Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Hiệu quả mô hình "Dân vận khéo" ở Ia Grai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo có địa chỉ; hướng dẫn người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chung sức xây dựng nông thôn mới… là những mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong “Dân vận khéo” được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) triển khai hiệu quả thời gian qua.
Chỉ với 2 con heo giống do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện hỗ trợ, sau gần 3 năm chăn nuôi, gia đình chị Rơ Châm Khon (làng Jek, xã Ia Sao) đã vươn lên thoát nghèo. Chị Khon cho hay: “Lúc đầu, mình lo lắm vì chưa có kinh nghiệm nuôi heo. Nhưng rồi được chị em hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật nên mình thấy nuôi heo không khó”. Nhờ chăm sóc tốt nên cặp heo của gia đình chị Khon khỏe mạnh, mỗi lứa đẻ 9-10 con. Dành dụm tiền bán heo, gia đình chị Khon giờ đã mua được xe công nông, đất trồng cà phê và vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ dân ở làng cũng mạnh dạn phát triển chăn nuôi heo khi nhận thấy hiệu quả kinh tế.
Bà Dương Thị Mộng Loan-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Grai-cho biết: Những năm qua, Hội triển khai mô hình “Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo có địa chỉ” bằng các hình thức như: hỗ trợ ngày công, tặng cây giống, con giống là heo, gà, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, cho vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp… Bình quân hàng năm, Hội giúp 15 hội viên nghèo có điều kiện vươn lên. Hầu hết hội viên nghèo được giúp đỡ đều đã cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Ngoài mô hình hỗ trợ sinh kế, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện chỉ đạo các cơ sở Hội thực hiện hiệu quả mô hình “Mái ấm tình thương”. Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Sao là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện mô hình này. Đầu tháng 4-2021, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Sao đã vận động các Mạnh Thường Quân tặng nhà “Mái ấm tình thương” cho gia đình chị Rơ Châm Kên (làng Ó). Chị Kên xúc động bày tỏ: “Gia đình mình giờ đã có nhà mới kiên cố để ở, không còn phải lo lắng mỗi khi mưa gió. Mình rất biết ơn và sẽ tham gia tích cực các hoạt động của Hội, học hỏi kinh nghiệm, vay vốn phát triển sản xuất để thoát nghèo”.
Cán bộ xã Ia Sao (huyện Ia Grai) tuyên truyền người dân thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Hà Tây
Mô hình dân vận khéo “Sáng, xanh, sạch, đẹp” cũng được 13 xã, thị trấn trong huyện triển khai đến từng hộ dân. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, hàng chục km đường giao thông nông thôn đã được xây dựng; nhiều làng tự lắp điện thắp sáng trên các tuyến đường; các hộ dân xây dựng hàng rào, cổng ngõ gọn gàng, sạch sẽ. Bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã Ia Khai-cho hay: “Chủ nhật hàng tuần, chị em phụ nữ ở các thôn, làng tập hợp nhau lại để quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh… Những hoạt động này dần làm thay đổi thói quen, ý thức trong việc bảo vệ môi trường ở thôn, làng, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Grai triển khai hơn 10 năm qua và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Ông Trần Hồng Hà-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho biết: Mặt trận các cấp đã xây dựng 400 mô hình trên tất cả các lĩnh vực và nhân rộng 378 mô hình với hơn 20.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện, qua đó giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng vốn vay hiệu quả.
“Từ kết quả đạt được, năm 2022, công tác dân vận tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền sát với tình hình thực tiễn và phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp triển khai các mô hình dân vận phù hợp, đi vào chiều sâu, tạo được sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân”-ông Hà nhấn mạnh.
HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm