân tộc-tôn giáo của Đảng, Nhà nước trên địa bàn huyện. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, bộ mặt thôn làng trên địa bàn huyện Phú Thiện đã có nhiều thay đổi, nhất là các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình ở làng Bir (xã Ia Yeng) từ khi có điện vào năm 2015 đã xóa hẳn cái tên làng “3 không”: Không điện, không nước sinh hoạt và không đất sản xuất. “Gia đình mình vào đây, lúc đó chưa có điện, sinh hoạt mọi thứ khó khăn lắm. Nhờ Đảng, nhà nước quan tâm, làng có điện thắp sáng, có nước sạch về đến nhà để sinh hoạt, con cái học hành, đường sá đi lại thuận tiện, mình và bà con trong làng vui lắm. Giờ định cư lâu dài ở đây luôn, cố gắng lao động sản xuất để thoát nghèo”-chị Siu H’Ven (làng Bir, xã Ia Yeng), bày tỏ.

 

Đồng chí Trần Quốc Khánh-Phó Bí thư Huyện ủy Phú Thiện cho hay: “Để triển khai thực hiện Chỉ thị 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XI và Thông tri số 01 ngày 14-12-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban thường vụ Huyện ủy Phú Thiện đã chỉ đạo tổ chức các lớp học tập nghiên cứu, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và tuyên truyền phổ biến đến đông đảo quần chúng nhân dân. Ban hành Chương trình số 14 ngày 28-4-2016 để chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, các cấp ủy Ḍảng, tổ chức Đảng và chính quyền cũng đã cụ thể hóa chỉ thị bằng các kế hoạch, chương trình hành động để tổ chức thực hiện đạt kết quả thiết thực”.

Đáng chú ý hơn, trong thời gian vừa qua, các cấp, các ngành huyện Phú Thiện đã triển khai quyết liệt các nội dung của “Năm hành động 2017”, trong đó, có hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp với việc mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn trên cây mía và cây lúa. Huyện đã triển khai xây dựng được 19 cánh đồng lúa lớn có tổng diện tích trên 700 ha và 2 cánh đồng mía lớn tại xã Chư A Thai và xã Ia Piar có sự tham gia của 100% hộ dân tộc thiểu số. Anh Siu Đuy ở làng Pông (xã Chư A Thai) cho hay: “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện giúp bà con dân làng xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn được 87,1 ha nên dân làng đã biết hợp tác với nhau để cùng phát triển kinh tế”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết: “Xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống và cánh đồng mía lớn là một trong những giải pháp giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Người dân đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cũng như Nhà máy Đường Ayun Pa để xây dựng cánh đồng mía lớn”.

Thông qua việc ban hành các nghị quyết, đề án trên các lĩnh vực để phát triển kinh tế-xã hội ở các làng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác dân vận và các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục chuyển biến tích cực. Kết quả nổi bật trong năm 2017, huyện đã từng bước triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng đồn của xã Chư A Thai, trước mắt làm điểm với công tác di dời, bố trí lại dân cư và xây dựng hệ thống đường giao thông tại làng Pông.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh theo Nghị quyết 02 của Huyện ủy, đến nay, toàn huyện đã có xã Ayun Hạ đạt chuẩn nông thôn mới và thị trấn Phú Thiện đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Đây cũng chính là động lực để các xã còn lại phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Trong năm 2017, xã Ia Sol phấn đấu cán đích nông thôn mới. Qua đó, góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn.

Kinh tế phát triển, quốc phòng-an ninh được giữ vững ổn định, huyện càng có thêm điều kiện, nguồn lực để chăm lo hiệu quả cho công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 22,16% theo chuẩn nghèo đa chiều; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 3.226 hộ, chiếm tỷ lệ 81,8% tổng số hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 16 triệu đồng một năm.

Công tác giáo dục được quan tâm, hệ thống trường học được đầu tư đảm bảo các điều kiện cho việc dạy và học, tình trạng học sinh con em dân tộc thiểu số bỏ học, nghỉ học theo mùa vụ được hạn chế. Hệ thống y tế từ xã đến huyện được củng cố, kiện toàn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Các giá trị văn hóa truyền thống được duy trì, bảo tồn và phát huy, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Song song với việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc, huyện Phú Thiện còn tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Qua đó, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin trong quần chúng nhân dân, nhất là của đồng bào theo đạo đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị địa phương.

Sau 10 năm thành lập (2007-2017), đặc biệt 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20-10 -2015 của Ban Bí thư trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác dân vận của huyện Phú Thiện đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển bền vững, toàn diện.

Phương Nhi

Có thể bạn quan tâm